Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có doanh nghiệp nào không có vấn đề!
17 | 01 | 2008
Trong cuộc sống doanh nghiệp có một từ hay được nói đến, đó là “vấn đề”.


Công ty có vấn đề! Sếp có vấn đề! Nhân viên có vấn đề! Dự án có vấn đề! Tài chính có vấn đề! Và vấn đề có vấn đề!!!...

Luận về “vấn đề” có thể biện chứng qua lăng kính triết học, toán học và vật lý học. Hay nói một cách thông thường là qua cuộc sống và cuộc đời. Thay đổi là điều cần phải làm khi thực tế của cuộc sống đòi hỏi, nếu không, sớm muộn gì vấn đề cũng sẽ đến và nó sẽ ngày càng nan giải khi chúng ta vô tình hay cố ý làm ngơ.

Trong thuật ngữ của ngành công nghệ thông tin có từ “bug”. Từ này được dùng để diễn tả khi một phần mềm vốn đang chạy “bay bay”, đến một hôm tất cả hệ thống do phần mềm đó điều khiển đột nhiên bị khựng lại! Một trong những lý do có thể là: mỗi vòng quay của phần mềm (software) dựa vào hệ thống máy tính (hardware) là một hệ quả tương tác những lý thuyết toán học và vật lý học, “luận lý học” (logic).

Mỗi vòng quay tạo ra một sai số cực tiểu (vi vi phân). Nhưng khi số vòng quay đạt đến một con số cực cực đại thì sai số cực tiểu đã tích lũy đạt điểm tới hạn, đến lúc này hệ thống công nghệ thông tin không đủ sức giải quyết thì vấn đề trục trặc toàn diện sẽ xảy ra.

Các doanh nghiệp có vấn đề cũng hay xảy ra dưới dạng tương tự như thế. Đặc biệt là các doanh nghiệp có một bộ máy tổ chức phức tạp. Một trong những đối sách mà khoa học quản trị thường hay nhắc nhở là “không có doanh nghiệp nào mà không có vấn đề! Vấn đề là những vấn đề đó có được biết và được giải quyết đúng lúc, hợp lý, hợp tình hay không?”.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo, điều hành, quản lý phải biết nhận diện, nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Nhất là tránh để điều đó trở thành “vấn đề nổi cộm”, “vấn đề nhức nhối” hay “vấn đề sống còn”. Trong nền kinh tế thị trường, một doanh nghiệp ở trong tình trạng đó khó mà đứng vững trước sự cạnh tranh hay nói cách khác là trước quy luật đào thải tự nhiên.

Thứ hai, nếu đã nhận diện được vấn đề thì nên giải quyết một cách cơ bản, đơn giản.

Thứ ba, chính qua những quá trình giải quyết những vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp, những tài năng trẻ sẽ được nhận diện, trui rèn. Họ sẽ là những lãnh đạo tương lai đầy tài thao lược của doanh nghiệp.

Đừng sợ doanh nghiệp có vấn đề. Biết có vấn đề là đã giải quyết được 90% rồi. Mười phần trăm còn lại là công việc của bạn, người đứng đầu của tập thể.

Bài viết của TS. Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường