Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội “vàng” cho hồ tiêu Việt Nam
27 | 02 | 2008
Ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng khi có thể chi phối và quyết định giá trên thị trường hạt tiêu thế giới, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí.
Ông nói: “Nguồn cung hồ tiêu trên thị trường đang thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu. Giá tiêu dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong ít nhất ba năm tới. Việt Nam hiện chiếm đến 60% nguồn cung thị trường. Ngay các nhà kinh doanh hồ tiêu quốc tế cũng thừa nhận chỉ cần ngành hồ tiêu Việt Nam “hắt hơi” hay “sổ mũi” cũng ảnh hưởng đến thị trường hồ tiêu thế giới”.

Thưa ông, Việt Nam cần tổ chức sản xuất như thế nào cho cây tiêu đứng vững vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới?

Do nông dân mỗi vùng có cách sản xuất khác nhau dẫn đến chất lượng chung không ổn định, dù tiêu Việt Nam có chất lượng tốt. Cách tốt nhất để ổn định chất lượng hạt tiêu là mỗi vùng xây dựng thương hiệu, tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng theo cùng quy trình kỹ thuật, cách bảo quản để có chất lượng ổn định.

Phối hợp “4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà báo) sẽ giúp cây tiêu đứng vững hơn. Mô hình tại Chư Sê (Gia Lai) áp dụng rất thành công, hạt tiêu chất lượng lúc nào cũng bán được giá cao.

Không nên phát triển thêm diện tích trồng mới, dừng ở mức hợp lý khoảng 50.000 ha (sản lượng 100.000 tấn), cũng không nên nghĩ Việt Nam sẽ độc quyền thị trường tiêu mà cùng với các nước ổn định thị trường (sức mạnh tập thể sẽ tốt hơn).

Theo ông, cách hợp lý nhất để ổn định giá tiêu, hạn chế rủi ro cho nông dân là gì?

Các nước xuất khẩu tiêu chỉ có vài nhà xuất khẩu, rất đoàn kết điều tiết giá thị trường, trong khi Việt Nam thường bán ồ ạt với bất kỳ giá nào. Cần tránh trường hợp gây tâm lý hoảng sợ. Nông dân cũng không quá vội vàng, nếu giá xuống thì hạn chế bán, giá lên thì bán từ từ ra thôi. Chính phủ cần dành khoản tiền cho vay thu mua, trữ hàng bán theo nhu cầu thị trường, như vậy sẽ ổn định giá và tăng khả năng cạnh tranh.

Cũng cần nhìn nhận một điều là trước đây hồ tiêu Việt Nam chủ yếu được bán qua trung gian, vì thế giá thấp hơn so với các nước 200-250 USD/tấn. Tuy nhiên, tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều.

Trong năm 2007, giá bán tiêu của Việt Nam đã ngang với giá tại các nước, thậm chí có thời điểm cao hơn giá tại nhiều nước. Có đến hơn 50% lượng hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu hiện được bán trực tiếp cho những nhà cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gia vị tại các nước. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, khả năng chi phối giá cả thị trường cũng được mở rộng.

Một dấu hiệu rất tích cực nữa là một số nước sản xuất hồ tiêu như Indonesia, Malaysia... đã đặt vấn đề hợp tác phát triển, đảm bảo giá có lợi cho người trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đầu tư vào ngành hồ tiêu Việt Nam, cả chế biến lẫn phát triển thị trường.

Do đó trong tương lai gần, theo tôi, hạt tiêu Việt Nam sẽ không còn phụ thuộc các nhà buôn trung gian nữa.

Vậy theo ông, ngành hồ tiêu Việt Nam phải làm gì để biến cơ hội “vàng” này thành hiện thực?

Theo tôi, các doanh nghiệp phải chấm dứt tranh mua, tranh bán, gây khó cho nhau và thiệt hại cho cả nông dân. Thay vào đó, doanh nghiệp nên ngồi lại cùng lên kế hoạch mua, bán cụ thể để chủ động điều tiết thị trường. Không nên mạnh ai nấy bán, sẽ bị ép giá.

Để có thể chủ động được kế hoạch xuất hàng, trước hết doanh nghiệp phải có vốn để điều tiết việc mua hàng, rồi kho hàng để dự trữ... Nếu giải quyết được vấn đề vốn, kho hàng..., ngành hồ tiêu sẽ hạn chế được tình trạng có hàng vào vụ thu hoạch, nguồn cung tăng nhưng không mua khiến nông dân bị ép giá.

Mới đây, các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu đã ngồi lại mổ xẻ tất cả những vấn đề nêu trên, bước đầu đã tìm được tiếng nói chung. Tôi cho rằng nếu thật sự đoàn kết, các nhà kinh doanh hồ tiêu Việt Nam sẽ có đủ khả năng nắm bắt được cơ hội “vàng” này.

 



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường