Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Nóng ruột" vì lúa gạo sốt giá?
27 | 02 | 2008
Giá lúa gạo trong và ngoài nước đang tiếp tục “leo thang” do “cầu” vẫn tăng mạnh, trong khi “cung” tương đối trầm. Giá tăng cao là cơ may cho các DN và người nông dân. Tuy nhiên, cũng không ít người sốt ruột, âu lo.

Giá tăng cho đến tháng 3?
Giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu đang lên một “cơn sốt” thực sự. Mới hồi đầu tháng 2, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đã đạt mức kỷ lục là 400 USD/tấn thì tới nay, kỷ lục đó đã bị bỏ lại khá xa khi mà giá gạo 5% tấm đến ngày 22/2 đã lên tới 460 USD/tấn. Gạo 25% tấm là 418 USD/tấn.

Mức giá mới này khiến cho nhiều nhà xuất khẩu gạo lâu năm cũng phải giật mình, ngỡ ngàng. Theo dự báo của các chuyên gia xuất khẩu gạo, ít nhất từ này tới tháng 3/2008, giá gạo trắng các loại của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung sẽ còn tiếp tục tăng nữa bởi nhu cầu nhập khẩu đang tăng cao.

Theo thông báo từ Cơ quan Lương thực Philippines, ngày 11/3 tới đây, cơ quan này sẽ tiếp tục mở một đợt thầu mới với khối lượng gạo định mua là 550.000 tấn (450.000 tấn gạo 25% tấm, 50 ngàn tấn gạo 15% tấm và 50.000 tấn gạo 5% tấm), giao hàng từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay. Trong khi đó, nguồn cung từ Thái Lan đang rất hạn chế bởi nước này chưa vào vụ mới, còn các nhà xay xát lại găm hàng để đẩy giá lên.

Còn ở Việt Nam, dù lúa ĐX chính vụ ở ĐBSCL đã thu hoạch được gần 200.000 ha, nhưng do nhu cầu thu mua để xuất khẩu quá cao, nên giá lúa vẫn tăng lên từng ngày, và đã đạt mức 4.000-4.200 đ/kg. Trong khi đó, giá gạo thường, loại rẻ nhất ở TP HCM đã tăng lên tới 6.700 đ/kg, gạo thường tại vựa lúa An Giang từ 6.200-6.700 đ/kg. Với nhu cầu hiện đang quá cao trên thị trường gạo thế giới hiện nay, trong thời gian tới, nhiều khả năng những mức giá lúa gạo trong nước nói trên sẽ còn tiếp tục bị “phá” nữa.

Nóng ruột vì giá gạo lên?


Trước những biến động liên tục của giá gạo xuất khẩu, trong những ngày qua, Hiệp hội Lương thực VN đã có văn bản chính thức đề nghị tất cả các doanh nghiệp thành viên tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trắng các loại có thời hạn giao hàng ngay trong tháng 2. Còn các hợp đồng có thời hạn giao hàng từ tháng 3/2008 thì phải chờ hướng dẫn mới của Bộ Công thương.

Và trên thực tế, chẳng cần nhắc thì ngoài việc thực hiện những hợp đồng giao hàng trong tháng 2 này, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt Nam cũng đang “án binh bất động”, chờ đợi biến động giá cả trên thị trường thế giới.

Một số doanh nghiệp lại đang nóng ruột trước tình hình giá gạo xuất khẩu tăng lên từng ngày. Đây là những doanh nghiệp đã trúng thầu hợp đồng xuất khẩu 410.000 tấn gạo 25% tấm vào ngày 21/12/2007. Theo hợp đồng, lô gạo này được giao từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2008. Và khi ký hợp đồng, với mức giá 372 USD/tấn (giá FOB), đã có thể coi là giá tốt. Nhưng đến giờ, rõ ràng với hợp đồng đó các DN phải chịu thiệt hại không nhỏ.

Theo bà Trương Thị Nguyệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, một số doanh nghiệp đã sớm giao được gạo (trong lô 410.000 tấn nói trên) cho nước ngoài từ hồi tháng 1 thì khá ổn, còn những doanh nghiệp đến bây giờ mới giao hàng cầm chắc lỗ, vì giá lúa gạo trong nước bây giờ đã cao hơn nhiều so với lúc họ ký hợp đồng xuất khẩu.

Nhưng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như trên, không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam. Theo tin từ Hiệp hội các nhà Xuất khẩu gạo Thái Lan, nhiều nhà xuất khẩu của nước này đang phải hoãn thời hạn giao gạo so với hợp đồng đã ký. Một số nhà xuất khẩu thậm chí không thể giao hàng vì càng giao càng lỗ.




Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường