Còn nhớ năm 2005, toàn ngành điều Việt Nam đã thua lỗ 1.000 tỷ đồng, nhiều nhà máy đã ngưng hoạt động và nhiều doanh nghiệp còn tồn kho hàng đến những tháng đầu năm 2006. Hiệp hội dự báo khả năng thua lỗ sẽ còn tiếp tục trong năm nay.
Nguyên nhân trước hết là do sức mua thế giới giảm, dẫn đến giá tụt dốc từ 2005 đến nay. Đây cũng là nỗi lo của các nhà nhập khẩu hạt điều lớn trên thế giới tại cuộc họp của Uỷ ban về Các loại cây có hạt (INC) tại Motreal- Canada hồi giữa tháng 5/2006.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam Nguyễn Văn Lãng, INC cho biết có 2 nguyên nhân.Các loại hạt khác được mùa nên giá giảm dẫn đến phần lớn khách hàng và người tiêu thụ quay sang nhập và mua các loại hạt khác thay điều. Tình hình kinh tế suy thoái, nhất là biến động về giá xăng dầu đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ khách hàng. Hội nghị INC cũng đã phân tích ngành điều Việt Nam do phát triển quá nhanh dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều và nhiều khi kém, nên khách hàng quay sang nhập hàng của ấn Độ nhiều hơn thay vì nhập trực tiếp từ Việt Nam.
Thống kê của Hiệp hội điều Việt Nam cũng đã cho thấy, cả nước hiện có 350.000 ha điều, trong đó chỉ có 30% diện tích cho năng suất và chất lượng cao.Giá thị trường thế giới tụt dần làm các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam "rối như tơ vò". Chi phí chế biến năm nay tăng hơn 2005, dẫn đến giá thành 1 kg nhân điều thành phẩm phải từ 15.000-16.000 đồng/kg. Hoặc nếu tính giá nguyên liệu nhập kho vào tháng 5/2006 là 11.000-11.500đồng/kg, cao hơn giá thành xuất khẩu từ 15-20%.
Do vậy, "nguy cơ thua lỗ là rất lớn", ông Nguyễn Văn Lãng, Tổng thư ký Hiệp hội điều lo lắng. Khó đầu ra, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam cũng đang căng thẳng với các yếu tố hỗ trợ khác. Sự thua lỗ của ngành điều vào năm trước đã khiến ngành ngân hàng siết chặt vốn vay.
Cái lo nữa là lao động ngành chế biến điều mỗi năm một thiếu hụt, năm nay lại giảm 20-30% so với năm trước do sự thu hút lao động của các ngành lao động khác. Hơn 10 năm qua, ngành điều Việt Nam đã tự lực cánh sinh và có những đóng góp nhất định cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm trên 300.000 lao động, giúp xoá đói giảm nghèo cho hàng trăm ngàn người dân khác trồng điều ở vùng sâu, vùng xa.
Nhưng giờ đây, ngành điều vấp phải lao đao. Theo Thứ trưởng Bộ thương mại Phan Thế Ruệ, không chỉ riêng ngành điều mà nền kinh tế cũng đang bắt đầu tùy thuộc vào cung cầu thế giới.Để hạn chế rủi ro, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và có khả năng dự báo tốt. Hạn chế của ngành điều là sản xuất manh mún, mang tính thời vụ, hệ thống thu mua, chế biến xuất khẩu còn kém, các doanh nghiệp còn hiện tượng tranh mua tranh bán, sản phẩm phần lớn xuất khẩu dưới dạng bán thành phẩm...
Theo Thứ trưởng, trước biến động như hiện nay, các doanh nghiệp phải liên kết nhau và mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến nhân hạt điều công nghệ cao để tăng khả năng cạnh tranh.Hiệp hội điều Việt Nam tạm thời chưa có kế hoạch nhập nguyên liệu điều thô và kiến nghị Nhà nước xem xét bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu nguyên liệu để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tổng thư ký Hiệp hội điều cho biết, tại Hội nghị INC, các nhà nhập khẩu điều dự kiến sẽ chịu thua lỗ trong năm nay và chờ các tín hiệu thuận lợi hơn mới sản xuất mạnh trở lại. Các nhà sản xuất điều tại ấn Độ, Braxin đã nhận lời mời của Hiệp hội điều Việt Nam sẽ họp tại Tp.HCM để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho vụ mùa 2006. Trong đó, Hiệp hội điều Việt Nam sẽ đề nghị thống nhất giảm giá sản xuất từ 20-30%, cùng giữ giá ổn định không giảm thêm nữa.
Theo đó, hiệp hội sẽ khuyến cáo các xí nghiệp chế biến điều Việt Nam cùng tham gia giảm tốc độ sản xuất như các nước, giảm áp lực giao hàng để chờ thuận lợi.
(Nguon tin: VnEconomy)