Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống lạm phát từ thay đổi tư duy quản lý kinh tế
07 | 03 | 2008
Việt Nam hiện đang mắc những căn bệnh của một nền kinh tế trưởng thành, trong đó có lạm phát. "Chữa căn bệnh" đó thế nào? Ý kiến của TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, và TS. Vũ Thành Tự Anh, GĐ nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại VN.
Trong cuộc trao đổi tại Bàn tròn Trực tuyến: Giảm lạm phát và các mối liên quan với VietNamNet chiều qua (6/3/2008), các chuyên gia kinh tế đã khẳng định nhiệm vụ ưu tiên số một đặt ra là nhanh chóng khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô. Để giải quyết, cần phải thống nhất, chọn trọng tâm rõ, giải quyết nhanh, có hành động cụ thể, quyết đoán và phối hợp đồng bộ. Về lâu dài, Việt Nam cần giải pháp căn cơ hơn về tư duy kinh tế, đảm bảo thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, kể cả hệ thống ngân hàng.

Mục tiêu lạm phát dưới tăng trưởng: Tự đặt vòng kim cô

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, tình hình lạm phát đang ở mức báo động, tác động đến mọi lĩnh vực, đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh và một phần nào đó tác động đến tăng trưởng.

Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp có hiệu ứng tốt, có khả năng tạo chuyển biến mới, ngăn chặn những vấn đề phát sinh. Nếu tiến hành các biện pháp cùng chiều, Việt Nam sẽ giải quyết được vấn đề, ông Kiêm tin tưởng..

Nguyên Thống đốc NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận, mức giảm lạm phát nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng điều hành, thực hiện, chỉ đạo của Việt Nam.

Nếu giải quyết được lạm phát và khai thác được những nhân tố tích cực, Việt Nam có khả năng đạt mức tăng trưởng như đã đặt ra. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát dưới tăng trưởng khó thực hiện. Ngay cả khi có thể giảm nhanh, cơ bản, chỉ số lạm phát vẫn khó đạt mức dưới 8%. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, dưới 10% là mức lạm phát có thể chấp nhận.

TS. Vũ Thành Tự Anh lại cho rằng, Việt Nam không thể có được lạm phát một con số. 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 6%, cuối năm giá tăng lên, con số 10% lạm phát là khả thi. Thậm chí, nếu không có biện pháp thực sự kiên quyết, mục tiêu đạt chỉ số lạm phát dưới năm 2007 (12%) cũng khó thực hiện được

Ông Tự Anh cho rằng, việc đặt mục tiêu lạm phát thấp hơn tăng trưởng cũng không cần thiết và không có cơ sở. "Việt Nam không nên tự đặt vòng kim cô cho mình".

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc có thể thấy đang có điều chỉnh tố độ tăng trưởng xuống, mặc dù chỉ số lạm phát năm 2007 chỉ là 6%. Hơn nữa, tính chủ động và nội lực của nền kinh tế Trung Quốc cao hơn. Với Việt Nam, tiền vốn, vật tư, nhân lực phụ thuộc bên ngoài, nên tác động từ bên ngoài nhanh, mạnh, không đơn giản. Hai chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần xem xét để điều chỉnh mục tiêu chống lạm phát và tăng trưởng cho hợp lí và có thể thực thi được.

"Giải pháp thời gian qua mang tính hành chính, góp phần vào đỡ sốt. Muốn ổn định và phát triển lâu bền, nhất định phải theo thị trường. Làm khác đi, trái đi, trước sau nền kinh tế vẫn phải chịu hậu quả", TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Thắt chặt tiền tệ không trúng

TS Vũ Thành Tự Anh

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam là nước đi sau, lần lượt đi lại căn bệnh của một cơ thể kinh tế trưởng thành. Những bất ổn vĩ mô của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là các chứng bệnh của "người lớn". Do đó, Việt Nam cần nhìn ra xung quanh, soi lại nền kinh tế, để nhìn nhận lại nhà nước nên làm gì và không nên làm gì. Ranh giới của nhà nước đến đâu trong điều chỉnh.

Việt Nam cần có phân tích khách quan, thấu đáo, học kinh nghiệm thế giới, đảm bảo hiệu quả, phân phối công bằng, không vì duy trì vị thế của DNNN nào đó mà hi sinh những mục tiêu khác cao hơn.

Hiện cơ chế phân bổ đầu tư và ra quyết định đầu tư của Việt Nam ít căn cứ vào phương thức kinh tế mà chủ yếu là chính trị và không phải không có tác động của nhóm lợi ích. Ví dụ, những dự án đầu tư liên quan đến các tập đoàn lớn, dự án lớn, không phải ai cũng xin được.

Với cơ chế phân bổ nguồn lực mất cân bằng như hiện nay, Việt Nam khó làm được trong đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư, một giải pháp lâu dài, căn cơ cho tình trạng lạm phát.

Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam phân tích, ngay từ khâu thiết kế, xây dựng dự án, phải có "màng lọc" thẩm định, loại bỏ việc thiếu hiệu quả ngay từ đầu. Khi dự án được triển khai, cần áp dụng các biện pháp đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, tài chính qua cơ chế kiểm tra, giám sát và thẩm định đầu tư công. Nhà nước nên xây dựng một cơ quan độc lập như vậy với dự án vượt qua ngưỡng đầu tư nào đấy.

Trong phân bổ nguồn lực, các DNNN luôn được ưu tiên. Dù đã tiến hành cổ phần hóa, nhưng 20 năm qua, cơ cấu sở hữu không thay đổi bao nhiêu. Chỉ 20% tài sản của các DNNN được tư nhân hóa. Trong khi đó, đi đôi với thay đổi cơ cấu sơ hữu là thay đổi động cơ, quản trị, mục tiêu, trách nhiệm, những thay đổi làm cho kinh tế phát triển.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, vấn đề không chỉ thắt chặt DNNN mà hoạt động kinh tế để quy luật kinh tế chi phối, không gây biến dạng kinh tế, làm giảm hiệu quả.

Với vai trò đầu tàu, bản thân các DNNN cũng phải đi tiên phong trong hỗ trợ chống lạm phát, ông Cao Sỹ Kiêm nói.

DNNN là đối tượng sử dụng vốn lớn của các ngân hàng. Trong tình hình hiện nay, các DNNN có thể xem xét nhượng bớt vốn ấy ra tập trung cho lĩnh vực tư nhân, tập trung cho DN nhỏ và vừa.

Điều này phụ thuộc vào điều hành của nhà nước và tính toán của DN. Vừa qua, Việt Nam áp dụng chính sách tín dụng thắt chặt, trên thực tế là làm khó cho dân doanh.

Để giải quyết về lâu dài, các giải pháp phải tính đến hiệu quả, nguồn vốn đẩy vào nơi cần vốn. Nếu không sẽ gây phản tác dụng, thắt không đúng chỗ.

Theo ông Kiêm, Việt Nam cần tính chỗ nào cần bơm, cần thu về, cần chặt với từng đối tượng và thông thoáng với từng đối tượng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần giải pháp căn cơ hơn về tư duy kinh tế, đảm bảo thực sự bình đẳng, kể cả hệ thống ngân hàng, trong đó xây dựng NHTM cổ phần mạnh hơn, chịu trách nhiệm với đồng vốn cao hơn.

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, có chuyển theo hướng đó, nền kinh tế mới tồn tại nổi. Chúng ta không thể có cách đi khác.

Ưu tiên số 1: khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Cao Sỹ Kiêm
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, những giải pháp Chính phủ vừa đề ra về chủ trương có nhiều vấn đề rất trúng, rất rõ, trong đó có những cái đã được lường đón, đề ra từ cuối 2007.

Vấn đề nằm ở chỗ "thực hiện của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa có phối hợp và trọng tâm xác định chưa rõ, dẫn đến không hiệu quả, đôi khi kết quả trái chiều nhau".

Để giải quyết, điều quan trọng là Việt Nam phải có "chỉ đạo thống nhất, chọn trọng tâm rõ, giải quyết nhanh, hành động cụ thể, quyết đoán".

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, nhìn vào các chính sách đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa thấy dấu hiệu đáng tin cậy. Những giải pháp, định hướng chưa thực sự triển khai thực tế.

"Giải quyết vấn đề lạm phát nên đặt trong bài toán tổng thể, là ổn định tăng trưởng và bền vững", ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh. "Ưu tiên số một hiện nay là khôi phục ổn định vĩ mô của nền kinh tế".

Ông Cao Sỹ Kiêm chỉ rõ, Việt Nam cần triển khai hai loại giải pháp phục vụ mục tiêu lâu dài và trước mắt. Về lâu dài, Việt Nam phải nâng hiệu quả của đầu tư lên; giảm bội chi ngân sách; và cải thiện thanh toán, giảm nhập siêu. Trước mắt, phải làm thế nào tháo được ngòi, xì hơi bất động sản và củng cố, khôi phục lại hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nêu vấn đề, tình trạng bong bóng của thị trường BĐS có mối liên hệ như thế nào đối với lạm phát?

TS Cao Sỹ Kiêm phân tích, giá BĐS tăng do đầu cơ cộng với sự cho vay dễ dãi khi vốn khả dụng ngân hàng nhiều. Việc này cùng với quy hoạch quản lý giá đất đai không tốt dẫn đến cung cầu đất méo mó, có yếu tố ảo, đẩy giá lên ở mức trên không. Sự méo mó này gây rủi ro, áp lực lên lạm phát, nếu không xử lý khéo, sẽ tăng lạm phát và đổ vỡ thị trường.

Điều này cũng tương tự như trong thị trường chứng khoán. Trên thực tế, gói giải pháp không chỉ là lạm phát mà còn chứng khoán (5 trong 19 điểm). Những giải pháp lồng ghéo đó là giải pháp về bình ổn vĩ mô không chỉ lạm phát.

Tuy nhiên, TS. Tự Anh cũng đặt vấn đề, Việt Nam phải "cứu nền kinh tế trước cứu thị trường chứng khoán. Nếu cứu TTCK mà không cứu được nền kinh tế thì việc cứu đó là không cần thiết".

Cần con người kỹ trị và chuyên môn hóa cao

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn và hai vị khách mời trong trường quay
Bàn tròn Trực tuyến: Giảm lạm phát và các mối liên quan


Về cơ chế điều hành, ông Vũ Thành Tự Anh phân tích, nhìn điều hành vĩ mô, hoạt động của NHNN và Bộ Tài chính, tính chuyên môn hoá, tính kĩ trị rất cao. Hệ thống chuyển tải thông tin, mệnh lệnh rất nhanh. Với hệ thống ấy cần con người tương thích. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn rất thiếu.

Ông Vũ Thành Tự Anh gợi ý nên lập một nhóm, khoảng 5-10 người chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tế trong điều hành tiền tệ, có thể mời tư vấn nước ngoài nếu cần thiết, nằm ngay trong Bộ Tài chính, NHNN để tư vấn hàng ngày.

Khi có nhóm chuyên gia, khả năng đưa gợi ý có tính tham vấn, được cân nhắc, có hệ thống và phân tích kỹ lưỡng sẽ tăng lên.

TS Cao Sỹ Kiêm chỉ rõ, những người này phải có kinh nghiệm, khả năng để khâu nối các ngành lại, ví dụ, đối với ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khi hoạt động cần người hiểu nghề, có kinh nghiệm xử lý mới đề xuất được. Nếu không, dù có nhóm tư vấn cũng chỉ mang tính hình thức.

Gần đây, một cơ quan về giám sát tài chính quốc gia đã được thành lập. Theo ông Kiêm, việc này là đúng hướng, kịp thời, nhưng tuỳ vào nội dung giao cho, trách nhiệm, quyền hạn và mức độc lập đến đâu mới có thể xét hiệu quả. Nếu không, mọi việc sẽ không cải thiện được là bao.

TS Tự Anh cho rằng, đây cũng là cơ sở để hình thành thêm những viện khác. Đây không phải là bước cuối cùng của giám sát mà tạo cơ sở hình thành nhóm kỹ trị, hệ thống thông tin cập nhật thông tin và phân tích, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế mở của Việt Nam, bất kì cơn sóng nhỏ của thị trường bên ngoài cũng sẽ tác động.

Cần có hệ thống cảnh báo và tiếp nhận cảnh báo sớm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo, phản biện và xử lý thông tin, các chuyên gia chia sẻ nhận xét Việt Nam vẫn còn bị động trong xử lý. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Việt Nam đã không tiếp nhận, xử lý đầy đủ, cặn kẽ. Cảnh báo kịp thời nhưng 2 cái kia yếu nên mới dẫn đến hậu quả hiện nay.

TS Vũ Thành Tự Anh bổ sung, nếu cách đây 6 tháng, Việt Nam có biện pháp đúng, kịp thời, tình hình khác hơn rất nhiều. Điều quan trọng là có hệ thống cảnh báo sớm và tiếp nhận cảnh báo sớm và năng lực thực hiện các phân tích.

Quan sát chính sách hiện nay, Việt Nam thiếu hẳn đội ngũ kỹ trị. Nằm sau quyết định của NHNN, Bộ Tài chính thiếu phân tích đầy đủ, chính xác, bài bản. Những quyết định được đưa ra dựa trên thông tin không đầy đủ, thiếu hệ thống, dẫn đến cảm tính.

Không có nghiên cứu, các biện pháp định lượng hoặc hành chính thường được áp dụng. Định lượng rất nguy hiểm vì cần hiểu liều thuốc bao nhiêu là đủ. Thiếu khuôn khổ phân tích chính sách đằng sau sẽ đưa con số định lượng, đúng hoặc sai, dẫn đến hệ quả tiêu cực. Để giải quyết hậu quả này, Chính phủ lại đưa ra quyết định định lượng..., dẫn đến một vòng tròn luẩn quẩn.

Môi trường hiện nay, cả trong nước và bên ngoài đều rất động, biến đổi nhanh. Nếu Việt Nam không có hệ thống cảnh báo, tiếp nhận cảnh báo sớm và phân tích sâu thì sẽ khó lường. Chúng ta sẽ không phải đợi một vài tháng có phản hồi mà thấy ngay hậu quả, TS Tự Anh cảnh báo.

Hiện nay, NHNN và Bộ Tài chính có nghe nhưng khả năng phản hồi, giải quyết, xử lý còn chậm chạp.

Ngân hàng Nhà nước - "Độc lập không đến từ văn bản giấy tờ"

Cơ chế của Việt Nam chưa đảm bảo thực hiện đồng bộ với sức mạnh đáng lẽ phải có. Bản thân hoạt động của NHNN cũng chưa mang tính độc lập. NHNN hiện là cơ quan hành chính nhà nước với tất cả các ràng buộc. "Thiếu độc lập nhưng NHNN lại được giao thiên chức đề xuất và thực hiện chính sách tiền tệ", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Theo ông Tự Anh, vì thế, NHNN khó độc lập, khó kiên quyết và có chính sách đủ sức nặng.

TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, đây cũng là một trong những nội dung được bàn thảo trong sửa luật về ngân hàng. Tuy nhiên, độc lập phải được hiểu theo một cách tương đối, ở mức độc lập để điều hành đúng là một ngân hàng trung ương. Không thể có chuyện độc lập hoàn toàn được.

Với kinh nghiệm là Thống đốc NHNN, ông Kiêm cho biết, bản thân nhà nước có cho độc lập, NHNN cũng "không dám độc lập". Những chỉ tiêu kinh tế đan xen nhau, chỉ tiêu ngân hàng phụ thuộc vào nhiều chỉ tiêu kinh tế khác. Do đó, độc lập chỉ trong từng vấn đề. Trong những lĩnh vực phải có phối hợp điều hành chung thì không độc lập làm gì, ông Kiêm nói.

TS Tự Anh cho rằng, cần phải nâng tính đại diện trong NHNN lên. Ở Mỹ, Cục Dự trữ liên bang có 12 ngân hàng, đại diện cho 12 vùng. Mỗi ngân hàng có 9 thành viên, trong đó chỉ có 3 từ đại diện ngành ngân hàng. Nhiệm kỳ của Thống đốc Ngân hàng kéo dài 14 năm, nhiều hơn nhiệm kỳ của những người có quyền lực, đảm bảo tính độc lập.

"Độc lập không đến từ văn bản giấy tờ mà từ thiết kế thể chế, hệ thống và nội dung", ông Anh nhấn mạnh.


Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường