Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Nên làm từng bước
11 | 01 | 2008
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hơn 20 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Nhiều địa phương tiếp tục lên kế hoạch phát triển NNCNC. Nhưng với mức đầu tư trung bình hơn 3tỷ/ha để sản xuất rau, củ, quả hàng hóa, thì việc thu hồi vốn đầu tư từ sản phẩm nông nghiệp đang là bài toán hắc búa…

Nơi nơi phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khu NNCNC của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, quy mô 100 ha, vốn đầu tư khoảng 80 tỷ, trồng rau bằng phương pháp thủy canh, nuôi cấy mô hoa lan, sản xuất nấm. Tại Lâm Đồng hiện cũng đang xây dựng khu NNCNC với tổng quy mô 150 ha sản xuất rau, hoa, dâu tây, chè... Hà Nội có khu NNCNC, diện tích 7,5 ha, do Cty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển Nông nghiệp đầu tư với kinh phí 24 tỷ đồng. Ở Hải Phòng, khu NNCNC của Trung tâm Phát triển lâm nghiệp thành phố đã được xây dựng với tổng kinh phí 22,5 tỷ đồng. Nhiều tỉnh khác như Tây Ninh, Bình Dương… cũng lên kế hoạch xây dựng các khu NNCNC…

Để có một khu NNCNC phải đầu tư từ nhà lưới, thiết bị, đến kỹ thuật canh tác… Những thứ này trong nước chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được nên đều phải nhập khẩu trọn gói, giá thành rất đắt. Đó là lý do giải thích vì sao chi phí đầu tư cho một héc-ta NNCNC lại cao ngất ngưởng đến như vậy.

Ở các khu NNCNC, có nhiều loại sản phẩm đã được sản xuất thí điểm với quy trình sản xuất sạch, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, nhưng đến khâu tiêu thụ lại bị “tắc” với lý do giá thành quá cao. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rau mầm (loại rau sạch, có thể xem là sản phẩm NNCNC) có vốn đầu tư thấp, dễ trồng (có thể trồng trong khay nhựa, trên sân thượng, trong vườn nhỏ) với giá bán 20-30.000đ/kg, đã bị người nghèo “bỏ rơi”, chỉ có thể tiêu thụ trong nhà hàng, siêu thị, thì những sản phẩm từ khu NNCNC được đầu tư hàng chục tỷ đồng với giá bán cao, không phù hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quả là một bài toán khó.

Ông Bùi Huy Hiền,Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng-Bộ NN-PTNT, tính toán: Nếu tính trên tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất của toàn khu NNCNC thì mức đầu tư để sản xuất sản phẩm hàng hoá, như ở Hà Nội 3,2 tỷ/ha, Hải Phòng 3 tỷ/ha, Thành phố Hồ Chí Minh 8 tỷ/ha, là quá lớn. Bỏ số tiền đầu tư lớn như vậy để làm NNCNC biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn?

Đừng để lãng phí ngân sách

Nhìn thấy khó thu hồi vốn nhưng sao nhiều tỉnh, thành phố vẫn cố lên kế hoạch phát triển khu NNCNC? Nếu tinh ý sẽ thấy, đa phần các khu NNCNC đều được những doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Điều này đồng nghĩa tiền tỷ đó là từ ngân sách.

Việc phát triển NNCNC để tăng năng suất và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong bối cảnh đất nông nghiệp đang thu hẹp dần do đô thị hóa, công nghiệp hóa là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, không nên “đốt cháy giai đoạn” chuyển lên NNCNC giống như một số địa phương đã làm như hiện nay. Nên tiếp cận NNCNC bằng những bước chuyển tiếp cần thiết và tùy từng điều kiện sinh thái, khí hậu và điều kiện từng địa phương để áp dụng. Và cũng tùy từng vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chứ không nên đầu tư phát triển tràn lan, dẫn đến kém hiệu quả.

Điều này đã được chứng minh từ tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Phạm S (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng), trong khi mô hình NNCNC ở một số tỉnh đang gây lo lắng, thì tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trồng trên vỉ xốp, cách ly trong nhà che plastic, nhà lưới cải tiến theo điều kiện Việt Nam) đã cho hiệu quả khả quan. Mô hình sản xuất tại phường 9, thành phố Đà Lạt, trồng 5 vụ rau và một vụ ớt ngọt đã có doanh thu hơn 1,2 tỷ/năm/ha. Mô hình trồng ớt ngọt tại huyện Đơn Dương một vụ đạt tới 120 tấn quả doanh thu hơn 800 triệu/ha…

Đã có nhiều mô hình sản xuất NNCNC của bà con nông dân ở một số địa phương với quy mô nhỏ, nhưng hiệu quả đem lại khá lớn dù mức đầu tư thấp. Từ kinh nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng, để phát triển NNCNC mà không lãng phí ngân sách, phải xây dựng rõ lộ trình, quy mô 5 năm, 10 năm… cho từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể để có hướng đầu tư trọng điểm bền vững, và điều quan trọng hơn là các nhà khoa học phải hướng dẫn cho bà con nông dân sản xuất theo quy trình sạch để cho ra những sản phẩm sạch, giá thành hạ, có như vậy, những sản phẩm NNCNC mới có thể có chỗ đứng trên thị trường, chứ không nên đầu tư phát triển tràn lan theo kiểu phong trào như hiện nay.

 



Nguồn: QĐND
Báo cáo phân tích thị trường