Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản vào Trung Đông: Tăng trưởng ấn tượng
15 | 01 | 2008
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng trên 80 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu tại khu vực Trung Đông, trong đó dẫn đầu là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã; Công ty cổ phần Nam Việt...
Có 6 mặt hàng đạt cao nhất tới khu vực này, trong đó cá tra đông lạnh là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Tiếp đến là tôm đông lạnh. Mặt hàng đứng thứ 3 là cá basa đông lạnh. Đứng thứ tư là mặt hàng cá ngừ đóng hộp...
Tăng trưởng ấn tượng
Khối lượng XK thủy sản, hải sản của Việt Nam tới khu vực Trung Đông trong năm 2007 tăng trưởng vượt bậc về lượng và giá trị kim ngạch so với năm 2006. Có 6 mặt hàng đạt cao nhất tới khu vực này, trong đó cá tra đông lạnh là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Khối lượng XK cá tra đông lạnh tăng 159% về lượng và 159% về kim ngạch. Tiếp đến là tôm đông lạnh. Mặt hàng đứng thứ 3 là cá basa đông lạnh. Đứng thứ tư là mặt hàng cá ngừ đóng hộp...
Đáng chú ý là mặt hàng bạch tuộc đông lạnh tăng lớn so với năm 2006. Nếu năm 2006 chỉ XK trên 1 tấn thì năm 2007 đạt tới gần 70 tấn, đạt kim ngạch 188 nghìn USD. Điều đáng nói, càng những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thủy sản ở khu vực thị trường này càng lớn, vì vậy XK thủy sản của các DN Việt Nam nhờ đó cũng tăng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng tăng trưởng đột biến nêu trên thì cũng có một số mặt hàng giảm như: ghẹ đóng hộp, ghẹ đông lạnh, cá sống, cá chỉ vàng khô, cá mối đông lạnh và có khá nhiều mặt hàng không còn thấy xuất hiện như: cá đen, cá bã trầu, cá cơm, cá chỉ vàng, cá hồng...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cá da trơn ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn do được đánh giá là loại cá có chứa ít cholesteron. Vì vậy lượng NK loài cá này vào khu vực thị trường Trung Đông tăng mạnh. Nguồn cung cá tra trong nước đang dồi dào với mức giá ổn định, nhu cầu tăng cao, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các DN nước ta đẩy mạnh XK tới khu vực này.
Ba thị trường trọng điểm
Dân số các Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) chủ yếu được hình thành từ dân nhập cư và người nước ngoài đến làm việc, UAE gia nhập WTO từ năm 1995, tham gia nhiều liên minh quốc tế quan trọng. Sau khi gia nhập WTO, UAE có tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao (gần 10%/năm). UAE đang ngày càng tiến dần đến vị trí như một diễn đàn khu vực về thương mại, vận tải, dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và UAE những năm gần đây tăng mạnh.
UAE không có lợi thế về thủy hải sản, nên nội địa chỉ cung cấp khoảng 25% nhu cầu trong nước, 75% nhu cầu còn lại phải phụ thuộc vào các nhà NK (trong đó có Việt Nam). Do được ưa chuộng ở nhiều thị trường, nhất là đã đáp ứng được qui định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, Mỹ, Nhật Bản... nên thủy sản Việt Nam đã được chấp nhận tại thị trường này. Đặc biệt, hai mặt hàng cá tra, basa đông lạnh rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất của thủy sản Việt Nam khi tiếp cận thị trường này là việc vận tải chưa có đường bay trực tiếp nên XK hàng thủy sản tươi sống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hàng đông lạnh và đồ hộp (có giá trị thấp hơn) chỉ vận chuyển bằng máy bay sang UAE, nên chi phí khá cao, lợi nhuận đạt thấp. Vì vậy để tăng cường XK thủy hải sản vào thị trường UAE, các DN Việt Nam cần hỗ trợ của quỹ XTTM để đẩy mạnh tiếp thị, tìm các hợp đồng có trị giá từng chuyến hàng cao nhằm giảm được chi phí vận tải.
Tiếp theo là thị trường Li băng, tuy dân số chỉ hơn 3,5 triệu người, nhưng mức tiêu thụ thủy hải sản lại khá lớn. Năm 2007, ước XK thủy sản của Việt Nam vào thị trường này tăng khoảng 26% về lượng và 37% về kim ngạch. Mặt hàng cá tra đông lạnh tăng tới 118% về lượng và 121% về kim ngạch.
Thứ ba là thị trường Israel, các mặt hàng XK của Việt Nam tới thị trường này khá đa dạng, với mặt hàng tăng trưởng nhất cũng là cá tra đông lạnh, tăng 108% về lượng và 203% về kim ngạch. Tuy nhiên, do nhiều mặt hàng khác giảm nên XK vào Israel trong năm 2007 nhìn chung giảm cả lượng và kim ngạch... Còn một số thị trường khác như: Gioocđani, Cô Oét, Baren, Qata... đều có tốc độ tăng trưởng khá về số lượng và kim ngạch XK, trong đó mặt hàng cá tra đông lạnh luôn chiếm vai trò quan trọng.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường