Vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, ở cả các nước sản xuất cũng như các thị trường nhập khẩu. Đối mặt với sự gia tăng những rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu lớn, các nước sản xuất đều chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, và gia tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến thay vì tôm nguyên liệu.
Đôla Mỹ mất giá gây bất ổn đối với thị trường thuỷ sản thế giới, vì nó làm cho lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm. Khi đồng USD giảm giá, các nhà xuất khẩu thủy sản Bắc Mỹ có nhiều lợi thế trong đàm phán xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản Mỹ nói chung gặp nhiều khó khăn do Mỹ nhập khẩu phần lớn thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thỏa thuận nhập khẩu thủy sản phần lớn căn cứ vào USD.Ngoài ra, các sản phẩm cá hồi, cá sòng, tôm hùm và nhiều loài cá thịt trắng khác của Mỹ phải cạnh tranh gay gắt trên các thị trường khác.
Sự biến đổi khí hậu trái đất đang ngày càng ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt và thu nhập của nghề khai thác thủ công và thương mại. Nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nguồn lợi thuỷ sản. Hệ sinh thái sẽ thay đổi đáng kể và ở nhiều nơi sẽ xảy ra sự thay đổi phân bố của các loài thuỷ sản, làm cho việc đánh bắt cá tự nhiên trở nên khó khăn hơn.
Cá ngừ:
Giá cá ngừ năm 2007 liên tục duy trì ở mức cao do sản lượng khai thác toàn cầu trong xu hướng giảm, do hiện tượng “La Nina” ở vùng biển Đại Tây Dương. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này còn kéo dài tới tháng 4 năm 2008 và do đó có thể có những hậu quả khó lường đối với ngành cá ngừ. Các tàu lưới vây của EU hoạt động ở vùng biển Ấn Độ cũng đang trải qua mùa khai thác tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua. Cá ngừ được sử dụng phổ biến trong ngành chế biến đồ hộp. Nhập khẩu cá ngừ vào Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh trong mùa hè – mùa tiêu thụ đồ hộp. Ngoài các thị trường lớn như EU và Nhật Bản, thị trường Trung Đông cũng rất tiềm năng cá ngừ. Lượng nhập khẩu rất lớn, song Trung Đông chưa thu hút được sự quan tâm mang tính chiến lược của các nhà sản xuất cá ngừ hàng đầu trên thế giới mà lẽ ra thị trường này có thể có.
Giá cá ngừ đã liên tục tăng trong 3 năm qua, đạt đỉnh cao 2.200 USD/tấn vào tháng 3/2007, và từ đó đến nay luôn dao động ở mức 1.500-2000 USD/tấn chứ không giảm hơn nữa. Hiện giá cá ngừ vây vàng nguyên con đạt 1.950 euro/tấn, còn cá ngừ vằn tại Thái Lan cũng đã tăng tới 1.500 USD/tấn.
Mực ống:
Thị trường mực ống năm 2007 rơi vào tình trạng giá giảm, nguồn cung tăng. Giá mực ống Illex tại thị trường Tây Ban Nha cuối năm giá bán là 2,15 EUR/kg, thấp hơn 1,2 EUR/kg so với mức giá của 1 năm trước đây. Dự báo, trong vòng 4-5 tháng tới, không có cải thiện đáng kể nào về giá mực ống.
Tính đến nay, tổng sản lượng khai thác mực ống tại Tây Nam Đại Tây Dương đạt 350.000 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2000. Áchentina có vụ khai thác đạt kết quả tốt nhất trong vòng 5 năm qua, 203.700 tấn trong nửa đầu năm 2007, so với 290.000 tấn của cả năm 2006. Sản lượng cao khiến giá mực giảm, đặc biệt ở thị trường Nhật. Tổng nhập khẩu mực ống vào Nhật 8 tháng đầu năm 2007 đạt 54.000 tấn, tăng khoảng 10.500 tấn so với cùng kỳ năm 2006. Tổng nhập khẩu mực ống của Nhật năm 2007 ước đạt mức kỷ lục mới 70.000 tấn. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với 19.500 tấn, tăng 15% so với 2006.
Cá rô phi:
Sản lượng các rô phi thế giới tuy chưa nhiều nhưng đang tăng rất nhanh, có khả năng đạt 4 triệu tấn trong thời gian ngắn, vượt cả sản lượng cá hồi. Tuy nhiên, khối lượng thương mại cá Rô phi lại khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng, còn phần lớn tiêu thụ nội địa. Mỹ là thị trường nhập khẩu chính, còn nhập khẩu của EU ước tính chỉ khoảng 10-15.000 tấn. Không chỉ Mỹ, thị trường EU là cũng đang mạnh dần, với nhiều sản phẩm hơn đến từ châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan và Inđônêxia.
Đây là một thị trường rất tiềm năng, với sản lượng dồi dào, và giá rẻ.
Bột cá:
Thị trường bột cá thế giới năm 2007 không sôi động do giá cao làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Suốt trong 10 tháng đầu năm, tiêu thụ trì trệ, nhất là ở Trung Quốc. Nhu cầu yếu khiến giá bột cá có chiều hướng giảm. Đây là điều ngạc nhiên khi mà trên thị trường thế giới, nhu cầu và giá của các loại thức ăn đang tăng. Đầu tháng 11/2007, giá bột cá là 900 USD/tấn, thấp hơn so với 980 USD/tấn năm 2006. Thêm vào đó, tình hình thị trường ảm đạm ở Trung Quốc, bệnh cá hồi ở Chilê và sự mất mùa trong ngành nuôi trồng thủy sản đã khiến cho thị trường bột cá ảm đạm. Tuy nhiên, thị trường thay đổi hoàn toàn từ giữa tháng 11, với nhu cầu mua của Trung Quốc đột ngột tăng, giá đã tăng mạnh từ đó tới nay, trên 1000 USD/tấn. Trung Quốc vẫn nhập khẩu chủ yếu là bột cá Mỹ Latinh.
Dự báo giá có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới bởi sự hạn chế về nguồn cung cấp. Hiện tượng La Nina khiến nhiệt độ nước biển giảm được dự báo sẽ ảnh hưởng tới ngành khai thác cá trỏng trong những tháng tới và sản lượng sẽ thấp hơn dự kiến.