Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thủy sản Nga năm 2007
13 | 02 | 2008
Theo Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga, dự báo từ năm 2006 - 2009, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành sản xuất thủy sản của Nga sẽ đạt khoảng 1,5 - 2%...


Tổng quan thị trường

Sản lượng thủy sản của Nga tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm nên không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Theo dự báo, sản lượng thủy sản năm 2007 của nước này sẽ giảm nhẹ, và Nga sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thủy sản nhập khẩu.

Năm 2006, nhập khẩu cá và các sản phẩm thủy sản khác của Nga đạt mức kỷ lục 1,2 tỉ USD, thâm hụt thương mại tăng tới 680 triệu USD. Trước tình hình đó, Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga đang kêu gọi chính phủ thực thi hàng loạt biện pháp và chính sách mới nhằm tăng lợi nhuận và tính hiệu quả của ngành. Những biện pháp được đề xuất bao gồm thay đổi cơ chế phân bổ hạn ngạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giải quyết triệt để nạn khai thác bất hợp pháp.

Theo Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga, dự báo từ năm 2006 - 2009, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành sản xuất thủy sản của Nga sẽ đạt khoảng 1,5 - 2%. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng thủy sản lên 4,7 triệu tấn vào năm 2010.

Thương mại

6 tháng đầu năm 2007, nhập khẩu cá và các sản phẩm từ cá của Nga đạt 527 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2006. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản giảm 48% xuống còn 84 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu thuỷ sản trọng điểm của Nga trong nửa đầu năm 2007 chủ yếu nằm ở khu vực Ðông Á như Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 31 triệu USD, chiếm 36% tổng xuất khẩu thuỷ sản; Hàn Quốc: 17 triệu USD (20%); Nhật Bản: 15 triệu USD (18%). Na Uy là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho Nga với kim ngạch xuất khẩu đạt 154 triệu USD. Tiếp sau là Ðan Mạch: 54 triệu USD và Chilê: 43 triệu USD.

Theo thống kê của Cục Hải quan Nga, năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nga đạt 525 triệu USD, tăng 15% so với năm 2005, trong khi nhập khẩu đạt 1,205 tỉ USD, tăng 27%. Nhu cầu đối với thủy sản quá lớn trong khi khả năng cung ứng của thị trường nội địa lại quá yếu buộc Nga phải tăng nhập khẩu. Kết quả là thâm hụt thương mại của Nga đã tăng lên tới 680 triệu USD.

Ngoài ra, việc áp dụng các chính sách không đồng bộ, thiếu đầu tư thích đáng cho ngành và không thực hiện nghiêm chỉnh luật lệ đã làm giảm đi khả năng cạnh tranh của Nga trước các nhà cung cấp khác.

Các rào cản thương mại

Những biện pháp mà Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) đang áp dụng cho thấy nỗ lực của Bộ Nông nghiệp nước này trong việc hạn chế số lượng đối tượng tham gia vào thị trường cũng như thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại.

VPSS áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu cho tất cả các nước xuất khẩu thủy sản sang Nga, điển hình nhất là Na Uy, với lý lẽ là bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguồn thủy sản nhập khẩu kém chất lượng. Với cơ chế tăng cường kiểm tra như hiện nay, giá bán lẻ thủy sản nhập khẩu ở Nga dự kiến sẽ tăng 10-20%.

Một trong những biện pháp mới mà VPSS áp dụng là việc đàm phán với các nước xuất khẩu về chứng thư vệ sinh mới. Chứng thư mới được bổ sung thêm nhiều qui định nhằm đối phó với tình trạng gian lận về giấy tờ, sổ sách đang ngày càng gia tăng.

Tính đến tháng 11/2007, VPSS đã tiến hành 3 đợt kiểm tra điều kiện vệ sinh tại các cảng cá, chợ cá, các cơ sở nuôi và chế biến thuỷ sản của Việt Nam. Sau đợt kiểm tra lần thứ 1 diễn ra từ ngày 13 - 28/3, Nga đã chính thức từ chối nhập khẩu thuỷ sản từ 4 công ty của Việt Nam.

Đến tháng 11/2007, sau 2 đợt kiểm tra liên tiếp các cơ sở chế biến mới và việc khắc phục những vi phạm trong đợt kiểm tra trước, VPSS đã cho phép 24 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Nga.

Ngoài Việt Nam, VPSS còn tiến hành kiểm tra điều kiện vệ sinh của các cơ sở chế biến thuỷ sản, cảng cá... của các nước khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Hiện nay, Nga đang tiến hành thanh tra Chilê và Ôxtrâylia. VPSS dự định hoàn tất việc thanh tra các cơ sở thủy sản nước ngoài vào cuối năm 2007.

Tiêu thụ

Cùng với kinh tế phát triển, 6 tháng đầu năm 2007, thu nhập sau thuế và tiền lương của người dân Nga tăng nhanh chóng, cao hơn mức năm ngoái 11%. Tỉ lệ thất nghiệp của Nga năm nay cũng thấp hơn 7% so với năm ngoái. Những yếu tố này sẽ giúp kích cầu tiêu thụ thủy sản ở Nga.

Tiêu thụ thủy sản của Nga hiện nay đạt 12kg/người và nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi mức tiêu thụ lên 23kg/người vào năm 2010.

Hiện tại, các cơ sở chế biến ở Nga đang đứng trước yêu cầu đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng và các sản phẩm chất lượng cao của thị trường trong nước. Do vậy, nhập khẩu các sản phẩm như philê, tẩm gia vị, cắt khúc và ướp muối vào Nga chiếm thị phần ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, thu nhập tăng cao cùng với sự đa dạng của các mặt hàng thủy sản, đặc biệt ở hai thành phố lớn của Nga là Maxcơva và St.Peterburg, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng cao cấp như tôm, cua, điệp, mực ống và vẹm sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay, tiêu thụ các mặt hàng này ở Nga có mức tăng trưởng trên 30%/năm.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường