Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường chứng khoán hôm nay: Ai bán, ai mua?
24 | 01 | 2008
Hầu hết các nhà đầu tư đều cảm thấy rất khó trong việc đưa ra quyết định bán hay mua trong phiên giao dịch sáng nay.

Ôm cổ phiếu chịu lỗ

Đã lâu lắm rồi ông Thắng không đến sàn chứng khoán VCBS, nơi ông mở tài khoản giao dịch. Từ khi thị trường 950 điểm, ông đã thoát ra, chấp nhận lỗ hơn 30%. Hiện tại ông vẫn còn một số cổ phiếu bị kẹt không còn chạy được nữa. Với giá hiện nay, các CP trên sàn ông bị lỗ trên 50%.
Ông Thắng không bán không phải vì biết kiên nhẫn, mà chính là hết kiên nhẫn. "Thôi kệ, tới đâu hay tới đó" - ông nói xót xa.

Chỉ số VN-Index hiện nay đã giảm đúng 1/3 so với lúc cao điểm 1.170. Nhưng trên thị trường, nhiều CP đã giảm đến trên dưới 50%. Thiệt hại đã thực sự lớn.

Theo Diệu, một nhà đầu tư trẻ trên sàn chứng khoán BSC, từ 2 tháng trước đây những nhà đầu tư có kinh nghiệm đã kịp thời rút ra khỏi thị trường. Một số non gan lo sợ đã bán ra sớm cũng giảm được thiệt hại.

Hiện trên sàn một bộ phận khá lớn là nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm mắc kẹt. Khi đã lỗ quá lớn, những nhà đầu tư này không còn biết xử trí như thế nào.

"Những người theo chiến lược mua bình quân giá cũng chết thê thảm" - Diệu cho biết.

Mua vào khi thị trường xuống để giảm giá bình quân cũng là một cách khá hữu hiệu. Tuy nhiên đợt giảm giá vừa qua đã kéo quá dài, sức chịu đựng tiền bạc của nhà đầu tư cũng hết. Đến phút chót, khi không còn chịu đựng được nữa đành phải chấp nhận bị mất, buộc lòng bán ra.

Thậm chí, với những gì diễn biến trên sàn 2 ngày qua, muốn bán CP cũng rất khó, nhất là những CP nhỏ, không phải blue-chips, việc bán càng cực.

Với tình trạng chán nản của nhà đầu tư hiện tại, có thể thời gian tới CP sẽ ít bị bán ra, bởi nhà đầu tư hầu như chán nản, không quan tâm đến việc lên sàn nữa.

Bao giờ mua lại?

"Nản đến mức không màng đến chuyện bán ra, thì còn tâm trí đâu để mà mua lại" - một nhà đầu tư trên sàn SSI buồn rầu.

Trưởng, một nhà đầu tư khác trên sàn SSI, cho biết anh kiên nhẫn chờ đợi. Thời gian qua anh đi chơi thể thao, quên luôn chuyện trên sàn.

Ông Hùng, nhà đầu tư trên sàn ACBS, đã chấp nhận cắt lỗ bán sớm, khi giá chỉ số VN-Index ở mức trên 860 điểm. Lúc đó ông nhận thấy khi thông báo kết quả kết quả IPO Vietcombank nhưng Nhà nước không bình luận hay phân tích gì, ông đã bán CP của mình. Và kết quả hôm nay đúng như dự báo, nhiều người trúng đấu giá Vietcombank đã bỏ cọc.

Ông Hùng và Diệu nhận định, nhà đầu tư đã mất phương hướng thực sự. Nhà đầu tư không còn biết xác định đáy thị trường là đâu nữa, nên hoàn toàn không xác định được bên bán ra hay mua vô, mặc dù giá CP đã rất thấp.

Hai nhà đầu tư trên đây cho biết, trong phiên hôm nay sẽ quan sát tùy vào động thái thị trường mà có quyết định. Tuy nhiên sáng nay chỉ số đã tăng lên từ phiên 1, và hiện giờ đầu phiên 2 đã đạt 790,52 điểm, nhưng hai nhà đầu tư này vẫn chưa mua vào.

Còn Trưởng và ông Thắng thì hiện nay chưa tính đến chuyện mua bán.

"Nếu không có một động thái gì từ Chính phủ hỗ trợ kéo lại thị trường, thì mua vào càng chết" - ông Thắng nói.

"Đau nhất là thị trường lại mất điểm trong thời điểm không ngờ. Thông thường dịp cuối năm dương lịch giá cả tăng trưởng tốt. Vậy nên mọi cái nhà đầu tư chuẩn bị từ trước hóa ra bị mắc sai lầm" - Diệu nói.

Đến giờ này, những người kiên nhẫn nhất cũng đã bắt đầu run rẩy, và bán ra. Ông Hùng kể rằng cách đây nửa tháng một nhà đầu tư trên sàn ACBS đã khuyên mọi người kiên nhẫn, nhưng đến giờ nhà đầu tư này là người bán ra số lượng nhiều nhất.

Trông mong tin như trời hạn mong mưa

Nơi bấu víu chờ mong của các nhà đầu tư giờ này là Nhà nước, Chính phủ, nhưng hình như cấp quản lý vĩ mô cũng đang bị lúng túng.

"Tôi chờ mãi mà chẳng thấy một động thái gì có tia hy vọng từ cơ quan quản lý điều hành. Sao trước đây khi thị trường phát triển nóng, Nhà nước và Chính phủ có giải pháp kìm hãm rất nhanh, kể cả biện pháp hành chính, nhưng khi thị trường khó khăn thì thả nổi, buông xuôi, để mặc thị trường xoay trở?" - một nhà đầu tư trên sàn VCBS nói, và ông lấy chỉ thị 03 ra làm dẫn chứng.

Ông Hùng cho rằng việc chậm trễ của cơ quan quản lý là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến việc mua bán trên thị trường. "Đến giờ này mà chưa có báo cáo kết quả SXKD quý 4, nhà đầu tư làm sao dám mạnh dạn mua bán?". Ông đề nghị Nhà nước phải chỉ đạo các công ty sớm công bố báo cáo quý 4.

Nhà đầu tư Thắng cho rằng, muốn điều tiết TTCK, Nhà nước và Chính phủ cần lập ra một Ủy ban tài chính, trong đó có một quỹ điều tiết. Quỹ này có thể bao gồm ngân sách, ngành tài chính, ngân hàng, các công ty niêm yết, các tập đoàn, tổng công ty... Khi thị trường nóng quỹ sẽ bán CP ra, thị trường giảm sẽ mua vào để bình ổn.

Nhà đầu tư Hùng cũng có cùng đề xuất như trên, và chỉ ra rằng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể đảm trách chức năng này.

Theo các nhà đầu tư, để sớm ổn định tình hình trước mắt, Nhà nước cần có những giải pháp ổn định trước, chẳng hạn chỉ đạo các công ty niêm yết sớm đại hội, báo cáo tình hình SXKD và tài chính, lấy ý kiến cổ đông. Chính sách lâu dài căn cơ hơn là giãn IPO, hạn chế phát hành thêm cổ phiếu, và xem xét cho chủ trương đầu tư nước ngoài có thể mua CP bằng USD, điều chỉnh chỉ thị 03, hoặc xem xét không nên áp dụng sớm việc đánh thuế giao dịch, thuế thu nhập từ chứng khoán, để nhà đầu tư được động viên.

"Và tất cả phải có thông báo, có lộ trình rõ ràng để nhà đầu tư theo dõi và chủ động. Không thể cứ tình trạng giải pháp đưa ra dưới dạng như tin đồn, rỉ tai như hiện nay, không rõ thực hư thế nào" - một nhà đầu tư nói.



vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường