Tờ báo trực tuyến Á Châu cho rằng việc mở rộng cam kết đồng nghĩa với việc mở rộng hơn nữa mối quan hệ đang rất tiến triển giữa hai đối tác kinh tế chính trị Mỹ - Việt. Trong khi giới doanh nghiệp Mỹ vui mừng nhìn thấy cơ hội đang mở ra ở quốc gia Châu Á một thời là thù địch, thì đối với Việt Nam việc vượt qua cửa ải Washington, tiến vào WTO cũng chính là việc giành được sự thừa nhận quốc tế đối với chính sách Đổi mới mà Hà Nội theo đuổi lâu nay. Với mức tăng trưởng 8,4% hiện nay, Việt Nam đang trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư quốc tế, và bằng việc hội nhập WTO lần này sẽ mở ra những bước chuyển mình mới. Cũng theo giới quan sát, tin tức hội nhập WTO sớm xóa bỏ những hoài nghi về nguy cơ thua thiệt của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi chuyến tàu đưa nền kinh tế này mắc kẹt trước những đòi hỏi mới từ Mỹ, Australia và New Zealand. Ngay sau những tin tức về hội nhập, các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, với mức thu nhập 500 USD/người hiện nay và những cơ hội mới đã đổ về từ WTO nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm "lột xác".
Tuy nhiên, cũng theo giới kinh tế quốc tế, để có được những bước phát triển bền vững đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động hơn nữa trong việc lắm bắt cơ hội, tránh rơi vào cái "bẫy Mexico". Nhất là lúc này - giống như Mexico trước kia, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước áp lực mạnh mẽ từ sự đổ bộ của hàng hóa, dịch vụ ngoại. Làm thế nào để nắm giữ được những cơ hội, trong khi khéo léo tránh được những va vấp là việc làm tối cần thiết đối với Việt Nam lúc này, nhất là khi việc nắm bắt các thông tin về luật pháp quốc tế, về lộ trình hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn rất hạn chế.
Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế: mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc hội nhập WTO đối với việc phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, nhưng trên thực tế với quy mô nhỏ lẻ, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần mới chỉ dừng lại ở mức thụ động hưởng thụ thay vì giành giật cơ hội một cách có bài bản.
Đặc biệt, theo một số chuyên gia thế giới, trong thời gian trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn được bao bọc, chở che nhờ hàng rào lộ trình mở cửa. Nhưng chỉ thời gian ngắn tới, những chiến thuật hoãn binh kiểu như thế sẽ không còn tác dụng, nên việc sống - còn phụ thuộc chính vào khả năng chủ động của từng doanh nghiệp. Hơn thế nữa, trong lĩnh vực hàng hóa, tuy có sự trì hoãn thậm chí là lập hạn ngạch trong một số hàng nhập, nhưng nhìn tổng thể thì hơn 560 trang "Lộ trình Nhượng bộ và Cam kết Hàng hóa" mà chúng ta đã cam kết sẽ là nền tảng pháp lý buộc Việt Nam rõ bỏ những rào cản thuế, lẫn trợ cấp.
Mặt khác, để vào được WTO, Việt Nam đã phải chấp nhận mở cửa hoàn toàn thị trường công nghệ thông tin, dựa theo Hiệp định Công nghệ. Ở một số lĩnh vực khác, tuy có kéo dài được thêm thời gian chuẩn bị, song việc hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế xuống mức 0% cũng buộc phải thực thi trong khoảng từ 2008 - 2014.
Bởi thế, việc giật được vận may, cơ hội từ hội nhập lúc này tùy thuộc vào việc chuẩn bị, sự nhạy bén của nền kinh tế nói chung, và doanh nghiệp nói riêng. Có nắm bắt tốt cơ hội, doanh nghiệp mới thực sự trưởng thành, và lúc đó công cuộc đổi mới mới thực sự thành công.