Thưa ông, tại sao trong lúc các hệ thống bán lẻ khác đề cao xu hướng khai thác các giá trị gia tăng, tặng thêm phần “dịch vụ” cho người tiêu dùng thì Big C lại quay trở lại với một chiến lược khá cũ: “giá”?
Nhiệm vụ hiển nhiên của nhà bán lẻ là làm khách hàng hài lòng bằng chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hoá, tiện nghi mua sắm, sự tận tuỵ của nhân viên… Vượt lên tất cả, điều khách hàng mong muốn nhất khi mua sắm luôn là có được mức giá rẻ. Trong bối cảnh giá cả thị trường ngày càng tăng, giá sẽ là yếu tố quyết định tạo nên doanh thu và sức mua cho siêu thị. Giá trị gia tăng của chúng tôi thể hiện ở sự khác biệt: làm thế nào có mức giá rẻ cho khách mua, có thể là dựa vào lợi thế quy mô, kỹ thuật đàm phán thương lượng, cắt giảm chi phí quản lý… Khách hàng sẽ nhận được kết quả là từ ngày 28.9.2007, hệ thống siêu thị Big C sẽ giảm giá cho 300 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với mức giảm từ 1 _ 10%, chúng tôi có thể giảm giá thêm tuỳ điều kiện thị trường nhưng đảm bảo sẽ không tăng giá cho đến 31.12.2007. Nhiều sản phẩm khác sẽ được giảm giá 1 _ 2% so với giá bán lẻ quy định của nhà cung cấp.
Ông nghĩ về thế cạnh tranh với các hệ thống siêu thị khác đang có ở Việt Nam như thế nào?
Big C chỉ nhìn khách hàng và không nhìn các nhà đầu tư khác. Chúng tôi tập trung cho khách hàng, làm cho khách đã đến thì nhớ và không đi nơi khác nữa vì đơn giản chỉ ở Big C mới có những loại hàng đó. Để tạo ưu thế bán hàng riêng, từ nay đến cuối năm, hệ thống Big C sẽ lần lượt tung ra thị trường khoảng 60 mặt hàng do Big C sản xuất độc quyền với thương hiệu “WOW giá hấp dẫn”, và đạt 250 mặt hàng vào 2008.
Nền tảng văn hoá kinh doanh của chúng tôi được xây dựng dựa trên các giá trị đã được thừa nhận theo thời gian: hài lòng khách hàng, minh bạch, trách nhiệm, đổi mới và tương trợ.
Big C ở Việt Nam không chỉ bán lẻ cho người tiêu dùng, chúng tôi tạo điều kiện cho nhà sản xuất Việt Nam xuất khẩu hàng hoá _ đã đưa 730 container hàng Việt Nam vào bán ở các siêu thị nước ngoài (trong năm 2006) và dự kiến sẽ bán 3.000 container cà phê, thuỷ hải sản, hàng may mặc, hạt điều… và nhiều sản phẩm khác vào năm 2010.
Chúng tôi luôn khẳng định với khách hàng, mình là một tập đoàn đầu tư cho tương lai, tạo ra việc làm, chuyển giao công nghệ và tri thức trên cơ sở phát huy các kinh nghiệm lâu năm của tập đoàn Casino, phát triển hệ thống hậu cần cho ngành bán lẻ…
Tại sao trong lúc mở rộng hệ thống trung tâm thương mại, ông lại tiến hành giảm số lượng xe tải giao hàng?
Casino là một trong những tập đoàn bán lẻ có thế mạnh về kỹ năng hậu cần, chúng tôi muốn giúp các nhà cung cấp nhỏ quen dần hình thức tổ chức bán lẻ thông qua trang thông tin điện tử EDI.
Khi giảm số lượng xe tải giao hàng, chúng tôi muốn góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, giúp nhà cung cấp nhỏ giảm chi phí hậu cần, giảm thiểu phí vận chuyển cũng sẽ giúp giảm giá bán; giảm thời gian vận chuyển giúp đảm bảo chất lượng hàng hoá và tối ưu hệ thống bảo quản lạnh.
Quy trình hậu cần này đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng giỏi hơn nữa. Big C mong muốn trở thành nhân tố có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực tham gia vào đời sống xã hội Việt Nam và theo sát các mối quan tâm của xã hội.
Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn