Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đức - Thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu
21 | 01 | 2008
Thị trường Đức với hơn 80 triệu dân, Đức là một trong những thị trường lớn tại châu Âu mà hàng hoá Việt Nam có thể thâm nhập được trong đó có thuỷ sản. Hiện nay, có tới 84% hộ gia đình Đức sử dụng thuỷ sản, điều này cũng phù hợp với xu hướng chống béo phì và thực phẩm lành mạnh.
Sau khi giảm mạnh trong năm 2001, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Đức đã phục hồi dần vào các năm sau và hiện nay Đức là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thuỷ sản và chiếm tới 16% trong tổng kim ngạch trong khối EU. Trong tháng 11 năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tới thị trường Đức đạt 11,63 triệu USD tăng 27% so với tháng 11/06. Do đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng 2007 lên 132,77 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2006.
Tiêu thụ thuỷ sản tính trên đầu người của Đức đạt 14 kg/năm, trong đó có nhiều loài thuỷ sản nhập khẩu như cá tra, ba sa Việt Nam, cá rô phi từ các nước châu Mỹ La tin, bên cạnh các loài thuỷ sản tiêu thụ chủ yếu là cá trích vùng Emden, phía Bắc nước Đức, cá bơn Hà Lan.
Đối với người tiêu dùng Đức, cả hai nguồn thuỷ sản nhập khẩu và nội địa trước tiên đều phải là những sản phẩm có giá cả, chất lượng và tính tiện dụng chấp nhận được. Người Đức thường mua thuỷ sản ở các khu vực như siêu thị; các chợ thuỷ sản địa phương đáp ứng nhu cầu tiện dụng và để đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món đặc sản. Philê cá tra, ba sa tươi và philê cá trích cắt miếng đông lạnh là những món dễ chế biến, tiện dụng nên đều có vai trò quan trọng trên thị trường nước Đức ngày nay.
Nhu cầu trên là một trong những nguyên nhân khiến nước này nhập khẩu đến 90% tổng thuỷ sản tiêu dùng. Hơn nữa, người Đức cũng hay đi du lịch vào các dịp nghỉ lễ và thích nếm thử các món ăn lạ, các thực khác rất quan tâm đến vấn đề sinh thái, muốn sản phẩm thuỷ sản của họ phải được khai thác từ những nguồn lợi bền vững.
11 tháng năm 2007, hai mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng khá nhất của Việt Nam tới Đức là tôm đông lạnh và cá tra đông lạnh. Khối lượng tôm đông lạnh xuất khẩu trong 11 tháng đạt hơn 24 nghìn tấn, kim ngạch đạt 68,9 triệu USD, tăng 54% về lượng và 49% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2006. Khối lượng xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 4,7 nghìn tấn, kim ngạch đạt 37,3 triệu USD, tăng 16% về lượng và 16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006. Hai mặt hàng trên chiếm tới 81% trong tổng lượng và 80% tổng kim ngạch.
Người Đức vốn ưa thích sản phẩm thịt, nhưng hiện nay các sản phẩm như thịt bò, gà và lợn đã làm lung lay niềm tin của họ. Vì thế thuỷ sản ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn trong thị trường thực phẩm ở nước ngày. Các siêu thị lớn của Đức cũng như tập đoàn Edeka và nhiều tập đoàn khác đã phát triển các quầy thuỷ sản với số vốn đầu tư lớn từ những chuỗi bán lẻ lớn như Tegut và Real. Các sản phẩm được ưa chuộng nhất ở Đức cũng như ở các nước châu Âu khác là để thay thế cho cá bơn và một số loài cá thịt trắng khác vốn khan h iếm và ngày càng đắt. Giờ đây, cá tra đã có vị trí ổn định trên thị trường này phần lớn nhờ mức giá cạnh tranh.
Ngoài hai mặt hàng tôm và cá tra đông lạnh tăng rất tốt, một số mặt hàng khác cũng đóng góp làm tăng tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu như: mực đông lạnh đạt 837 tấn, kim ngạch đạt 2,6 triệu USD (tăng 75% về lượng và 76% về kim ngạch), cá đông lạnh đạt 461 tấn, kim ngạch đạt 2,6 triệu USD (tăng 34% về lượng và 123% về kim ngạch), cá ngừ đông lạnh lượng đạt 495 tấn, kim ngạch đạt 1,9 triệu USD (tăng 20% về lượng và 27% về kim ngạch), cá chẽm đông lạnh đạt 264 tấn, kim ngạch đạt 1,8 triệu USD (tăng 51% vê lượng và 85% về kim ngạch), cá đen đông lạnh khối lượng đạt 476 tấn, kim ngạch đạt 1,6 triệu USD (tăng 116% về lượng và 131% về kim ngạch), cá hồng đông lạnh (tăng 162% về lượng và 268% về kim ngạch), cá phèn, bạch tuộc, cá cờ, cá điêu hồng, cá dũa… Một số mặt hàng giảm nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng kim ngạch cụ thể như: nghêu, ghẹ, cá lưỡi trâu, chả cá, cá ba sa, cá sơn, cá đỏ đông lạnh…
Giá trung bình xuất khẩu một số mặt hàng trong 11 tháng năm 2007 tăng so với cùng kỳ năm 2006 như: tôm đông lạnh đạt 7,9 USD/kg (tăng nhẹ), cá ngừ đóng hộp đạt 3,49 USD/kg (tăng 72,5%), cá chẽm đông lạnh đạt 6,8 USD/kg (tăng 22,4%), cá đen đông lạnh đạt 3,4 USD/kg (tăng 6,8%), cá hồng đông lạnh đạt 5,9 USD/kg (tăng 40%), cá phèn đông lạnh đạt 6,6 USD/kg (tăng 10,3%)… một số mặt hàng có giá trung bình xuất khẩu giảm như nghêu đông lạnh đạt 3,3 USD/kg (giảm nhẹ), cá hồi đông lạnh đạt 7,3 USD/kg (giảm 27%), ghẹ đông lạnh đạt 3,6 USD/kg (giảm 13,3%), cá ba sa đông lạnh đạt 2,4 USD (giảm 21%)…
Hiện nay, nhu cầu của thị trường Đức rất lớn, thông qua thị trường này các doanh nghiệp nước ta có thể tiếp cận thị trường các nước Đông Âu. Nhà xuất khẩu luôn phải nhớ rằng thị trường châu Âu rất đa dạng đặc tính của hàng hoá, giá trị và thói quen tiêu dùng. Thêm nữa, cơ cấu kinh doanh và phân phối cũng như tập quán kinh doanh có thể khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn một thị trường được cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược là rất quan trọng.


Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường