Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda nhân chuyến thăm Nhật Bản tháng 11/2007. ảnh TTXVN |
Điểm nhấn trên con đường hội nhập quốc tế để chấn hưng nền kinh tế đất nước phải kể đến đó là việc Việt Nam đã được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kết nạp là thành viên chính thức thứ 150 ngày 7/11/2006. Đây là một “nhịp bứt phá” mới quan trọng trong giai đoạn phát triển đầy năng động của Việt Nam. Gia nhập WTO chính là do nhu cầu của nền kinh tế, và do Việt Nam chủ động lựa chọn. Đã là chủ động thì Việt Nam phải chọn con đường đẹp, con đường mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, cho dân tộc để đi.
Tuy nhiên, để gia nhập WTO, Việt Nam cũng phải trải qua 11 năm đàm phán đa phương và song phương với WTO và các đối tác của tổ chức này. Tấm thẻ thành viên WTO Việt Nam có được chỉ có thể nói là nhờ chính sự nỗ lực không ngừng trong đàm phán gia nhập và đặc biệt chính là nhờ những thành tựu phát triển đầy ấn tượng, năng động của Việt Nam. Là thành viên thứ 150 của WTO cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng thế giới đã ghi nhận sự phát triển và cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam phù hợp với “cuộc chơi” toàn cầu.
Nhận định chung của các chuyên gia kinh tế ở trong và ngoài nước sau hơn 1 năm gia nhập WTO cho thấy, tuy WTO không phải là phép màu cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh, song tác động từ WTO là tích cực, nền kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh trong những năm tới. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2007 đạt 8,5%, mức cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu ước đạt khoảng 48 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2006 (là nước có tốc độc tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu thế giới). Trong năm đầu tiên là thành viên WTO, luồng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam với con số kỷ lục 15 tỷ USD, một con số chưa từng thấy đến thời điểm này. Các nhà hoạch định chính sách, chiến lược hội nhập nhận định rằng, nếu có quyết tâm cao thì chỉ trong vòng 2 hoặc 3 năm nữa, Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột biến. Vấn đề đặt ra là cần phải tiếp tục đổi mới trên nhiều lĩnh vực để tăng tốc, tăng hiệu quả và chớp cơ hội. Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) mới đây đã đưa ra nhận định, nếu Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với mạng lưới kinh tế toàn cầu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, duy trì động lực cho cải cách trong nước thì tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2008 sẽ duy trì được mức 8,5%, thậm chí cao hơn.
Hơn 1 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đón rất nhiều các đoàn đại biểu cấp cao của các nước đến thăm nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển kinh tế. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Hội nghị thượng đỉnh APEC 14 diễn ra ở Việt Nam tháng 11/2006, lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế khu vực châu á - Thái Bình Dương (chiếm tới khoảng 50% tổng trao đổi thương mại toàn cầu) đã hội tụ tại Hà Nội thảo luận những bước hợp tác tiếp theo trong APEC. Việt Nam tự hào đã tổ chức thành công sự kiện kinh tế, chính trị tầm cỡ thế giới này khiến lãnh đạo các nền kinh tế APEC không chỉ hài lòng mà còn có cái nhìn hết sức thiện cảm, lạc quan về đất nước, con người, văn hóa và nền kinh tế Việt Nam. Nguyên thủ quốc gia của nền kinh tế số 1 thế giới là Tổng thống Mỹ G.Bush, khi đến thăm chính thức Việt Nam và dự APEC 14 đã không có từ nào để nói về Việt Nam hơn là “thân thiện”. Ông Bush còn ví Việt Nam là một “con hổ trẻ” đang “trỗi dậy”, một đất nước phi thường sau chiến tranh một thời gian ngắn đã vươn lên và người dân đang được hưởng thịnh vượng”.
Đại biểu các nước chúc mừng Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. ảnh TTXVN |
Tiếp theo phải kể đến là việc lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới nhiều quốc gia với tư cách là quốc khách trong năm 2007. Đặc biệt là chuyến thăm Mỹ (6/2007), thăm Nhật Bản (11/2007) của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; và một loạt các chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới các nước ASEAN (8/2007), Nga và các nước Đông Âu (9/2007), Pháp, Ấn Độ (10/2007)… Tất cả đều đạt được những kết quả khả quan về hợp tác phát triển nhiều mặt, nhất là hợp tác về kinh tế. Thông qua các chuyến viếng thăm của đoàn cấp cao Nhà nước Việt Nam tới các nước, cộng đồng DN Việt Nam và các nước đã ký kết nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá lên tới khoảng 20 tỷ USD. Bên cạnh đó, rất nhiều các nhà DN, nhà đầu tư, khách nước ngoài cũng đã đến Việt Nam du lịch và tìm cơ hội hợp tác kinh doanh. Nói như ông Michael Smith - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC (Hồng Kông) thì: “Việt Nam đang được cộng đồng kinh doanh quốc tế nhìn nhận là một nền kinh tế triển vọng nhất thế giới. Đầu tư vào Việt Nam đang là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của họ”.
Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, chưa bao giờ uy tín chính trị của Việt Nam lại lên cao như hiện nay. Điều này đã được chính thế giới khẳng định vào ngày 16/10/2007, có tới 183/190 nước (chiếm 96%) của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009. Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Là thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam có một cơ hội tuyệt vời để thực hiện vai trò dẫn đầu trên trường quốc tế, đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới”.
Được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tức thế giới đã đặt niềm tin và tín nhiệm Việt Nam. Đây còn là bằng chứng thể hiện Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới; là biểu hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với Liên hợp quốc theo nguyên tắc và sứ mệnh của tổ chức này. Hãng tin quốc tế có uy tín BBC của Anh nhận định: “Vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế chắc chắn sẽ lên cao trong nhiệm kỳ 2008-2009 ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Theo ông Michael Smith thì: “Việt Nam đang được cộng đồng kinh doanh quốc tế nhìn nhận là một nền kinh tế triển vọng nhất thế giới. Đầu tư vào Việt Nam đang là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của họ”. |
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Phạm Gia Khiêm, thắng lợi của việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là nhờ có những thành tựu quan trọng của 20 năm đổi mới phát triển đất nước với những thành công trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Đó cũng là kết quả của 10 năm chuẩn bị và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới, đặc biệt là từ tháng 10/2006, Việt Nam đã được nhóm các nước châu Á đề cử là ứng viên duy nhất của châu lục tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009.
Tầm vóc Việt Nam trong thế kỷ 21 đã được thế giới thừa nhận. Vấn đề còn lại là phải làm sao thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam để hoàn thành trọng trách mà thế giới tin tưởng trao cho. Làm được việc này cũng đồng nghĩa với vị thế của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cao hơn, hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, phồn vinh, dân chủ và tiến bộ xã hội cũng được thế giới biết nhiều và trân trọng; niềm tin, lòng tự hào của người dân Việt Nam cũng được khơi dậy hơn, tích cực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước; các nhà đầu tư quốc tế vững tin hơn vào một Việt Nam có môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, thân thiện và an toàn…
Một số nhà chính trị, ngoại giao trong và ngoài nước nhận định rằng: “Nếu biết phát huy trí tuệ và tận dụng cơ hội, vị thế mới có thể sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam trên 3 phương diện là an ninh, phát triển và ảnh hưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa”.