Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nội lực là yếu tố quyết định thành công
23 | 01 | 2008
Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Những thành công của đất nước là sự hội tụ kết quả của quá trình nhiều năm, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước kia và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay"...


Đó là nội dung trả lời phỏng vấn TTXVN của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008. Báo Lao Động xin lược trích nội dung cuộc phỏng vấn trên.

- Năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã đi thăm nhiều nước lớn. Trên cương vị của mình, xin Chủ tịch cho biết, thông điệp "Việt Nam hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển" đã nhận được phản hồi như thế nào?

- Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Thông điệp mà Việt Nam gửi đến toàn thế giới là: Hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc. Sức cuốn hút từ thông điệp ấy mà chúng tôi nhận được trong các hoạt động đối ngoại là rất mạnh mẽ. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự tín nhiệm, chia sẻ, ủng hộ và cổ vũ Việt Nam.

Việc Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhận được cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh đã nói lên thắng lợi về công tác đối ngoại của chúng ta trong năm qua.

Uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Bạn bè thế giới nhìn nhận Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, một nơi có nền kinh tế phát triển năng động; họ mến mộ, khâm phục và mong được hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

- Chủ tịch đánh giá thế nào về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau năm đầu tiên gia nhập WTO?

- Năm qua, nền kinh tế của chúng ta có sự tăng trưởng toàn diện trong hầu hết các lĩnh vực. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xếp Việt Nam ở nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam tăng mạnh so với năm 2006, đạt mức kỷ lục so với các năm trước... Đời sống của nhân dân ổn định và tiếp tục được cải thiện.

Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố như giá tiêu dùng liên tục tăng, sản xuất nông nghiệp ở một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, nhưng đời sống của đại đa số dân cư ở nông thôn vẫn giữ được mức ổn định nhờ sự chăm lo của toàn xã hội và những chính sách của Nhà nước đã khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hoá, tăng thêm thu nhập.

Nội lực là yếu tố quyết định thành công của đất nước. Sự thật là chúng ta đã vượt qua năm đầu tiên gia nhập WTO đầy thử thách.

- Một vấn đề nổi cộm hiện nay là việc thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị hoá dẫn đến tình trạng người nông dân mất đất, rồi xảy ra khiếu kiện kéo dài. Thưa Chủ tịch, mấu chốt của vấn đề ở đây là gì, Đảng và Nhà nước sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới?

- Quá trình công nghiệp hoá tất yếu phải sử dụng đến một phần đất nông nghiệp, vì thế ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người nông dân. Việc giải toả, đền bù ở một vài nơi còn thiếu minh bạch, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến những vụ khiếu kiện.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước trước hết là phải quy hoạch hết sức thận trọng, rõ ràng, công khai và tiết kiệm về khu vực nào có thể phát triển công nghiệp, đô thị hoá, khu vực nào phải giữ đất nông nghiệp.

Mặt khác, phải bố trí cho người dân tái định cư có điều kiện tương tự, hoặc tốt hơn nơi ở cũ; chăm lo đời sống văn hoá tinh thần, trường học, bệnh viện...; đào tạo nghề, tạo việc làm cho số lao động nông nghiệp không còn đất sản xuất.

Giá đền bù chỉ là một yếu tố, điều quan trọng hơn là phải tạo thuận lợi về nơi ăn, chốn ở, việc làm, học hành... cho người dân khi phải di chuyển. Như thế nhân dân sẽ đồng thuận.

- Chủ tịch Nước có đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua?

- Với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng được điều tra khẩn trương, xử lý nghiêm minh trong năm qua đã tạo niềm tin trong xã hội.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể khác cần có sự phối hợp cụ thể, kịp thời và thường xuyên, tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Cần nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó góp phần phòng ngừa chung. Các ngành, các cấp phải đẩy mạnh thực hiện công tác này, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình; phải tập trung chỉ đạo và có kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể.

Cơ quan, đơn vị là một tế bào của xã hội, nếu cuộc chiến chống tham nhũng được thực hiện tốt ở từng đơn vị thì hiệu quả trên bình diện toàn xã hội sẽ tăng lên.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường