Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo cáo tài chính, phơi bày hay che dấu (Tiếp theo và hết)
25 | 12 | 2007
Có thể khẳng định rằng phần lớn các báo cáo tài chính của các công ty trên thế giới hiện này còn chứa đựng những thông tin thiếu trung thực nhằm những mục đích khác nhau.


Với một số tập đoàn lớn, sự thiếu trung thực phổ biến nhất là biến lỗ thành lãi, hay còn gọi là tạo ra tình trạng “lãi giả, lỗ thật”. Thực chất của vấn đề này là tránh cổ phiếu tụt giá làm nản lòng các nhà đầu tư. Vì vậy, trong khi thực chất con số thua lỗ ngày một tăng thì nhiều công ty để che dấu sự thật đã khuyếch trương thanh thế để vay vốn được ngân hàng, nâng giá cổ phiếu,… Khi đó “những diễn viên ảo thuật” cần có một báo cáo tài chính đẹp, tức là phải phản ánh tình trạng tài chính của công ty một cách lành mạnh, có lãi, thậm chí lãi năm sau phải cao hơn năm trước. Thế là bộ máy kế toán phải ra sức “vận dụng sáng tạo” để đưa ra kết quả theo ý muốn của những ông chủ.

Trong năm 2003, người dân châu Âu đã hồi hộp theo dõi vụ “Enron châu Âu”, Royal Ahold, tập đoàn bách hoá Hà Lan có lịch sử 116 năm đã tuyên bố khai vượt lợi nhuận của chi nhánh dịch vụ thực phẩm Mỹ ít nhật là 500 triệu USD và đã phát ra những vụ giao dịch phi pháp tại Argentina Năm đó, giá cổ phiếu của Ahold đã giảm 2/3 khiến hàng triệu người đầu tư vào cổ phiếu Blue-chip của Ahold lo lắng. Giám đốc điều hành Cees Van der Hoeven và trợ lý đã từ chức. Albert Heijin, người cháu nội 76 của người sáng lập Ahold đã xuất hiện trên truyền hình Hà Lan để trấn an người dân rằng, hệ thống siêu thị trong nước của Ahold, nhà phân phối thực phẩm lớn thứ ba trên thế giới, vẫn rất an toàn. Trên khắp châu Âu, các tờ báo đang gọi Royal Ahold là “Enron của châu Âu”.

Ahold có rất nhiều điểm chung với các công ty Mỹ đã đi lạc lối trong thời kỳ “phát triển bong bóng” vào cuối những năm 90. Giống như Tyco và Worldcom, Ahold đã đạt được những thành công liên tiếp, thu mua hàng loạt các chuỗi các cửa hàng và thiết lập nên một chuỗi các siêu thị với doanh thu lên tới 1,9 tỷ USD/năm. Van der Hoeven được ca ngợi là chơi tốt trong cuộc sáp nhập và thanh lý. Nhưng sau đó, Ahold bắt đầu phải đấu tranh vật lộn trong thị trường có nhiều biến động và phải vay mượn rất nhiều để tiếp tục trò chơi. Đó là bối cảnh cho sự thua lỗ 500 triệu USD. Giống như tất cả các nhà phân phối khác, Ahold được hưởng một khoản chiết khấu từ các nhà cung cấp nếu đạt được một mức doanh số nhất định, như chi nhánh tại Mỹ đã tính cả những khoản chiết khấu đó vào thu nhập của mình trước khi đạt được ngưỡng doanh thu đó, khiến lợi nhuận thu được vượt trội lên. Các quan chức Mỹ đang điều tra ra đã có ba bộ hồ sơ được trình lên đại diện các cổ đông. Các nhà giám sát chứng khoán Hà Lan đã theo dõi mức giá giao dịch nội bộ dựa trên một khối lượng lớn cổ phiếu được giao dịch trước khi Ahlod công bố rộng rãi về vụ “xì căng đan” của mình. Một điểm giống Eron nữa là Ahold đã gặp phải những rắc rối ngay chính tại “trong ruột mình”. Trong bản báo báo cáo tài chính hàng năm, năm 2001, Ahold đã che giấu sự thật rằng khoản lợi nhuận 1 tỷ USD theo Luật kiểm toán Hà Lan của mình đáng lẽ chỉ đáng 109 triệu USD theo Luật kiểm toán Mỹ vì Hà Lan có những cơ chế rất thoáng cho các công ty khi tính giá thu mua.

Ngoài ra, có một nghịch lý khác đó là nhiều công ty nhỏ cũng cố ý “biến tướng” báo cáo tài chính theo chiều hướng ngược lại, tức là “biến lãi thành lỗ”. Lý do chính là để tránh thuế. Bán hàng không phát hành hoá đơn làm giảm doanh thu, giảm thuế phải nộp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại Mỹ và châu Âu, các cơ quản lý than phiền về các báo cáo tài chính gian dối nhưng nhiều khi chính họ cũng tự cần xem lại những biện pháp quản lý và pháp luật đã tạo ra “sức ép” và những thuận lợi cho tình trạng thiếu trung thực trong báo cáo tài chính của các công ty.

Thuế cao tại Mỹ là một động cơ đẩy các công ty vào hành vi trốn thuế nếu muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính của các cơ quan chức năng Mỹ đã bị buông lỏng trong thời gian khá dài. Các quy định pháp luật về kế toán khá lạc hậu từ hàng chục năm nay. Chỉ sau khi xảy ra hai vụ scandal động trời của Enron và Worldcom thì một số quy định về tài chính mới được ban hành nhưng vẫn còn khiên cưỡng, đôi khi khập khiễng đến mức không thế chấp nhận được”, H.Barringer, giám đốc Công ty Luật Willikie Farr&Gallagher cho biết.

Câu hỏi đặt ra là làm gì để Mỹ và châu Âu không còn chứng kiến những Enron, Worldcom hay Ahold tương tự trong tương lai? Đây là câu hỏi không dễ trả lời song cũng có những căn cứ hy vọng nếu:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng xem xem xét lại các quy định về kế toán và tài chính, sớm ban hành những quy định mới và thi hành mộ cách nhất quán.

Thứ hai, cải tổ công tác kiểm toán đối với tập đoàn, công ty trên toàn nước Mỹ và châu Âu. Chất lượng các cuộc kiểm toán cũng cần được coi trọng.

Thứ ba, giảm thuế để các công ty có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường vốn đã vô cùng khốc liệt.

Người Mỹ và châu Âu hy vọng những năm tới vấn đề trên sẽ được giải quyết để họ không còn phải nơm nớp lo sợ một lúc đó những cổ phiếu mình đang cầm trong tay sẽ trở thành “tờ giấy vụn” chỉ trong vòng một đêm chỉ vì những gian lận trong báo cáo tài chính bị phanh phui.


Báo cáo phân tích thị trường