Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hai gam màu FDI: Thời cơ và thách thức
08 | 01 | 2008
Bức tranh đầu tư nước ngoài của chúng ta sau 20 năm Luật đầu tư ra đời có hai gam màu khác biệt. Gam màu hồng biểu hiện của sự lạc quan là các số liệu về tăng trưởng.

Tính đến nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có rất nhiều tập đoàn tên tuổi từ hơn 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với số vốn lên đến 90 tỉ USD. Gam màu này càng đậm nét hơn với những lời khen ngợi ít nhiều mang tính động viên của các định chế quốc tế và qua các cuộc hội nghị, hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên viên uy tín nước ngoài.

Trong khi đó gam màu xám là các số liệu không mấy sáng sủa, thậm chí đáng lo ngại. Chẳng hạn như số liệu của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho thấy trong khi làn sóng đầu tư dâng cao thì tỷ lệ vốn thực hiện FDI lại giảm dần. Nếu vào năm 2000 vốn cam kết thực hiện là 90%, thì năm 2006 xuống còn 40% và năm 2007 con số này chỉ còn 28%. Tình hình trên cho thấy có điều gì đó bất ổn trong quá trình đăng ký và thực hiện các dự án FDI.

Thêm một thực tế khác cũng rất đáng quan tâm, đó là số dự án bị rút giấy phép đầu tư, giải thể trước thời hạn do kinh doanh thua lỗ, đã tăng liên tục. Cụ thể là trong ba năm đầu thực hiện Luật đầu tư, số dự án loại này là hai dự án/năm. Giai đoạn 1991-1995 con số tăng lên 47 dự án/năm. Giai đoạn 1996-2000 là 80 dự án/năm và từ 2001-2006 đã tăng cao đến hơn 100 dự án/năm.

Đành rằng các con số ấy chưa nói hết sự sút giảm của FDI vì còn tùy thuộc số dự án đăng ký của từng thời kỳ, nhưng rõ ràng về tổng thể đây là một điều không lạc quan trong tình hình nước ta đang được đánh giá là “điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài” thời gian gần đây.

Sự đan xen giữa hai gam màu nói trên được biểu hiện rõ nét khi nhìn vào số liệu tổng kết FDI trong năm 2007 và những tồn tại cần giải quyết có tính lâu dài.

Thời cơ

Năm 2007, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư, nước ta vẫn đạt mức vốn FDI rất cao là 20,3 tỉ USD gồm cả dự án đăng ký mới và tăng vốn, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 58% kế hoạch đề ra.

Điều đáng nói đằng sau những con số khô khan trên đây là một sự chuyển biến có tính thời cơ:

- Đây là năm đầu tiên chúng ta gia nhập WTO, lại là năm vốn FDI đạt kỷ lục trong 20 năm qua (từ khi Luật đầu tư có hiệu lực vào năm 1988) và tăng 8 tỉ USD so với năm 2006.

- Số vốn đăng ký và bổ sung được đưa vào lĩnh vực công nghiệp lên đến 9 tỉ USD, điều này phù hợp với chiến lược phát triển của nước ta là công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2020. Trong khi đó dịch vụ cũng thu hút 8,5 tỉ USD như cam kết của chúng ta khi gia nhập WTO.

- Tổng cộng đến 50 nước có dự án đăng ký mới, trong đó 15 nước có dự án trên 100 triệu USD.

- Có 51 tỉnh thành thu hút được dự án mới và 10 địa bàn trong số này có dự án đăng ký đạt 500 triệu USD.

- Điểm nhấn trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2007 là việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Tính đến nay, có 60 địa phương trong cả nước đã thực hiện việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án FDI theo các điều kiện phân cấp tại địa bàn. Riêng TP.HCM có nhiều nhất số lượng dự án được cấp giấy phép theo cơ chế này và đã cấp 410 giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư ước tính 2,5 tỉ USD.

Thế nhưng bức tranh đầu tư nước ngoài không chỉ có toàn màu hồng khi đang xuất hiện những cản ngại có khả năng làm cho tốc độ đầu tư trong tương lai chậm lại.

Thách thức

Có thể liệt kê ra đây một số trong những cản ngại ấy:

Cơ sở hạ tầng yếu kém

Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2007, các nhà đầu tư nước ngoài gần như đều nhất trí cho rằng cơ sở hạ tầng chưa thỏa đáng và quá tải là một trong những rào cản chính cho sự tăng trưởng của họ tại Việt Nam.

Tình trạng quá tải của hệ thống giao thông đô thị - đặc biệt là nạn kẹt xe - thường được nhắc đến như một minh họa cho sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, gây lãng phí thời gian, làm trễ nải việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Việc cung cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông... chưa đủ độ tin cậy đang tạo thêm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư cũng đã tỏ ra lo ngại về nguy cơ tắc nghẽn cảng biển tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai... có thể xảy ra trong vài năm tới. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP.HCM Walter Blocker dự báo trong tương lai gần các cảng của TP.HCM sẽ không thể đáp ứng nhu cầu đối với lượng tàu hàng container, và khả năng tình hình này sẽ ngày càng nghiêm trọng trước khi cảng Cái Mép đưa vào hoạt động năm 2010. Đây sẽ là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Giải quyết vướng mắc này nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Chính phủ sẽ không thành công do sự yếu kém cả về mặt quản lý dự án và giải ngân đồng vốn ODA.

Thủ tục hành chính còn phức tạp

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 9/2007 đã đánh giá các bước thủ tục, thời gian và chi phí bỏ ra để giải quyết các giấy phép hoạt động kinh doanh trong ngành xây dựng ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nhà đầu tư mất 14 bước thủ tục, 194 ngày và 373,6% thu nhập bình quân đầu người, trong khi mức bình quân toàn khu vực là 185% mức thu nhập bình quân; thậm chí nước láng giềng Thái Lan chỉ là 10,7%.

Đây là hậu quả của việc áp dụng chính sách thiếu nhất quán, nhất là có địa phương lại phát sinh thêm thủ tục một cách tùy tiện. Nhiều tỉnh thành gặp khó khăn trong việc tiếp nhận đồng vốn FDI do không thể tiến hành sớm việc đền bù giải tỏa - vì nhiều lý do khác nhau - để giao đất cho nhà đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư nước ngoài ngày càng thấp và hạn chế việc tiếp nhận các dự án mới, có số vốn lớn.

Mặc dù đã có nhiều thời gian chuẩn bị cho quá trình tham gia WTO, chúng ta vẫn chưa thoát ly được những cơ chế không phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu. Rõ ràng bộ máy nhà nước đã không theo kịp những chuyển biến năng động của tình hình kinh tế thế giới.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực

So với yêu cầu của nền kinh tế và so với các nước thì chất lượng nguồn nhân lực nước ta rất hạn chế, dù lao động Việt Nam được đánh giá là cần cù và thông minh. Tính đến nay chúng ta chỉ mới có 32% lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, trong khi đó con số này của các nền kinh tế công nghiệp mới là 60 - 70%. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm/10 điểm, trong khi Ấn Độ là 5,76, Trung Quốc 5,73, Malaysia 5,59, Hàn Quốc 6,91…

Cái gọi là lợi thế cạnh tranh do giá nhân công rẻ đã trở thành vô nghĩa khi lao động Việt Nam với năng suất thấp đã là một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Đáng lo ngại hơn là chúng ta vừa thiếu cả thầy vừa thiếu cả thợ. Thiếu “thầy” tức là thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và các chuyên gia giỏi để vận hành nền kinh tế có hiệu quả, mà theo con số dự đoán hiện chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Còn thiếu “thợ” là thiếu đội ngũ công nhân lành nghề và có tính chuyên nghiệp cao, một thách thức chưa biết bao giờ chúng ta mới có thể vượt qua, dù đã được báo động từ hơn mười năm nay. Đây chính là trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo.

Có thể nhận rõ điều này khi Intel chỉ đầu tư dự án 1 tỉ USD vào TP.HCM nhưng không tìm đủ nhân lực. Vậy thì lấy đâu ra lao động có tay nghề cho các dự án lên đến 11 tỉ USD vào Phú Yên, 5 tỉ USD của Foxconn vào một loạt tỉnh thành?

Đây là một thiệt thòi lớn cho chúng ta vì các nhà đầu tư sẽ không dám triển khai những dự án lớn hơn.

Nhìn chung cả nước, hiện nay các thành phố lớn và nhiều địa phương vẫn còn loay hoay chưa tìm ra các phương án khả dĩ đáp ứng các yêu cầu thiết yếu nhất để đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài. Không ít dự án đầu tư lên đến hàng tỉ USD đang phải nằm chờ, chưa thể triển khai thực hiện chỉ vì thiếu một hoặc vài ba điều kiện thiết yếu nêu trên.

Theo các chuyên gia về đầu tư, nếu Việt Nam không nhanh chóng có những bước cải thiện trên tất cả các lĩnh vực để tiếp nhận và hấp thu nguồn vốn trên, chắc chắn sẽ gây ra một hiệu ứng ngược. Có khả năng trong năm 2008, theo các thông tin dự báo, 50 tỉ USD vốn FDI sẽ đổ vào Việt Nam qua nhiều dự án đang được đàm phán. Với điều kiện chủ quan hiện nay, chúng ta chỉ có thể hấp thu 15 tỉ USD trong số này. Vậy thì các khoản vốn FDI còn lại sẽ đi về đâu và liệu các nhà đầu tư có đủ kiên nhẫn chờ đợi chúng ta hay không?

 



Theo www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường