Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội nhập kinh tế ASEAN và hợp tác ASEAN - Hàn Quốc
13 | 09 | 2007
Từ những năm 1990, ASEAN đã thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm hướng tới một thị trường chung. Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) được thành lập từ năm 1992 nhằm loại bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên ASEAN và tạo ra một thị trường khu vực với 686,3 tỉ USD cho 541,9 triệu người thông qua việc tăng số lượng thành viên gồm cả Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia (CLMV). Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thỏa thuận loại bỏ tất cả thuế nhập khẩu vào năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu của ASEAN và vào 2015 đối với 4 nước thành viên mới (CLMV).

Sau khủng hoảng tài chính, ASEAN đã có những bước đi quan trọng hướng tới hội nhập khu vực thông qua sáng kiến ASEAN cộng 3 nhằm tăng cường vị trí thông qua việc hiện thực hóa AFTA sớm hơn thông qua hình thức hợp tác kinh tế và chính trị. Gần đây, ASEAN đang nỗ lực để tăng cường hội nhập cùng với việc mở rộng và tăng cường liên kết kinh tế với các nước Đông Bắc Á. Hiện nay, có rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và các nước đang được thảo luận nhằm phản ánh rõ ràng xu hướng hội nhập kinh tế của ASEAN kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Hàn Quốc cũng có sự quan tâm chặt chẽ với quá trình hội nhập kinh tế ASEAN cũng như nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng hợp tác kinh tế toàn diện với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ. Trong những thập kỷ qua, ASEAN và Hàn Quốc là những đối tác kinh tế quan trọng, thương mại và đầu tư song phương giữa Hàn Quốc và ASEAN tăng lên vững chắc trong những năm vừa qua. Hiện nay ASEAN đứng thứ 3 trong nguồn đầu tư FDI từ Hàn Quốc và đứng thứ 5 về thương mại.

Thông qua các hình thức hợp tác kinh tế chặt chẽ, ASEAN và Hàn Quốc đã xây dựng thành công mối quan hệ đa dạng và toàn diện cũng như hệ thống đối thoại. Kết quả là các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về đối tác hợp tác toàn diện và quyết định tiến hành đàm phán Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 11/2004 tại Lào. Các cuộc đàm phán AKFTA đã được khởi động từ đầu năm 2005 và sẽ được hoàn tất trong vòng 2 năm.

1. Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN:

Do hội nhập với nền kinh tế toàn cầu tăng lên, ASEAN đang phải đương đầu với các cơ hội và thách thức quan trọng bao gồm yêu cầu về hội nhập tốt hơn của các thành viên mới vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thỏa thuận sáng kiến về liên kết ASEAN (IAI) và lịch trình hội nhập của ASEAN (RIA), theo đó lợi ích của hội nhập ASEAN được chia sẻ. Tuy nhiên, từ tháng 1/2002, ASEAN đã thông qua hệ thống liên kết ASEAN về chương trình ưu đãi mà theo đó thuế ưu đãi sẽ được các nước thành viên cũ của ASEAN dành cho các thành viên mới trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận song phương dựa trên những sản phẩm do các nước CLMV đưa ra.

Vào tháng 11/2000, các nhà lãnh đạo ASEAN thỏa thuận đưa ra sáng kiến liên kết ASEAN nhằm định hướng và tập trung vào các nỗ lực chung của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên cũ và thành viên mới của ASEAN. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp Thượng đỉnh tại Phnom Penh vào tháng 11/2002 đã thông qua Chương trình hành động nhằm đảm bảo sự tăng trưởng năng động và bền vững của khu vực và sự thịnh vượng của người dân ASEAN.

Kế hoạch hành động 6 năm hiện nay (từ tháng 7/2002 – tháng 6/2008) đối với các nước CLMV đã được phát triển nhằm hỗ trợ những nước này theo kịp với các nước thành viên cũ với tốc độ ngày càng tăng. Chương trình hợp tác này tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên, chủ yếu là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và viễn thông, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực về thương mại hàng hóa và dịch vụ, hải quan, tiêu chuẩn và đầu tư ở các nước CLMV.

Đến tháng 1/2005, đã có 84 dự án trong Kế hoạch hành động này ở các giai đoạn thực hiện khác nhau. Nguồn tài trợ đã được đảm bảo cho 66 dự án chiếm 78,6%, trong đó 28 dự án đã được hoàn thành, 14 dự án đang được thực hiện. Ngoài việc đóng góp của các nước thành viên ASEAN-6 đối với Kế hoạch hành động này, 11 bên đối thoại và các tổ chức phát triển cũng ủng hộ các dự án thông qua việc tài trợ với tổng số 14,1 triệu USD. Năm nhà tài trợ hàng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, UNIDO và Úc chiếm tổng số 13 triệu USD (hoặc 82,6% nguồn tài trợ).

Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý đóng góp 5 triệu USD trong 5 năm để tài trợ cho các dự án IAI. Để thực hiện hiệu quả các dự án này, chính phủ Hàn Quốc đã ủy nhiệm cho Cơ quan hợp tác quốc tế của Hàn Quốc (KOICA) là cơ quan thực hiện các dự án. Đến tháng 11/2004, nguồn cam kết của các nước thành viên ASEAN-6 là: Brunei cam kết 1,5 triệu USD, Malaysia: 0,8 triệu USD, Indonesia: 0,6 triệu USD, Singapore: 0,47 triệu USD, Thái Lan: 0,41 triệu USD.

2. Tăng cường liên kết kinh tế với Đông Á:

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhằm sớm hiện thực hóa liên kết thị trường khu vực và tiềm năng của thị trường Đông Nam Á, AFTA về cơ bản vẫn còn nhỏ về qui mô kinh tế so với EU và NAFTA và những hạn chế về cơ cấu liên quan tới hợp tác Nam-Nam. AFTA cơ bản đại diện cho sự liên kết chung giữa các nước đang phát triển và chưa đủ khả năng khẳng định sự đoàn kết kinh tế mạnh mẽ do thiếu vắng nền kinh tế dẫn đầu cũng như sự đồng thuận và ổn định chính trị.

Để giải quyết những yếu kém về cơ cấu, ASEAN đã cố gắng mở rộng hợp tác kinh tế với các nước Đông Bắc Á, đưa ra nhiều thỏa thuận hợp tác vượt ra khỏi Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến việc hình thành Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) nhằm cho phép ASEAN+3 bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có thể phát triển mối liên kết với các khu vực khác ví dụ như Châu Âu.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, đã có sự chuyển động rõ rệt đối với sự hợp tác ở Đông Á. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/1997 và sự hợp tác này phát triển mạnh nhất từ năm 1998 đến năm 2001. Hiện nay sự hợp tác này chủ yếu là đối thoại về liên kết kinh tế, các vấn đề về chính trị, văn hóa xã hội ... ở Đông Á.

Cơ sở hợp tác ASEAN+3 là một nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Á. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nước Đông Á nhận ra yêu cầu phải liên kết kinh tế chặt chẽ hơn và phát triển lợi ích trong việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu và các cuộc đàm phán FTA song phương đang diễn ra giữa các nước Châu Á nhằm tằng cường xung lực mới cho hội nhập kinh tế khu vực.

Tại hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 tại Singapore vào năm 2000, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị hình thành FTA với ASEAN và FTA ASEAN-Trung Quốc đã chính thức được thỏa thuận tại hội nghị Thượng đỉnh tại Campuchia vào tháng 11/2002. Nhằm phản ứng với thỏa thuận này, Nhật Bản cũng muốn theo đuổi hợp tác với ASEAN và sau đó FTA giữa Nhật Bản và Singapore đã được ký kết vào tháng 1/2002 và trong năm 2003, Nhật Bản đã thúc đẩy FTA với các nước thành viên ASEAN và ký thỏa thuận khung về đối tác kinh tế toàn diện với ASEAN tại Hội nghị thượng định Bali, Indonesia.

Trong thời gian gần đây, ngày càng có sự đồng thuận tăng lên giữa các nước ASEAN+3 về việc Đông Á cần tăng cường khối thương mại khu vực để đương đầu với các FTA ở các khu vực khác. Những cuộc thảo luận về FTA Đông Á thực tế đã được khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 tại Manila vào tháng 11/1999. Tại cuộc họp thượng đỉnh tại Bandar Seri Begawan vào tháng 11/2001, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các nước Đông Á theo hướng liên kết khu vực ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong quá trình đàm phán FTA với Trung Quốc, ASEAN đã thuyết phục Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ hình thành đối tác kinh tế chặt chẽ hơn. Liên kết kinh tế khu vực trong quá trình ASEAN+1 có thể tạo ra một khối kinh tế quan trọng trong việc thiết lập thị trường liên kết Đông Á. Mặc dù các nước ASEAN+3 có những quan điểm khác nhau với khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Đông Á (EAFTA) và có sự tin tưởng rằng EAFTA có thể giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

3. Tiến triển các FTA song phương ở Đông Á:

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Á, xu hướng của chủ nghĩa khu vực đã tăng lên ở Đông Á do nhiều FTA đang được thảo luận giữa các nước ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Mexico, Chilê, Úc, Niu zi lân. Điều này cho thấy rằng các nền kinh tế Đông Á đang bắt đầu chú ý vào các FTA do sự mở rộng của chủ nghĩa khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính đã tăng lên sự hiểu biết về tầm quan trọng của sự phụ thuộc trong khu vực và nỗ lực lớn hơn tập trung vào các khía cạnh chiến lược của liên kết kinh tế trong khu vực. Thực tế là khó có thể đạt được kết quả nhanh chóng từ việc tự do hóa thương mại đa phương trong hệ thống WTO vì có quá nhiều nước tham gia. Ngược lại, các FTA lại có khả năng tự do hóa thương mại sâu rộng hơn nhờ có các cuộc đàm phán tương đối thuận lợi. Do đó, FTA trở thành vấn đề chính trong việc thúc đẩy xuất khẩu của các nền kinh tế Đông Á.

ASEAN đã chuyển đổi thành một thực thể khu vực độc nhất cùng với việc mở rộng chủ nghĩa khu vực đã xảy ra ở Đông Á sau cuộc khủng hoảng tài chính. Do các nước Đông Á bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của yêu cầu đối với chủ nghĩa khu vực, FTA đã trở thành vấn đề chính. Cụ thể là, thông qua các cuộc họp thường xuyên của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, các nền kinh tế Đông Á đang thúc đẩy mạnh mẽ các FTA và các nước ASEAN cũng đang thúc đẩy đàm phán FTA với các nước ngoài khu vực Đông Á bao gồm Úc, Ấn Độ và Mỹ.

Trước cuộc khủng hoảng, hầu hết các nước ASEAN có suy nghĩ tiêu cực về việc thúc đẩy các FTA song phương với các khu vực khác do e ngại rằng sự đoàn kết nội khối có thể bị tổn thương. Mặc dù ASEAN đang thúc đẩy mục tiêu chiến lược mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, mỗi thành viên đang có sự tiếp cận khác nhau với sự hợp tác này. Malaysia và một số nước thành viên khác đã chỉ trích các nước thành viên ASEAN việc hình thành các FTA song phương có thể làm suy yếu các thỏa thuận khu vực chẳng hạn như AFTA và cho phép các nền kinh tế ngoài khu vực tham gia vào thị trường khu vực. Tuy nhiên, Singapore và Thái Lan đã thông qua chiến lược bảo đảm các FTA song phương.

Singapore đã ký Hiệp định thương mại tự do song phương với Niu zi lân, Nhật Bản, EFTA, Úc và Mỹ và đang đàm phán để hình thành FTA với Mexico, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thái Lan đang xem xét FTA với Úc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Trong khi đó Philippines đang xem xét FTA với Mỹ và đang đàm phán để hình thành FTA với Nhật Bản. Singapore đã tiết lộ chiến lược phát triển quốc gia mới vào tháng 2/2003 về mong muốn khả năng trở thành thành phố dẫn đầu toàn cầu.

Thái Lan đã thúc đẩy FTA với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Nhật Bản, chính phủ Thái Lan đã lựa chọn các đối tác FTA tiềm năng bao gồm Mỹ, Úc, Bahrain, Peru, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các cuộc thảo luận FTA tích cực gần đây liên quan tới Ấn Độ, Thái Lan và Singapore và việc thúc đẩy FTA giữa Ấn Độ và ASEAN đang góp phần vào sự tăng lên của chủ nghĩa khu vực ở Đông Á, mở rộng xu hướng mới đối với quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN. Năm 2001, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành thảo luận FTA với ASEAN và các cuộc thảo luận này tăng lên liên tục. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 tại Phnom Penh vào tháng 11/2002, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua thỏa thuận về việc thiết lập FTA vào năm 2010, ASEAN và Ấn Độ đạt được thỏa thuận về việc xúc tiến hình thành FTA.

Một thỏa thuận hợp tác toàn diện đã được kết thúc tại Hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN – Ấn Độ tại Bali vào tháng 10/2003. Đây là bước đầu tiên tiến tới việc tăng cường cơ sở hợp tác cơ cấu đối với hiệp định thương mại khu vực. Điều này cũng góp phần vào việc hình thành cơ sở hợp tác kinh tế ASEAN. Mặc dù giới hạn về thời gian để hòan thành đàm phán về FTA đã được kéo dài trong 10 năm, nếu Ấn Độ cố gắng đạt được FTA với Thái Lan và Singapore thì ảnh hưởng về kinh tế và chính trị sẽ rất có ý nghĩa đối với hợp tác khu vực và ở Đông Á nói chung.

4. Sự phát triển của FTA giữa ASEAN – Hàn Quốc:

Trong nhịp bước hối hả nhằm đạt được các hiệp định thương mại tự do, Hàn Quốc đã hoàn thành nghiên cứu chung về FTA với Nhật Bản và Singapore vào tháng 9/2003 và bắt đầu đàm phán chính thức với cả hai nước này vào đầu năm 2004. Hàn Quốc và Singapore đã tiến hành 10 vòng đàm phán từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2004 và kết thúc một thỏa thuận FTA toàn diện gồm 9 lĩnh vực về thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA), sở hữu trí tuệ.

Ngoài hai hiệp định FTA song phương này, Hàn Quốc đang theo đuổi FTA với ASEAN như là một thực thể. Vì mục tiêu này, Hàn Quốc và ASEAN đã hình thành nhóm chuyên gia về ASEAN – Hàn Quốc nhằm chuẩn bị báo cáo về nghiên cứu chung về quan hệ kinh tế toàn diện và chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Hàn Quốc. Tại hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hàn Quốc vào tháng 9/2004 tại Jakarta, Indonesia, các Bộ trưởng đã hoan nghênh đề xuất thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA). Cuối cùng, các nhà lãnh đạo đã đưa ra Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc và quyết định tiến hành đàm phán AKFTA tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc tại Lào vào tháng 11/2004.

Các cuộc đàm phán hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) đã được bắt đầu từ tháng 2/2005 và hy vọng sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm. AKFTA hy vọng sẽ mang lại mức độ tự do hóa cao với thời hạn nhanh hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc vào tháng 12/2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia, các nhà lãnh đạo đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc và cũng hoan nghênh việc ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa và Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện.

Theo FTA giữa ASEAN-Hàn Quốc, Hàn Quốc sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế đối với ít nhất 95% dòng thuế trong danh mục thông thường vào năm 2008, trong khi ASEAN-6 sẽ loại bỏ tất cả thuế đối với ít nhất 90% dòng thuế trong danh mục thông thường vào năm 2009. Vào năm 2010, Hàn Quốc sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế đối với các dòng thuế trong danh mục thông thường và đối với ASEAN-6 là 2012.

Hiệp định về thương mại hàng hóa bao gồm các qui định về đối xử đặc biệt và khác biệt, sự linh hoạt bổ sung dành cho các thành viên mới của ASEAN (CLMV). AKFTA có khung thời gian khác nhau đối với Hàn Quốc, ASEAN-6 và các nước CLMV. CLMV sẽ có đối xử ưu đãi do trình độ phát triển kinh tế thấp với thời hạn giảm thuế trong danh mục thông thường, ví dụ với Campuchia vào 2018.

Mặc dù hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong cộng đồng Đông Á thực sự có lợi thì điều cơ bản là phải đảm bảo câu trả lời gắn kết với những thách thức mới trong nền kinh tế toàn cầu để gặt hái được lợi ích của tự do hóa. Trong môi trường như vậy, điều quan trọng là Tuyên bố chung về Đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc và nghiên cứu chung toàn diện về liên kết kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai bên sẽ tập trung không chỉ vào thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn mang lại hiểu biết sâu rộng hơn đối với nền tảng hợp tác ASEAN-Hàn Quốc trong thế kỷ 21. Hợp tác ASEAN+3 vẫn là động lực tin cậy và thực tế đối với hợp tác khu vực Đông Á và các nước thành viên đều có lợi ích chiến lược trong hợp tác khu vực.


Tô Cẩn – theo nghiên cứu của Viện Chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc
Báo cáo phân tích thị trường