Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2007, xuất khẩu nông sản tăng cao
21 | 01 | 2008
Sau một năm gia nhập WTO, năm 2007, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2006, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đã vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010 tới 1,5 tỷ USD. Hầu hết hàng nông sản năm nay đều được giá nên giá trị xuất khẩu tăng mạnh với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên như thủy sản, gạo, cà phê, cao su, sản phẩm gỗ.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông sản. Hầu hết hàng nông sản năm nay đều được giá nên giá trị xuất khẩu tăng mạnh với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên như thủy sản, gạo, cà phê, cao su, sản phẩm gỗ. Trong đó kim ngạch nông sản ước đạt khoảng 6,2 tỷ USD, so kế hoạch tăng 26,7%, so với năm trước tăng 22,5%, thuỷ sản ước đạt 3,75 tỷ USD, so kế hoạch năm tăng 4%, tăng 11,7% so với năm trước, lâm sản ước đạt trên 2,6 tỷ USD, vượt kế hoạch năm 11,6%, so với năm trước tăng 20,6% .

Trong năm 2007,cả nước có 9 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, ngành nông nghiệp chiếm 5 mặt hàng, mặt hàng thuỷ sản đứng ở vị trí thứ 4/9. Về tốc độ tăng trưởng kim ngạch năm nay của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản so năm trước, mặt hàng cà phê có tốc độ tăng cao nhất với mức tăng gần 50%. Năm nay, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt qua mặt hàng gạo.

Cà phê là mặt hàng về đích sớm với khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2006 (năm 2006 xuất khoảng 1,2 tỷ USD). Mặt hàng gỗ chế biến đạt khoảng 2,34 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2006; cao su trên 1,4 tỷ USD, tăng 10%; gạo là 1,48 tỷ USD, tăng 16%, trong khi đó thủy sản vẫn dẫn đầu với mốc 3,75 tỷ USD. Ngoài ra, hàng loạt nông sản khác cũng được cải thiện đáng kể về chất lượng, giá trị mà đáng chú ý nhất là hồ tiêu với giá xuất khẩu bình quân 3.500 USD/tấn (năm 2006 là 1.500 USD/tấn), vì vậy, dù lượng xuất khẩu năm 2007 giảm khoảng 15% so với năm 2006, nhưng kim ngạch vẫn đạt 300 triệu USD, tăng 57,9%.

Những nỗ lực của ngành chè trong việc đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến theo quy hoạch, tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, có chất lượng cao đã cải thiện đáng kể giá chè xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng khoảng 25%, tương ứng 270-280 USD/tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD, tăng 18%.

Ước xuất khẩu tháng 12/2007 đạt 60 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 29 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 35% về lượng và 2,1 lần về giá trị.

Lượng gạo xuất năm 2007 ước đạt 4,5 triệu tấn, kim ngạch 1,46 tỷ USD, so với năm 2006 giảm 3% về lượng, nhưng tăng 14,4% về giá trị.Khoảng cách giá gạo xuất khẩu của Việt Nam với Thái Lan đã thu hẹp, có thời điểm đạt mức ngang giá.Giá gạo xuất khẩu bình quân năm nay đạt khoảng 300 USD/tấn, tăng 17,5% so với năm trước.

Lượng điều xuất khẩu năm 2007 ước đạt 150 ngàn tấn, kim ngạch 641 triệu USD, so với năm trước tăng 18% về lượng và 27% về giá trị. So với kế hoạch năm, điều xuất khẩu vượt 43% về lượng và 28% về kim ngạch. Để đạt mức xuất khẩu trên, ngành điều đã phải nhập lượng điều thô lớn để đáp ứng cho chế biến xuất khẩu. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân năm nay đạt khoảng 4.274 USD/tấn, cao hơn năm trước 8%. Là năm được mùa về xuất khẩu nông sản như vậy, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định, nhìn tổng quát, nền nông nghiệp của nước ta vẫn có năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh thấp so với nhiều nước trên thế giới. Việc thực hiện chủ trương nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm thủy sản chưa được nhiều. Vấn đề dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt ra hết sức bức xúc.

Nhằm khắc phục từng bước những vấn đề còn đang tồn tại trong năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhóm nhiệm vụ cấp bách cần tập trung chỉ đạo trong năm 2008 để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp trồng cây lương thực (lúa, ngô) sẽ tiếp tục giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng nên công tác giống, chống sâu bệnh được đặt lên hàng đầu để sản lượng của 7,25 triệu ha lúa đạt 36-36,5 triệu tấn, sản lượng ngô đạt 5 triệu tấn. Các loại cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, chè, mía...) duy trì diện tích hiện tại, chỉ phát triển mới ở những khu vực có điều kiện thuận lợi, tập trung chủ yếu vào cải tạo, đưa các giống mới để cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng. Diện tích các loại cây ăn quả đặc sản sẽ được mở rộng theo hướng xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, thực hiện quy trình sản xuất GAP với diện tích dự kiến khoảng 800.000ha.

Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi và hạn chế sau một năm gia nhập WTO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tiếp tục xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.

 



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường