Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An toàn tốt, cách gỡ rào cho thủy sản
14 | 01 | 2008
Năm 2007 được coi là năm của quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh đối với các mặt hàng xuất khẩu thuỷ sản.

Trong năm qua, ngành thuỷ sản đã tham gia xây dựng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, cùng với áp dụng các biện pháp cấp bách kiểm soát hoá chất, kháng sinh cấm trong hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Nhật Bản, qui định chỉ tiêu kiểm tra và mức giới hạn tối đa cho phép đối với thuỷ sản xuất khẩu vào Liên bang Nga, cũng như các hoạt động kiểm tra hoá chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, chế biến, tỉ lệ băng trong sản phẩm.

Năm qua, việc kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại đã được thực hiện với tất cả thuỷ sản chủ lực, nuôi tập trung (tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá basa, cá tra, cá rô phi, cua). Chỉ tiêu và tần suất lấy mẫu kiểm tra đối với từng đối tượng cụ thể được thực hiện theo đúng qui định của thị trường EU. Kết quả có 12 mẫu thuỷ sản nuôi, 2 mẫu thuỷ sản đại lý và 15 mẫu nước bị phát hiện vượt mức giới hạn cho phép đối với chỉ tiêu dư lượng hoá chất kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng, và tất cả đã bị xử lý đúng qui định.

Chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ cũng được thực hiện tại 100% số vùng. Các trường hợp phát hiện mật độ tảo độc vượt quá giới hạn đều được áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường theo qui định. Các trường hợp phát hiện chất độc DSP dương tính đều bị đình chỉ thu hoạch, lấy mẫu kiểm tra tăng cường tảo độc và chất độc, cho đến khi kết quả kiểm tra chất độc, tảo độc đạt mức cho phép.

Tháng 9/2007, Đoàn thanh tra EU ghi nhận Chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các qui định của EU. Các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng chấp nhận nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam.

Ngành thuỷ sản hướng dẫn Trung tâm vùng và Chi cục Quản lý chất lượng và thú y thuỷ sản Kiên Giang điều tra, xác định nguyên nhân lây nhiễm vùng thu hoạch sò lông tại vùng Bà Lụa, nhằm giảm hàm lượng cadimi xuống dưới giới hạn 1.000 ppb cho phép. Việc triển khai hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại tàu cá, cảng cá, chợ cá, đại lý thu mua nguyên liệu, cơ sở chế biến qui mô thủ công được các cơ quan kiểm tra địa phương duy trì thực hiện, song chưa được nhiều.

Năm 2007, số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản qui mô công nghiệp được công nhận điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh là 510, chỉ tăng hơn năm 2006 có 15 doanh nghiệp. Nhưng đáng nói là số cơ sở đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có qui định danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lại tăng đến 16%, đặc biệt đối với thị trường Canada, EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Dù sao vẫn còn 140 cơ sở qui mô công nghiệp (chiếm 27%) chưa đạt Tiêu chuẩn ngành.

Trong năm 2007, qua kiểm tra đã phát hiện xấp xỉ 1% lô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và dư lượng hoá chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, và đã hỗ trợ doanh nghiệp biện pháp xử lý thích hợp, tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế. Việc giải quyết rào cản của các nước đã được thực hiện nghiêm túc.


Trần Lê - VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường