Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành nông nghiệp Vĩnh Long nâng cao chất lượng để hội nhập
23 | 01 | 2008
Sau một năm gia nhập WTO, ngành sản xuất chủ lực của Vĩnh Long là nông nghiệp tuy đã có những thay đổi về chất nhưng chưa cao, sản xuất chưa tập trung, khả năng cạnh tranh thấp nên năm 2008 tỉnh tập trung giải quyết những tồn tại này để nâng cao chất lượng, chủ động hội nhập.

Ngay trong năm 2008 này, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất có lợi thế cạnh trạnh, xây dựng thương hiệu và mở rộng quảng bá thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực.

Với mục tiêu phải đạt tốc độ tăng trưởng 5,2% so với năm 2007, tỉnh phấn đấu có 36.000 ha đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 1.500 ha so với năm 2007. Vì vậy, tỉnh đang khuyến khích nông dân chuyển đổi mạnh diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc phát triển thủy sản. Cụ thể tỉnh sẽ giảm diện tích trồng lúa từ trên 158.000 ha xuống còn 153.000 ha; tăng diện tích rau màu từ 15.000 ha lên 16.000 ha và diện tích nuôi thủy sản từ 13.800 ha lên 15.000 ha. Trong xu thế hội nhập, để nâng cao lợi thế cạnh tranh các mặt hàng nông sản, tỉnh đang triển khai quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, sản xuất an toàn. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch các vùng trồng cây ăn trái tập trung, vùng sản xuất cây giống sạch bệnh, vùng sản xuất lúa cao sản, vùng sản xuất chuyên canh. Trên cơ sở định hướng của tỉnh, những năm qua các ngành chức năng vận động bà con mở rộng vùng sản xuất trái cây hàng hóa theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch châu Âu (GAP) như bưởi Năm roi ở Bình Minh, cam sành ở Tam Bình, Trà Ôn, quýt đường ở Trà Ôn, bòn bon, măng cụt ở các xã cù lao của huyện Vũng Liêm, xoài cát chu, nhãn xuồng ở Mang Thít... Việc lựa chọn các vùng quy hoạch phải bảo đảm các tiêu chuẩn: hệ thống thủy lợi phải có đủ khả năng cấp nước cho vùng trồng trọt, không làm ảnh hưởng đến cung cấp nước tưới tiêu cho các vùng khác và nước sinh hoạt; tuân thủ các tiêu chuẩn của Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước...

Để thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh, tỉnh coi công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là nhiệm vụ hàng đầu. Năm qua, tỉnh giao các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn cho trên 200 nhà vườn, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp sản xuất nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa bền vững, đồng đều về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, đẹp về hình thức.

Hiện nay ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang tập trung hướng dẫn các địa phương phát triển thâm canh cây ăn trái và mở rộng diện tích luân canh màu trên đất lúa, nghiên cứu chuyển một phần diện tích đất trồng lúa vụ thu đông kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng rau màu. Đồng thời khôi phục phát triển ngành chăn nuôi nhưng ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại có kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y, nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Trong thủy sản sẽ phát triển mạnh cả 3 hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi quảng canh; tận dụng diện tích mặt nước ven các sông lớn để nuôi cá lồng, bè hoặc ao nuôi theo quy mô công nghiệp nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Với thế mạnh của vườn cây ăn trái đặc sản, mỗi năm Vĩnh Long cung cấp ra thị trường trên 400.000 tấn trái cây các loại. Năm 2008 tỉnh sẽ mở rộng diện tích vườn lên 47.000 ha và phấn đấu đến năm 2010 sẽ đạt 50.000 ha. Vì vậy tỉnh đang nỗ lực quy hoạch, định hướng phát triển vườn cây theo hướng đặc sản, chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh cao. Vĩnh Long đã tiến hành điều tra, khảo sát lại diện tích trồng cây ăn trái theo điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường, giải quyết hợp lý đầu ra nông sản hàng hóa. Đặc biệt, tỉnh chủ trương vận động nông dân phát triển mạnh mô hình sản xuất thành vùng chuyên canh lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời hội nhập, khắc phục nhanh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng nguyên liệu tập trung, chưa chú trọng đúng mức đến sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nên nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây, chưa tạo được sức hút trên thị trường. Ngay mặt hàng bưởi Năm roi (huyện Bình Minh), dù đã được khách hàng nước ngoài biết tiếng nhưng chỉ có 20 đến 30% sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cùng với công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành nông nghiệp tỉnh còn tăng cường phổ biến khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Tỉnh tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã cây ăn trái, tạo mối liên kết 4 nhà vững chắc và có lợi cho nông dân, kết hợp thực hiện các giải pháp tích cực, khẳng định thương hiệu trái cây Vĩnh Long. Cùng với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và Thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục triển khai dự án nâng cao chất lượng 9 loại trái cây đặc sản trong vùng. Mỗi tỉnh sẽ chọn phát triển từ 1 đến 3 cây chủ lực, khuyến khích nhà vườn đầu tư cùng dự án, dần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cho sản lượng cao, chất lượng tốt.

Năm 2008 được chọn là năm an toàn vệ sinh thực phẩm nên tất cả các huyện, thị trong tỉnh đều tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất hàng hóa nông sản theo tiêu chuẩn sạch, từ khâu đầu cho đến khâu cuối của quá trình sản xuất đều phải được kiểm soát chặt chẽ, hướng sản xuất theo đúng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kiểm tra và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định; tạo điều kiện để sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định. Chương trình giống tiếp tục được tỉnh đầu tư phát triển đảm bảo có đủ cây, con giống chất lượng cung cấp cho người sản xuất. Năm 2008 Vĩnh Long phấn đấu có từ 70 đến 75% giống cây, con chủ lực (lúa, cây ăn trái, lợn, thủy sản) là giống tiến bộ để phát triển bền vững nền nông nghiệp hàng hóa trong cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh. Năm 2008 Vĩnh Long đang nỗ lực phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững, chất lượng, giá cả đủ sức cạnh tranh để không bị “thua” các mặt hàng nông sản ngoại nhập (như gạo, trái cây...) ngay trên sân nhà trong nền kinh tế thời hội nhập.



Nguồn: Thông Tấn Xã Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường