Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trong bão, doanh nghiệp mới xem lại sức khỏe!
08 | 03 | 2008
Bao nhiêu lâu nay, nền kinh tế của chúng ta đã nhận được quá nhiều lời khen. Tốc độ tăng trưởng cao thứ nhì trong khu vực. Xuất khẩu liên tục tăng trưởng. Đầu tư nước ngoài liên tục đạt những con số kỷ lục.
Cũng có những đánh giá không “thuận tai”, như tụt hạng trong bảng xếp hạng khả năng cạnh tranh hay bảng xếp hạng tham nhũng, chi phí giao dịch và chi phí ngầm của doanh nghiệp quá cao, trình độ quản lý yếu kém… Nhưng trong tình hình tốt đẹp, những lời chê thường bị chìm lấp dưới những lời khen.

Chỉ đến khi cơn bão xảy ra, nhiều doanh nghiệp bất ngờ nhận thấy mình không thật sự “khỏe mạnh” như các lời khen thường thấy. Đặc biệt là vào đầu năm 2008, cùng một lúc ba cơn bão đổ vào doanh nghiệp: thiếu nhân lực, tăng giá đầu vào, và tăng lãi suất vay.

Đã có nhiều doanh nghiệp lên tiếng về “bão” gây nguy cơ đình đốn kinh doanh. Nửa cuối năm 2007, lạm phát cao được giải thích là “thừa tiền”, còn hàng hóa hoàn toàn không thiếu. Tuy nhiên, nếu nguy cơ sản xuất đình đốn là có thực, thì rất có thể đến nửa cuối năm 2008 sẽ phải giải thích lạm phát theo hướng hoàn toàn ngược lại: tiền không thừa nhưng hàng lại thiếu.

Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe doanh nghiệp lúc này không chỉ là một cơ hội, mà còn là một nhu cầu cấp thiết.

Cơn bão thiếu nhân lực

Chuyện thiếu nhân lực đã được nói nhiều năm, tuy là một nghịch lý khó tin: thiếu nhân lực ở một đất nước với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, với 53 triệu người trong độ tuổi lao động, một tỉ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới!

Thiếu lao động trình độ cao như công nghệ cao, phần mềm, ngân hàng, hay ngay cả trong ngành đóng tàu… thường được quy trách nhiệm cho hệ thống giáo dục và dạy nghề. Nhưng thiếu lao động phổ thông thì phải nhìn nhận một nguyên nhân hoàn toàn khác: Hậu quả của lạm phát và chính sách nhân sự.

Thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, sau 2 phiên giao dịch đầu năm 2008, số lượng tuyển dụng chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu của các doanh nghiệp. Một con số nhức nhối hơn là số doanh nghiệp cần lao động phổ thông chỉ tuyển được 1/10 cho nhu cầu của mình.

Thiếu lao động đến mức, vào sau Tết Mậu Tý, ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP. HCM) lần đầu tiên đã xuất hiện một bảng thông báo: “Tuyển người học nghề, miễn phí học nghề, có trả lương”. Hết cảnh doanh nghiệp “kén cá chọn canh”, vì đến cả công nhân với trình độ… tiểu học cũng được tuyển.

Có một lý thuyết rất kinh điển là người lao động luôn cân nhắc lựa chọn giữa làm việc và nghỉ ngơi. Khi lương tăng không bù lại lạm phát, người lao động nhận thấy lương thực tế của mình bị giảm đi. Nhu cầu nghỉ ngơi sẽ thắng thế. Đó là nguyên nhân nhiều công nhân về quê ăn Tết và… đủng đỉnh chưa chịu quay trở lại làm việc.

Đến nay, khi lâm vào cảnh lao đao vì thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp mới nhận thức ra mình không có chiến lược nhân lực dài hạn.

Bao nhiêu doanh nghiệp biết rất rõ trong mấy năm qua, lương công nhân không tăng theo kịp tốc độ tăng giá?

Bao nhiêu doanh nghiệp chỉ biết trả lương là hết nghĩa vụ, mà không quan tâm đến các nhu cầu khác của người lao động?

Bao nhiêu doanh nghiệp vẫn chỉ coi công đoàn và các đoàn thể quần chúng là thủ tục và nghĩa vụ, không coi đây là những kênh hữu hiệu để tăng cường sự gắn bó công nhân với doanh nghiệp?

Cơn bão vốn vay và lãi suất

Trong mấy năm gần đây, nguồn vốn đầu tư khá dồi dào, với tỉ lệ tổng vốn đầu tư hàng năm lên đến 35-40% GDP. Thế nhưng mới bắt đầu vào năm 2008, khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách siết chặt cung tiền và tín dụng, đã có hàng loạt doanh nghiệp lên tiếng kêu khó khăn.

Những doanh nghiệp biết dùng vốn dài hạn chắc chắn không bị ảnh hưởng chỉ bởi một biến động ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đủ “tiêu chuẩn” để được ngân hàng cho vay dài hạn, nhưng vẫn đem dòng vốn vay ngắn hạn đổ vào đầu tư dài hạn, với niềm tin là hết hạn lại được vay tiếp.

Một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, đúng là có tình trạng nhiều doanh nghiệp đã đổ hầu hết nguồn vốn dài hạn của mình đổ vào bất động sản, để mặc cho mảng sản xuất kinh doanh truyền thống phải sống nhờ vào vốn ngắn hạn. Khi tình hình vốn ngắn hạn trở nên khó khăn hơn, bộ phận chịu ảnh hưởng đầu tiên là sản xuất kinh doanh.

Trên thế giới, chi phí lãi vay có khác nhau tùy thuộc ngành sản xuất, nhưng thông thường chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong giá thành hàng hóa. Ví dụ như trong ngành chế biến thực phẩm, bình quân chi phí lãi vay chiếm từ 1-4% giá thành. Nếu lãi vay ngân hàng tăng lên gấp rưỡi, thì giá thành hàng hóa cũng chỉ tăng từ 1-2%. Mức tăng này chắc chắn không gây biến động lớn cho sản xuất.

Cơn bão giá cả

Giá đầu vào của sản xuất trên thế giới đã tăng khá nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của thế giới, đặc biệt là giá nhiên liệu và các nguyên liệu liên quan đến dầu mỏ (hóa chất, xăng dầu…)

Các ngành sản xuất của những nền kinh tế khác cũng chịu tác động tương tự của giá đầu vào, nhưng nếu họ ít bị “lao đao” hơn chúng ta, thì chúng ta phải xem xét lại điều gì không ổn với chúng ta?

Một khi nhà nước không còn khả năng bù giá, một số doanh nghiệp lập tức phát hiện ra sản phẩm của mình không có khả năng cạnh tranh (Ảnh: VNN)


Thứ nhất, chúng ta chưa quen với cơ chế giá cả thị trường, trong đó có sự biến động giá liên tục. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa quen với các biện pháp đối phó, ví dụ như ký hợp đồng dài hạn, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng kỳ hạn.

Thứ hai, nhiều loại giá của chúng ta từ trước đến nay được nhà nước bao cấp và bù giá, ví dụ như xăng dầu, điện, than.

Một khi nhà nước không còn khả năng bù giá, một số doanh nghiệp lập tức phát hiện ra sản phẩm của mình không có khả năng cạnh tranh. Hay nói cách khác, một số doanh nghiệp có thể chợt phát hiện ra từ trước đến nay khả năng cạnh tranh của mình chính là nhờ vào trợ giá đầu vào.

Trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu

Từ nhiều năm nay, đã có đề nghị các ngành công nghiệp cần so sánh cơ cấu giá thành sản phẩm của mình với sản phẩm cạnh tranh trong khu vực, hoặc với cơ cấu giá thành trên thế giới.

Không thể chỉ đơn giản thấy sản phẩm của chúng ta bán được trên thế giới là đã thỏa mãn. Cũng không thể đơn giản thấy đường của Thái Lan hay dầu ăn của Malaysia rẻ hơn sản phẩm trong nước là kêu gọi bảo hộ.

Nếu chịu so sánh kỹ lưỡng, phải chăng chúng ta sẽ thấy trong cơ cấu giá thành, giá nhân công của chúng ta quá thấp, nhưng giá thuê mặt bằng sản xuất lại quá cao? Hoặc sẽ thấy giá nhiên liệu của chúng ta được trợ giá, nhưng những chi phí giao dịch (và cả những chi phí không thể kê khai) lại quá cao? Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh với nguồn vốn dài hạn với lãi suất ổn định, còn các doanh nghiệp của chúng ta dựa quá nhiều vào vốn ngắn hạn, để một biến động ngắn hạn trên thị trường vốn thì lập tức gây xáo động sản xuất?

Thường thì người ta chỉ khi thấy mình yếu mới chịu đi bác sĩ. Đây là thời điểm để các ngành kinh doanh xem xét đề nghị này một cách thực sự nghiêm túc. Nếu mỗi doanh nghiệp không đủ khả năng nghiên cứu so sánh, các hiệp hội hay các cơ quan nghiên cứu phải vào cuộc.

Một điều cũng đáng quan tâm: Các ý kiến của doanh nghiệp cần được xem xét và tập hợp bởi các cơ quan nghiên cứu kinh tế. Bởi vì nếu chỉ nhìn các ý kiến đơn lẻ, tình hình dễ bị phản ánh một cách thiên lệch, hoặc dễ bị biến hiện tượng cá biệt thành hiện tượng phổ biến.

Ví dụ, trong buổi đối thoại với TP. HCM trong tháng 2/2008, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có ý kiến “khó khăn về vốn và đánh thuế bất động sản sẽ ảnh hưởng đến việc xây nhà cho người nghèo”. Tuy nhiên, trong giai đoạn mấy năm qua, vốn dồi dào và lợi nhuận bất động sản không chịu thuế, đã có ai xây được căn hộ nào cho người nghèo?

Chính vì vậy, cùng với doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu cũng đang có cơ hội xem xét sức khỏe của mình một cách nghiêm túc.



Nguồn: vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường