Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực kế toán Việt Nam
25 | 09 | 2007
Vào tháng 12.2003, IASB đã sửa đổi 15 chuẩn mực kế toán quốc tế, trong đó có 10 chuẩn mực kế toán đã được ban hành tại VN, nhằm làm tăng tính nhất quán, loại bỏ những nội dung thừa, đáp ứng những phát sinh trong thực tế, bổ sung, sửa đổi khác nhằm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Những bổ sung, sửa đổi này dựa trên ý kiến của các nhà lập quy của các tổ chức chứng khoán, các chuyên gia kế toán và những bên có liên quan khác.
Các chuẩn mực kế toán VN đã ban hành



Chuẩn mực kế toán VN được xây dựng dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành trước tháng 12 năm 2003. Do vậy, VN cần sửa đổi những chuẩn mực kế toán đã ban hành nhằm phản ánh những thay đổi này cũng như những phát triển mới của VN. Việc điều chỉnh sẽ làm giảm đi những khác biệt không cần thiết để giúp VN dễ hội nhập với thế giới hơn. Cho đến tháng 12.2003, các chuẩn mực kế toán VN cần được sửa đổi gồm:

1. Chuẩn mực số 02 - Hàng tồn kho

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phạm vi, thuật ngữ, giá gốc hàng tồn kho, phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, giá trị thuần có thể thực hiện được và lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, ghi nhận chi phí, và trình bày báo cáo tài chính.

2. Chuẩn mực số 03 - Tài sản cố định hữu hình

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về các tài sản sinh học, các khoản giảm giá trị (tổn thất), ảnh hưởng của thay đổi giá cả, giá trị thanh lý, giá trị còn lại, giá trị có thể thu hồi, ghi nhận tài sản cố định hữu hình, các yếu tố cấu thành nguyên giá tài sản cố định hữu hình, các giao dịch trao đổi tài sản, xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu, khấu hao đối với các bộ phận đáng kể của tài sản cố định hữu hình, giai đoạn khấu hao, đền bù cho khoản giảm giá trị, ghi giảm tài sản cố định hữu hình, thời điểm ghi giảm, lãi do thanh lý tài sản cố định hữu hình, và trình bày báo cáo tài chính.

3. Chuẩn mực số 05 - Bất động sản đầu tư

Đề nghị điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phân biệt giữa bất động sản đầu tư và bất động sản chủ sở hữu sử dụng, phạm vi áp dụng, yêu cầu trình bày các thông tin so sánh trong phần thuyết minh, một số thay đổi để phản ánh những thay đổi đối với chuẩn mực kế toán tài sản cố định hữu hình

4. Chuẩn mực số 06 - Thuê tài sản

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về các thuật ngữ, phân loại thuê tài sản, ghi nhận thuê tài sản, và trình bày báo cáo tài chính.

5. Chuẩn mực số 07 - Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phạm vi áp dụng, phương pháp hợp nhất theo tỉ lệ, phương pháp vốn chủ sở hữu, phương pháp giá trị hợp lý, kế toán những thay đổi về giá trị hợp lý, thuật ngữ, ảnh hưởng đáng kể, miễn áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu, loại trừ các khoản lãi và lỗ chưa thực hiện trong các giao dịch với công ty liên kết, chính sách kế toán đồng nhất, và báo cáo tài chính riêng biệt.

6. Chuẩn mực số 08 - Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phạm vi áp dụng, miễn áp dụng phương pháp hợp nhất theo tỉ lệ hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu, báo cáo tài chính riêng biệt, và trình bày báo cáo tài chính.

7. Chuẩn mực số 10 - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phạm vi áp dụng, thuật ngữ, báo cáo các giao dịch bằng ngoại tệ theo đơn vị tiền tệ tác nghiệp- ghi nhận chênh lệch tỷ giá và thay đổi trong đơn vị tiền tệ tác nghiệp, sử dụng một đơn vị tiền tệ báo cáo khác ngoài đơn vị tiền tệ tác nghiệp- chuyển đổi theo đơn vị tiền tệ tác nghiệp và chuyển đổi một hoạt động ở nước ngoài, và trình bày báo cáo tài chính.

8. Chuẩn mực số 21 - Trình bày báo cáo tài chính

Đề nghị điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế ngoại trừ các điểm nêu dưới đây.

9. Chuẩn mực số 25 - Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con.

Đề nghị điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phạm vi áp dụng, miễn việc hợp nhất các khoản đầu tư trong công ty con, các thủ tục hợp nhất, báo cáo tài chính riêng biệt.

10. Chuẩn mực số 26 - Thông tin về các bên liên quan

Đề nghị thực hiện các điều chỉnh theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phạm vi áp dụng, mục đích thông báo về các bên liên quan, thuật ngữ, và trình bày báo cáo tài chính.

Các chuẩn mực kế toán chưa ban hành tại VN

Để tạo cơ sở đồng bộ cho các chuẩn mực kế toán, đề nghị xây dựng tất cả các chuẩn mực kế toán còn lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế, có xem xét đến các chuẩn mực kế toán Anh, Mỹ và tình hình cụ thể của VN. 21 chuẩn mực kế toán còn lại nên được xây dựng theo thứ tự mức độ cần thiết qua khảo sát các doanh nghiệp như sau:

IAS 12: Thuế thu nhập.

IAS 8: Lãi và lỗ thuần trong kỳ, sai sót cơ bản và thay đổi trong các chính sách kế toán.

IAS 10: Các sự kiện sau ngày bảng cân đối kế toán.

IAS 33: Lợi nhuận trên một cổ phiếu.

IAS 37: Khoản dự phòng, khoản nợ phải trả ngoài dự kiến và tài sản ngoài dự kiến.

IFRS 3: Kết hợp kinh doanh.

IAS 36: Giảm giá trị tài sản.

IAS 39: Công cụ tài chính: ghi nhận và xác định giá trị.

IAS 32: Công cụ tài chính: Thông báo và trình bày.

IAS 41: Nông nghiệp.

IAS 14: Báo cáo phân khúc.

IAS 34: Báo cáo tài chính tạm thời.

IAS 35: Ngừng các hoạt động kinh doanh.

IFRS 2: Thanh toán bằng cổ phiếu.

IFRS 4: Hợp đồng bảo hiểm.

IFRS 5: Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và các hoạt động bị ngừng kinh doanh.

IAS 19: Các khoản phúc lợi cho người lao động.

IAS 20: Kế toán các khoản do chính phủ cấp và trình bày về khoản trợ cấp của chính phủ.

IAS 26: Kế toán và báo cáo của chương trình phúc lợi nghỉ hưu.

IAS 29: Báo cáo tài chính trong các nền kinh tế lạm phát phi mã.

IAS 30: Trình bày báo cáo tài chính của các ngân hàng và những tổ chức tài chính tương tự.

Đề nghị không áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế

Do tình hình thực tế tại VN chỉ áp dụng mô hình nguyên giá, đề nghị không áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế, trong đó cho phép lựa chọn giữa mô hình nguyên giá và mô hình giá trị hợp lý.

IAS 21 cho phép doanh nghiệp trình bày các báo cáo tài chính theo bất kỳ đơn vị tiền tệ nào. Với tình hình cụ thể tại VN, đề nghị trình bày báo cáo tài chính phải theo đồng VN, tuy nhiên, ngoài đồng VN, doanh nghiệp có thể trình bày thêm theo bất kỳ đơn vị tiền tệ nào khác. Chuẩn mực kế toán Mỹ giả định báo cáo tài chính phải sử dụng đơn vị tiền tệ tác nghiệp.

Về yêu cầu đối với báo cáo tài chính, đề nghị giữ nguyên cụm từ ‘trung thực và hợp lý’ theo chuẩn mực kế toán Anh thay vì sử dụng cụm từ ‘hợp lý’ theo chuẩn mực kế toán quốc tế.

Đề nghị áp dụng niên độ tài chính có độ dài một (01) năm dương lịch thay vì được lựa chọn sử dụng niên độ tài chính có độ dài 52 tuần theo IAS.

Đề nghị chỉ áp dụng hình thức báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo chức năng chi phí, thay vì được lựa chọn sử dụng hình thức báo cáo theo bản chất chi phí theo IAS, để giảm bớt các lựa chọn thay thế, đảm bảo tính thống nhất và có thể so sánh được của báo cáo tài chính.

Với những thay đổi quốc tế và tình hình VN, VN cần sửa đổi nội dung các chuẩn mực kế toán đã ban hành phản ánh những thay đổi mới nhất của chuẩn mực kế toán quốc tế; và ban hành đầy đủ các chuẩn mực kế toán để thuận lợi trong việc hiểu và thực hiện các chuẩn mực kế toán. Việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán VN như trên sẽ tạo một cơ sở đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán, tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và người sử dụng thông tin kế toán nói riêng.

(Theo TCKTPT)


Báo cáo phân tích thị trường