Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các địa phương và doanh nghiệp cần hiểu WTO rõ hơn
14 | 01 | 2008
"Đường lối chính sách hội nhập của VN rất rõ ràng, nhưng các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chưa tốt. Các tỉnh, thành VN hiện rất thiếu nguồn nhân lực để có thể nhìn nhận những lợi thế và thách thức cho mình" - ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn Saigon Invest Group (ảnh) - nhận định.

Là thành viên Hội đồng tư vấn cao cấp Chương trình hành động WTO, ông đánh giá như thế nào về tiến trình hội nhập của VN?

- Thực tế là hầu hết các tỉnh, thành vẫn còn chưa hiểu biết rõ về WTO. Số hiểu biết chỉ khoảng 20%. Trong số khoảng 200 ngàn DN VN hiện nay cũng không hiểu nhiều về WTO, thậm chí có không ít DN còn thờ ơ với WTO.

Thực ra, đường lối chính sách hội nhập của VN rất rõ ràng, nhưng các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chưa tốt. Điều tôi muốn biết là Chính phủ có kiên quyết xử lý những vấn đề WTO nảy sinh ở các địa phương hay không?

Tôi cho rằng, bây giờ các hoạt động liên quan đến WTO tại các địa phương còn chưa tốt không phải do các địa phương không nhiệt tình, mà hiểu biết và trình độ của họ còn hạn chế. Vậy Chính phủ có giải pháp nào cho vấn đề nguồn nhân lực tại các địa phương? Đó là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm. Điều quan trọng nhất là các địa phương còn thiếu nguồn nhân lực để có thể nhìn nhận những lợi thế và thách thức cho mình.

Từ góc độ một DN, ông nhìn nhận như thế nào về vận hội và thách thức đối với DN VN sau một năm hội nhập?

- Khi Nhà nước đã đưa ra chính sách tốt rồi, Chính phủ kiên quyết chủ động hội nhập, thì vai trò còn lại là của DN. Nếu DN không thắng trong quá trình này thì không gọi là hội nhập thành công.

DN VN trong quá trình hội nhập phải cùng nhau vươn lên, cùng nhau liên kết lại để tiến trình hội nhập thành công. Điều đặc biệt quan trọng mà các DN VN cần phải giữ là bản sắc văn hoá dân tộc. Sản phẩm của mình có ra được với thế giới hay không phải có văn hoá dân tộc.

Chúng ta không thể cạnh tranh về đồ điện tử nhưng về thuỷ sản, nếu chế biến các món ăn theo truyền thống văn hoá dân tộc, thì không ai có thể cạnh tranh được với ta. Phải làm sao nghĩ tới việc xây dựng và đóng góp cho thương hiệu Việt.

Ông dự đoán ra sao về lượng đầu tư vào VN năm 2008?

- So với 2003, tổng đầu tư nước ngoài chưa đầy 930 triệu USD năm 2007 chúng ta đạt được 20,5 tỉ USD FDI; 5,7 tỉ đầu tư gián tiếp của nước ngoài, 10 tỉ kiều hối và 5 tỉ USD, nghĩa là chúng ta đã thu hút được trên 40 tỉ USD, cao hơn 40 lần so với 4 năm trước đây.

Chúng ta không chỉ đặt mục tiêu thu hút đầu tư lớn hơn nữa, mà còn phải cam kết để dòng đầu tư đó ổn định, phát huy. Không phải cứ dòng đầu tư lớn vào nhiều là tốt, nếu có nhiều đầu tư mà chúng ta không tiêu thụ nổi sẽ sinh ra bội thực. Năm 2007, chúng ta nghĩ chỉ thu hút tối đa được 15 tỉ USD. Vì vậy, chúng ta chuẩn bị cơ sở hạ tầng không đủ, không kịp cho đầu tư và sinh ra lạm phát.

Tôi cho rằng trong năm 2008 này, VN chắc chắn thu hút FDI ít nhất 25 tỉ USD. Nếu không xác định được cách khơi thông dòng vốn như thế nào, chúng ta có thể sẽ thừa USD và như vậy giá USD giảm đi so với đồng VND. Điều này sẽ gây cản trở cho xuất khẩu, giảm năng lực cạnh tranh của VN.

 



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường