Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo 2008: Điều hành thận trọng
20 | 02 | 2008
Các bộ: Công thương, NN-PTNT hiện vẫn chờ quy chế điều hành xuất khẩu gạo năm 2008, do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, công việc này cần hết sức thận trọng và có lưu ý đến việc mất mùa có thể xảy ra ở các tỉnh phía Bắc.

Giá xuất khẩu đang ở thế có lợi

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng khá mạnh. Nếu như đầu tháng giêng năm nay, gạo 5% tấm giá chỉ 355 USD/tấn thì tới ngày 4/2, mức giá xuất khẩu của loại gạo này đã lên tới 400 USD/tấn, tăng 95-100 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái từ - mức giá cao kỷ lục mới của gạo xuất khẩu. Dưới đây là bảng giá gạo Việt Nam xuất khẩu (tham khảo) tính đến đầu tháng 2/2008.

Chủng loại gạo
Thời gian giao hàng
Tháng 2/2008Tháng 3/2008
5% tấm400 USD/T410 USD/T
10% tấm395 USD/T405 USD/T
15% tấm390 USD/T400 USD/T

Còn theo số liệu từ Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), giá gạo tại An Giang cũng đang tăng: lúa tăng 50 đồng/kg lên 3.850 đồng/kg so với thời điểm trước Tết. Đặc biệt, với gạo làm nguyên liệu xuất khẩu, giá tăng mạnh từ 300-600 đồng/kg, điển hình là gạo 5% tấm lên 6.000 đồng/kg, gạo 10% tấm là 5.930 đồng/kg và 25% tấm là 5.730 đồng/kg.

Trong khi đó, các tỉnh phía Nam (gồm ĐBSCL và Đông Nam Bộ) từ cuối tháng 1, đầu tháng 2 bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân đến nay đã được 14% diện tích (khoảng 1,58 triệu ha) và thu hoạch rộ vào đầu tháng 3.

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm nay, vụ đông xuân ở phía Nam được mùa, năng suất cao (trừ một số diện tích nhỏ bị rầy nâu). Như vậy, kể từ tháng 3 và tháng 4, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên dồi dào. Song, giá gạo xuất khẩu sẽ vẫn đứng ở mức cao bởi cán cân cung - cầu trên thế giới đang nghiêng mạnh về phía nhà sản xuất.

Do giá gạo 5% tấm xuất khẩu tăng từng ngày và các hợp đồng đăng ký có thời hạn giao hàng trong tháng 2/2008 đến nay số lượng đã nhiều trong lúc thời vụ thụ hoạch đông xuân mới bắt đầu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa đề nghị các DN thành viên tạm ngừng đăng ký tiếp các hợp đồng gạo trắng các loại có thời hạn giao hàng trong tháng 2/2008 để chờ những mức giá tốt hơn. Riêng nếp và gạo thơm cho đăng ký bình thường. Các hợp đồng có thời hạn giao hàng từ tháng 3/2008 chờ hướng dẫn mới của Bộ Công thương.

Thời gian qua, việc ký kết, đấu thầu xuất khẩu gạo của các DN Việt Nam cũng khá thuận lợi khi các DN vừa trúng thầu xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Philippines, nâng tổng số lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài trong năm nay lên hơn 700.000 tấn. Tính đến giữa tháng 2, các DN đã xuất khẩu được khoảng 160.000 tấn gạo với mức giá tốt.

Điều hành xuất khẩu cần thận trọng

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, hiện các Bộ: NN-PTNT và Công thương vẫn đang phải chờ quy chế điều hành xuất khẩu gạo 2006, do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các đơn hàng mà DN Việt Nam ký kết vừa qua là thực hiện hợp đồng từ trước cho đến tháng 2. Những hợp đồng mới sẽ được điều tiết theo quy chế xuất khẩu 2008.

Thứ trưởng lưu ý, việc điều hành xuất khẩu gạo năm nay cần hết sức thận trọng và có lưu ý đến việc mất mùa có thể xảy ra ở miền Bắc (do giá rét). Bộ Công thương đã lên kế hoạch với các công ty lương thực lớn, như Công ty Lương thực miền Nam, để có kế hoạch điều tiết gạo ra miền Bắc khi cần thiết.

Trao đổi với PV.VietNamNet, Phó Cục trưởng Phan Huy Thông nói rằng, chưa thể nói trước được sản lượng lúa đông xuân phía Bắc sẽ ra sao vì phải chờ đến giữa tháng 3, khi công việc gieo cấy, chăm sóc bước đầu được hoàn tất. Ông Thông cho biết, lo nhất là khi cấy lúa muộn, lúc cây trổ bông hạt dễ bị lép do nắng nóng - mà xác suất này là rất cao.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực dự báo giá gạo còn tăng cao do nhu cầu tăng mạnh trên thị trường thế giới. Điển hình là cầu gạo từ châu Phi và khu vực Trung Đông (do hạn hán và dân số tăng) lên cao ngay trong những tháng đầu năm. Hơn nữa, theo ông Thông, thời tiết giá lạnh không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả Trung Quốc cũng mất mùa do giá rét. Do vậy, xu hướng lương thực khan hiếm, giá tăng dễ xảy ra. Ngoài ra, nguồn cung cũng khan hiếm tại một số nước xuất khẩu gạo khiến Thái Lan, sau một thời gian đẩy mạnh xuất khẩu, đã phải mở cửa cả kho dự trữ.

Năm 2007, Việt Nam xuất khẩu được 4,5 triệu tấn gạo. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhận xét, trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, đã có lúc Việt Nam thực hiện rất nghiêm ngặt để khống chế số lượng gạo xuất khẩu hàng tháng và hàng quý nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giá cả trong nước.

Điển hình như năm ngoái, khi miền Trung bị lũ lụt, bên cạnh gạo việc xuất gạo dự trữ, Bộ Công thương đã phải điều chuyển gạo từ miền Nam ra để cân đối thị trường.

Do vậy, năm nay, Bộ Công thương đã thống nhất với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực, một số tỉnh xuất khẩu gạo ĐBSCL đề xuất cơ chế xuất khẩu gạo trình Chính phủ xem xét. Nguyên tắc chung là điều hành xuất khẩu gạo đề đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo đời sống người dân. Không để xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến giá gạo trong nước. Việc xuất khẩu gạo cũng phải cân đối lợi ích 3 nhà: Nhà nước - DN - nhà nông.

"Việc xuất khẩu gạo năm nay sẽ tiếp tục được điều tiết thận trọng, hướng tới các thị trường tập trung là bạn hàng lâu năm. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu có thể không tăng và có thể giảm so với năm 2007. Hiện một số nước có yêu cầu cao nhưng chúng ta chỉ có thể đáp ứng được trong khả năng có thể. Philippines yêu cầu 1,5 triệu tấn nhưng ta chỉ đáp ứng được 1 triệu tấn. Đối với các thị trường lớn, cần đáp ứng để giữ thị phần lâu dài; đồng thời, tăng xuất khẩu thương mại", Thứ trưởng Biên nói.

Năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy giảm về số lượng (2%) so năm 2006 nhưng lại kim ngạch lại tăng tới 15%. Đó là nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm đạt 295 USD/tấn, cao hơn mức giá bình quân năm 2006 tới 41 USD/tấn.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường