Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa cà phê lên sàn giao dịch
21 | 01 | 2008
Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực 2007 với kim ngạch trên 1 tỉ USD, song càphê VN vẫn trong tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, DN trong nước thì "thờ ơ" nông dân khi bỏ quên khâu kỹ thuật, chỉ chú trọng chế biến tiêu thụ, trong khi không ít DN nước ngoài "nhảy" vào bao tiêu thị phần...


Doanh nghiệp trong nước "thờ ơ"

Nước ta có gần 490.000 hécta đất trồng càphê (trong đó Tây Nguyên chiếm 90% diện tích đất với 439.000 hécta) với năng suất gần 1,7 tấn/ha, sản lượng bình quân mỗi năm gần 1 triệu tấn. Sản phẩm chủ yếu là càphê nhân xuất khẩu (90%), càphê rang xay và hoà tan. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu càphê đạt 1,86 tỉ USD. Lợi thế về khí hậu, chất lượng giống và chi phí vận chuyển, song 95% sản lượng càphê sản xuất ở quy mô nhỏ. Trên 80% số nông trại có diện tích dưới 2 hécta, hộ lớn nhất cũng chỉ đạt 5 hécta và thấp nhất là 2 - 3 sào/hộ.

Theo ông Nguyễn Quang Tiệm - Viện trưởng Viện KH nông lâm nghiệp Tây Nguyên, điều này gây ra nhiều trở ngại sản xuất và lãng phí trong quản lý. Đây cũng là lý do khiến DN trong nước e dè tiếp cận nông hộ trên diện rộng. Trong khi đó, một năm trở lại đây, một số DN nước ngoài (như Cộng đồng càphê 4C và Bộ tiêu chuẩn UTZ) đã tiến hành cam kết mua sản phẩm càphê của mấy ngàn hộ gia đình ở Quảng Trị và Đắc Lắc.

Hiệu quả ban đầu cho thấy bà con phấn khởi chuyên tâm làm ăn, được trợ giúp về kỹ thuật và sản phẩm đầu ra ổn định. "Thực tế, DN VN chỉ lo sản phẩm theo mùa vụ, chú trọng thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm hộ nhỏ lẻ, ít quan tâm việc ai cung cấp hàng, ổn định hay không. Nếu chỉ tập trung khoảng 3% từ nguồn lực này, vấn đề sẽ phần nào được giải quyết" - ông Tiệm cho hay.

Đưa cà phê lên sàn giao dịch

Tại cuộc họp mới đây bàn về xây dựng đề án "Nâng cao năng lực cạnh tranh của càphê đến 2015 và định hướng 2020" của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Lương Lê Phương nhấn mạnh, thời gian tới cần đưa càphê VN lên sàn giao dịch quốc tế, đặc biệt ở Anh và Mỹ. Không chỉ nắm tình hình giá cả thị trường thế giới, sàn giao dịch còn đảm bảo kỹ thuật trồng cao so với càphê thế giới. Ngoài ra, sàn sẽ tác động lại việc sản xuất, đặc biệt là giống.

Hiện nay, Viện KH nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu thành công việc nhân giống càphê vô tính - loại giống không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, trang thiết bị chuyên dùng, giá thành thấp, giảm 30% chi phí sản xuất. Thứ trưởng Lương Lê Phương đề nghị tỉnh Lâm Đồng triển khai ươm 5 hécta giống càphê vô tính, rải vụ nhân giống toàn tỉnh.

Theo một số chuyên gia, quy hoạch tổ chức lại ngành hàng là việc cần làm ngay. Sản xuất tập trung thông qua thành lập tổ hợp tác, sân phơi chung, kho chung và tổ bảo vệ sản phẩm. Tổ hợp tác sẽ tập trung quỹ đất bằng cách thuê đất của các nông hộ nhỏ. "Sự ra đời của tổ hợp tác sẽ gián tiếp thu hút đầu tư doanh nghiệp. Song doanh nghiệp cần có tâm, nhạy bén với thị trường, tránh thụ động, chấp nhận những điều kiện hiện có, chưa làm theo mục tiêu mà họ cần" - Thứ trưởng cho biết.

Một ý tưởng khả thi nữa là xây dựng trung tâm ký gửi càphê. Hiện nay, Lâm Đồng đã hình thành các trung tâm bảo quản giống, sản phẩm cho các hộ, khi cần có thể trực tiếp cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp, đảm bảo tốt về chất lượng giống, sản phẩm. Hiệp hội Càphê - Cacao VN cũng cần nghiên cứu điều chỉnh và bổ sung các điều lệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tổ chức hội chợ hàng năm để quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh của càphê đến 2015 và định hướng 2020"do Cục Chế biến nông lâm sản & nghề muối - Bộ NNPTNT chủ trì. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2008 - 2012 là 23.949 tỉ đồng, mục tiêu đến 2015 là đạt năng suất ổn định 18 - 20 tạ/ha, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỉ USD và đến 2020 là 2,5 tỉ USD.



Nguồn: Báo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường