Chứng khoán Việt Nam năm 2007 phát triển vượt bậc
Mức vốn hoá của toàn thị trường chứng khoán tương đương trên 43% cao hơn nhiều so mục tiêu 35% GDP của năm 2010. Trong năm 2007, TTGDCK Hà Nội và Sở GDCK TPHCM đã cấp phép niêm yết cho 59 công ty, nâng tổng số công ty niêm yết trên toàn thị trường lên 253 công ty. Sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam còn được thể hiện qua sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư nước ngoài cả về số lượng và vốn đầu tư. Nếu như năm 2006 cả nước chỉ có khoảng hơn 2.000 tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài thì đến hết năm 2007 còn số này đã tăng hơn 3 lần lên gần 7.900 tài khoản, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chính thức ước đạt 7,6 tỷ USD tăng gấp 3 lần so với năm 2006, còn nếu tính cả thị trường không chính thức thì con số này ước đạt gần 20 tỷ USD.
Trong năm 2007 thị trường chứng khoán không những có sự biến đổi nhanh về lượng mà còn có sự biến đổi quan trọng về chất. Hoạt động của các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, các công ty đại chúng, các nhà đầu tư…. được đưa và khuôn khổ nhờ việc thực hiện Luật chứng khoán bắt đầu từ 1/1/2007. Các biện pháp quản lý và giám sát thị trường chứng khoán ngày càng được siết chặt. Trong năm 2007, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phạt và xử lý 89 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Điều đáng nói là số vụ vi phạm ngày càng có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm. Các nhà đầu tư cho rằng UBCK cần phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa, nhằm răn đe và ngăn chặn triệt để những hành vi gian lận, sai phạm, giúp thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, UBCK cũng cần phải rà soát và hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý, đặc biệt là đối với những hoạt động mới phát sinh như cho vay cầm cố chứng khoán, giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết tại các công ty chứng khoán…
Tăng cường giám sát thị trường
Về những biện pháp quản lý và giám sát thị trường chứng khoán trong năm 2008 này, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết: “Sang năm nay các trường hợp công ty đại chúng phát hành mà không đăng ký UBCK thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý mạnh, thậm chí là đình chỉ phát hành và thu hồi tiền về. Thứ hai là việc tăng cường đạo đức nghề nghiệp và hoạt động trong các công ty chứng khoán thì chúng tôi cũng khẳng định các nhân viên đặt lệnh sai, tranh lệnh của khách hàng thì chúng tôi sẽ xử lý nghiệm”.
Thị trường chứng khoán năm 2007 đã không còn diễn biến một chiều theo hướng chỉ có tăng như năm 2006 mà đã có sự thay đổi lên, xuống. Chỉ số tài chính P/E, tỷ lệ giữa giá giao dịch của một cổ phiếu với lợi nhuận mà cổ phiếu đó mang lại không còn quá cao như trước, mặt bằng giá của các cổ phiếu đang dần trở về mức hợp lý. Sự trồi sụt thất thường của thị trường cũng khiến các nhà đầu tư trưởng thành hơn, đồng thời góp phần sàng lọc nhà đầu tư. Những nhà đầu tư lên sàn chỉ để chụp giật, với ảo vọng làm giàu nhanh chóng sẽ không còn chỗ đứng, mà thay vào đó là những nhà đầu tư có kiến thức với chiến lược đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan khiến thị trường chứng khoán năm 2007 và những ngày đầu tiên của năm 2008 lên xuống thất thường là sự bất hợp lý trong một số chính sách điều hành vĩ mô ví dụ như chỉ thị 03 của ngân hàng Nhà nước khống chế tỉ lệ cho vay đầu tư chứng khoán, hay thời điểm diễn ra các cuộc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu IPO của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhà nước… Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý và hoạch định các chính sách phát triển thị trường chứng khoán còn thiếu chặt chẽ, gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Những yếu kém này cần phải được khắc phục ngay để công tác quản lý và phát triển thị trường chứng khoán năm 2008 được tiến hành hợp lý và đồng bộ.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng: “Vừa qua giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ngồi lại với nhau bàn tháo gỡ những vướng mắc và những chính sách chưa phù hợp. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường, tuy nhiên theo tôi các cơ quan chức năng cần liên kết chặt chẽ với nhau trong việc hoạch định chính sách”.
Hiện nay thị trường chứng khoán tự do OTC dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động đang còn rất thiếu minh bạch rõ ràng. Để có thể quản lý tốt thị trường OTC, trong quí II/2008 phương án Tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết sẽ được UBCKNN triển khai. Các nhà đầu tư trên thị trường OTC sẽ giao dịch với các phương thức như ở thị trường niêm yết, thông qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Trong năm 2007, thị trường chứng khoán đã chứng kiến các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO của một số tập đoàn, tổng cộng ty và doanh nghiệp lớn của nhà nước thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Và trong năm nay, dự kiến sẽ có thêm nhiều công ty, doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của nhà nước thực hiện IPO. Vấn đề quan trọng là chúng ta sẽ sắp xếp và thực hiện lộ trình IPO các đơn vị này như thế nào cho hợp lý nhằm thu về lượng vốn tối đa cho nhà nước. Bên cạnh đó cần phải chú ý đến các yếu tố cung cầu, tránh trường hợp thị trường chứng khoán phải chịu tác động tiêu cực khi tiếp nhận một lượng hàng lớn được tung ra. Hiện nay Chính phủ đang phải xem xét việc giãn tiến trình IPO cũng vì lý do này. Một điểm cũng rất quan trọng trong việc ổn định phát triển thị trường chứng khoán đó là tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước.
Về vấn đề này, trong buổi đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài, tại Hội nghị Quốc tế Kinh tế đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tôi hoan ngênh các nhà đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các ngân hàng TM quốc doanh của Việt Nam. Quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các công ty cổ phần của Việt Nam ở mức 49%, còn ở Ngân hàng là 30%. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững không chỉ cho nền kinh tế Việt Nam mà cũng là quyền lợi cho các nhà đầu tư”.
Qui mô của thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh trong những năm tới, với mục tiêu tăng tỷ lệ vốn hoá toàn thị trường lên khoảng 50% GDP trong năm này, và 60 – 70% GDP vào năm 2010. Và để thực hiện mục tiêu này, các giải pháp mà chúng ta để ra trong năm nay là: Nâng cao năng lực quản lý và giám sát thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý nhà nước; Tăng cường tính công khai minh bạch và chất lượng quản trị của các công ty niêm yết; Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại SGDCK và TTGDK; Hoàn thiện các khung pháp lý, thể chế và chính sách cho thị trường chứng khoán