Thua lỗ tới 2,24 tỷ USD trong quý III, mức kỷ lục trong lịch sử 93 năm hoạt động, ngày 14/11/2007, Merrill Lynch & Co bất ngờ chọn ông John Thain, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán New York và châu Âu (NYSE Euronext) làm “cứu cánh”, đảm nhận “chiếc ghế nóng” CEO kiêm Chủ tịch Tập đoàn.
CEO “người ngoài” đầu tiên
Quả là một động thái khá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên Merrill Lynch đã đề bạt một “người ngoài” vào chức vụ CEO. Từ trước đến nay, ngồi trên chiếc ghế này đều phải là người có quá trình làm việc lâu dài cho Merrill Lynch.
Thực vậy, để đạt được vị trí này, John Thain đã phải vượt qua rất nhiều đối thủ “gà nhà” đáng gờm như Gregory Fleming - đồng Chủ tịch Merrill, Robert McCann - Giám đốc bộ phận môi giới của công ty, hay Larry Fink - Giám đốc điều hành của Blackrock, công ty quản lý tài sản có 49,8% cổ phần thuộc về Merrill Lynch...
Một bất ngờ khác nữa là việc ông John Thain đang là ứng cử viên nặng ký nhất vào chức CEO của Citigroup (cũng đang trong tình trạng “hổng quyền lực” ở vị trí Giám đốc điều hành sau sự ra đi của ông Charles Prince), đùng một cái lại trở thành vị lãnh đạo Merrill Lynch, đối thủ của Citigroup.
Với sự đề bạt này, từ ngày 1/12/2007, John Thain đã chính thức đảm trách công tác điều hành Merrill Lynch, thay thế cương vị của nhà lãnh đạo kỳ cựu Stan O'Neal bị buộc phải từ chức do để Công ty thua lỗ tới 7,9 tỷ USD liên quan tới việc đầu tư vào các ngân hàng cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn. Ông O’Neal là người da đen đầu tiên được đảm nhiệm chức vụ cao cấp nhất ở Merrill Lynch và cũng là CEO Phố Wall đầu tiên mất việc do hậu quả của thị trường nhà ảm đạm tại Mỹ kéo theo khủng hoảng thị trường tín dụng. Khi đương chức, ông O’Neal hưởng mức lương 48 triệu USD/năm và từng đoạt quán quân về mức thưởng 46 triệu USD năm ngoái (khoản tiền thưởng mà các ngân hàng và các công ty tại phố Wall dành cho nhân viên để ghi nhận thành quả lao động của họ trong một năm). Tuy mất chức, nhưng ông O’Neal được đền bù tới 161,5 triệu USD, gồm 131,4 triệu USD bằng cổ phiếu, 24,7 triệu USD tiền thưởng nghỉ hưu non “một cục” và 5,4 triệu USD tiền mặt đền bù bị cắt hợp đồng trước hạn.
Dù là “người ngoài”, nhưng theo ông Alberto Cribiore, thành viên Hội đồng quản trị Merrill Lynch, John Thain là người mà tập đoàn này đang cần vì ông sẽ mang kinh nghiệm lãnh đạo, kiến thức về thị trường vốn toàn cầu cũng như kỹ năng cần thiết để điều hành tập đoàn dịch vụ tài chính lớn như Merrill Lynch. Ông Cribiore nhận định: “John Thain là người thích hợp nhất cho vị trí CEO của Merrill Lynch. Hơn ai hết, ông ấy là người hiểu rõ những thách thức của ngân hàng đầu tư, lại hiểu rõ ngọn ngành cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) và trên hết, ông coi trọng và đánh giá cao giá trị thương hiệu Merrill Lynch trên phạm vi toàn cầu”.
Không sai, các nhà đầu tư phản ứng rất tích cực trước tin Thain được bổ nhiệm vào ghế CEO của Merrill. Cổ phiếu của Tập đoàn đã tăng gần 2% lên mức 57,88 USD/1 cổ phiếu.
Tài... “kiểm soát rủi ro”!
Ngẫm cho kỹ việc “người ngoài” John Thain được Merrill Lynch “chọn mặt gửi vàng” cũng không có gì lạ. Ông Thain vốn dĩ là gương mặt rất quen thuộc với giới đầu tư quốc tế và nổi tiếng là “người hùng” đã đưa NYSE trở lại vai trò sàn số một thế giới sau cơn khủng hoảng tín dụng lớn như Merrill Lynch đang gặp phải.
Bốn năm trước, John Thain rời bỏ chiếc ghế “nhung” - Giám đốc hoạt động (COO) của Ngân hàng Goldman Sachs để đảm nhận vai trò “sửa chữa” NYSE. Còn giờ đây, ông lại bắt tay vào công việc sửa chữa của mình với Merrill Lynch - trả lời câu hỏi về khả năng kiểm soát rủi ro và quản lý tài chính của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới.
Năm nay 52 tuổi, Thain là một trong số ít những nhà quản lý của Phố Wall có kinh nghiệm trong việc quản lý một tập đoàn toàn cầu. Sinh năm 1955 ở Antioch, bang Illinois (Mỹ), không chỉ tốt nghiệp Đại học nổi tiếng MIT (Học viện Công nghệ Massachussetts) năm 1977 và có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Harvard lừng danh năm 1979, mà Thain còn có 25 năm liên tục làm việc cho ngân hàng đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao Goldman Sachs, trong đó đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp như CEO Chi nhánh châu Âu của Goldman Sachs (1995-1997), Kế toán trưởng (1997-1999), COO (1999-2004)...
Công việc “quản lý rủi ro” dường như đã khá quen thuộc với Thain. Ông khởi nghiệp trên TTCK tại Goldman Sachs khi chỉ là một nhân viên giao dịch trái phiếu có đảm bảo, rồi tiến dần từng nấc thang danh vọng, trở thành chuyên viên tài chính cấp cao và sau đó là COO bộ phận trái phiếu của Goldman. Ông đã thể hiện khả năng xuất sắc của mình trong các cuộc đàm phán với các ngân hàng đầu tư “đàn em” trong việc mua lại quỹ tự bảo hiểm Long-Term Capital Management năm 1998 và lãnh đạo Goldman Sachs trải qua cuộc khủng hoảng tín dụng với ít thiệt hại hơn so với các “bạn bè” khác.
Về NYSE với tư cách là Giám đốc điều hành tháng 1/2004 khi người tiền nhiệm (là ông Richard D. Grasso) bị tai tiếng là cố tình thu vén cho cá nhân mình tới 140 triệu USD, John Thain đã nhanh chóng lập lại trật tự, kỷ cương ở đây. Tháng 4/2005, ông là “đạo diễn chính” của vụ mua lại sàn giao dịch điện tử Archipelago Holdings Inc., thúc đẩy NYSE tiến vào kỷ nguyên giao dịch kỹ thuật số. Chưa hết, năm 2006, ông còn chỉ đạo thực hiện một việc “động trời” nữa là mua lại Euronext NV với giá 14,4 tỷ USD để hình thành ra Sở Giao dịch Chứng khoán xuyên Đại Tây Dương (NYSE Euronext).
Chưa đầy 4 năm nắm quyền lãnh đạo NYSE, mà John Thain đã làm thay đổi hẳn diện mạo của TTCK Mỹ và châu Âu, thử hỏi đã có mấy người làm được như vậy?
Niềm hy vọng của Merrill Lynch
Merrill Lynch ngày nay cũng giống như NYSE khi John Thain mới đến hồi đầu năm 2004, đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề. Các nhân viên giao dịch của Công ty đã đi quá xa khỏi giới hạn cho phép khi đưa Công ty này lên nắm vị trí hàng đầu trong hoạt động liên quan đến các chứng khoán phái sinh. Chính điều này đã khiến Merrill Lynch phải trả giá đắt khi thị trường bắt đầu rối loạn. Vì vậy, không chỉ dựa vào năng lực mạnh mẽ và uy tín rộng rãi của John Thain trong giới đầu tư chứng khoán toàn cầu, mà Merrill Lynch còn mong đợi cả danh tiếng về khả năng tạo gắn kết nội bộ của ông, yếu tố cần nhất lúc này để có thể đưa tập đoàn vốn đã “tơi tả” này trở lại tình trạng ổn định. Theo đánh giá của giới tài chính, sự thua lỗ thảm bại của Merrill Lynch và sự ra đi của Stan O’Neal một phần do O'Neal có tiếng lạnh lùng và không được lòng 16.000 nhân viên của Merrill Lynch.
Do nhiệm kỳ kéo dài của John Thain tại Goldman Sachs, một số nhà phân tích dự báo ông Thain sẽ nghiêng về khả năng chèo lái Merrill Lynch như đã từng chèo lái Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư đã gặt hái được rất nhiều lợi nhuận từ hoạt động tự doanh. Song dù chèo lái tập đoàn theo hướng nào, thì nhiệm vụ nặng nề trên vai vị tân CEO của Merrill Lynch vẫn phải là đưa tập đoàn này ra khỏi cơn khủng hoảng tín dụng, trong đó nhiệm vụ trước mắt là xử lý đà giảm vốn đầu tư của hãng, đồng thời xốc lại tinh thần của nhân viên sau thời gian khủng hoảng vừa qua.
Từ kinh nghiệm và kết quả của những công việc mà CEO “người ngoài” John Thain đã trải qua, ông Cribiore, CEO lâm thời - đồng thời chịu trách nhiệm tìm kiếm CEO mới cho Merrill, hoàn toàn tin tưởng: “John Thain sẽ rất thành thạo trong việc cân đối lại việc quản lý và giám sát rủi ro trong khi vẫn đưa ra được các bước đi cần thiết để công ty trở lại vòng quay và tiếp tục phát triển”.
Sang Merrill Lynch, John Thain sẽ không được hưởng khoản tiền “về hưu một cục” ở NYSE như cựu CEO Dick Grasso, nhưng theo thông báo của Merrill, ông sẽ được nhận ít nhất 50 triệu USD mỗi năm tiền bồi thường và có thể thu khoảng 120 triệu USD mỗi năm phụ thuộc vào giá cổ phiếu của công ty. Trước khi rời Goldman Sachs về NYSE, riêng tiền bán cổ phiếu Goldman Sachs (để tránh xung đột lợi ích), ông Thain đã thu về hơn 300 triệu USD.
Ngoài khả năng về kinh tế, theo nhiều nhà phân tích, John Thain cũng có nhiều cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực chính trị. Ông là thành viên của rất nhiều tổ chức, từ Hội đồng tư vấn MIT (trường đại học nơi cả ông và con trai Alex Thain từng theo học) cho đến Hội đồng Cố vấn Quốc gia, Hội đồng James Madison của Thư viện Quốc hội và Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Ủy ban Tư vấn Thị trường vốn Quốc tế New York. Ông cũng ủng hộ hơn 330.000 USD cho các tổ chức chính trị ở Mỹ và tham gia trong đội hình của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa - Thượng nghị sỹ John McCain. Nếu ông John McCain đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2008 thì chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ chắc chắn thuộc về ông John Thain. Tuy nhiên, khả năng này còn rất xa vời.
Ngay sau khi John Thain chuyển sang Merrill Lynch, người thay thế vị trí của ông ở NYSE là Duncan Niederauer, 48 tuổi, đồng Giám đốc hoạt động của NYSE. Ông Niederauer là cộng sự đắc lực của John Thain ở cả NYSE lẫn Goldman Sachs. Niederauer về đầu quân cho NYSE Euronext từ tháng 4/2007 sau một thời gian dài điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu của Goldman Sachs.
Theo www.saga.vn