Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đi săn thuốc... "kích vọt"
18 | 03 | 2008
Gã chủ tiệm "thuốc bảo vệ thực vật" người lôi từ gầm bàn ra 1 bọc nilon nặng chừng 2kg, bên trong đựng đủ loại thuốc "kích vọt" dành cho rau quả. Rồi hắn nói: "Tìm thứ này hả? Muốn mua bao nhiêu cũng có, miễn là đủ tiền"...
An ninh "gắt"… nên hiếm hàng

Chúng tôi có mặt tại chợ Kỳ Lừa (TP. Lạng Sơn). Tạt vào một quầy bán tạp hoá ven chợ, chúng tôi yêu cầu được mua loại thuốc có tác dụng làm cho rau lớn "càng nhanh, càng tốt".

Người bán hàng cho biết: "Ở đây chỉ còn loại nhẹ MĐ 01, còn các loại hạng mạnh như 920 hay GA3 thì kể từ khi tivi đưa tin đến nay, công an bắt gắt nên nhà tôi không dám lấy về bán. Nhưng tôi có mối giúp...". Chủ quán vào nhà gọi điện, rồi bước ra bảo: "Cứ liên lạc với số điện thoại 0989xxx, muốn lấy số lượng bao nhiêu cũng được, cứ đặt hàng trước khoảng 1 buổi là có hàng ngay".

Những viên thuốc sủi trước khi tan

Liên hệ theo số điện thoại, hẹn gặp một người đàn bà tên Phượng (khoảng gần 50 tuổi) tại bưu điện tỉnh Lạng Sơn. Sau khi nghe chúng tôi "trình bày nguyện vọng", bà Phượng tự tin: "Có hết! Cần lấy loại nào? Khối lượng bao nhiêu? Loại 920 là dạng nước như gói mỡ trong gói mỳ tôm giá 320 nghìn đồng/lạng, còn loai GA3 là dạng viên giá 5.500 đồng/ viên...".

Bị chê đắt, bà Phượng giải thích: "Đây là giá chung, tôi vẫn bán cho những người đến mua hàng trong thời buổi khan hiếm này... Giá bây giờ ở đâu cũng thế, kể cả lên sát cửa khẩu! Do thời gian này công an đang làm gắt, nên khó vận chuyển qua cửa khẩu lắm! Giá thuốc GA3 lấy ngay tại cửa khẩu đã gần 5.000 đồng/viên rồi, nhưng nếu không đặt trước thì vẫn không có thuốc...".

Thấy vị khách dưới xuôi lên tỏ vẻ ái ngại chuyện công an làm gắt, nếu có lấy được hàng với khối lượng lớn thì cũng khó thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ, bà Phượng trấn an: "Chú cứ đóng thành hộp trong thùng giấy rồi gửi xe ôtô về Hà Nội thì công an khó mà phát hiện được. Chị vẫn hay gửi hàng cho các mối quen ở tận miền Nam, đâu có việc gì...”.

Bà Phượng ra sức thuyết phục, cần phải đặt cọc tiền trước để bà còn điện lên cửa khẩu Tân Thanh đặt hàng. Bà Phượng còn bảo, làm ăn với bà ta thì "đừng lo gì cả", nếu quen rồi cứ gửi tiền lên, bà sẽ gửi hàng qua xe quen xuống đến tận nơi. "Ở cái thành phố Lạng Sơn này, nếu muốn lấy hàng nhiều, chỉ có mình tôi mới đáp ứng được thôi, không ai có mối lớn như tôi đâu!" - bà Phượng khoe tiếp.

Chúng tôi thống nhất về thời gian, địa điểm nhận hàng. Sáng hôm sau, khi đến điểm trao tiền đặt cọc, bà Phượng bỗng tỏ thái độ nghi nghờ, đưa ra nhiều lý do này nọ rồi hẹn buổi chiều điện lại cho bà ta. Nhưng cả buổi chiều và ngày hôm sau, bà ta tắt máy, không thể nào gọi được.

Tìm hiểu qua một người chạy xe ôm tên C. tại cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi được biết, như nhiều cửa khẩu khác, thuốc kích thích rau dạo này rất hiếm! Nhưng C. bảo, nếu thực sự muốn lấy thì vẫn tìm được. Nếu mua loại kích thích rau lớn “siêu tốc” thì giá đắt hơn. Tại cửa khẩu Tân Thanh, còn có cả bột tăng trọng chăn nuôi lợn… C. bảo, trước đã từng giúp vài người dưới xuôi lên mua thuốc này, 1 lọ thuốc kích thích rau lớn “siêu tốc”có mức giá khoảng 400 nghìn đồng/lọ. Từ khi vô tuyến đưa, công an làm gắt, C. không dám "ho he" nữa.

Chúng tôi có mặt tại thị xã Móng Cái (Quảng Ninh), nơi vẫn được giới buôn lậu mệnh danh là vùng đất "cái gì cũng có". Bất cứ ai được hỏi đều lắc đầu: "Không có, không biết! Thứ đó giờ bị cấm, ở đây không ai dám bán. Các anh đi nơi khác mà tìm".

Thâm nhập đầu mối

Rời khỏi cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật nằm trên địa bàn xã Hải Đông, chúng tôi vẫy 2 xe ôm người về khách sạn. Trên quãng đường dài hơn 10km từ xã Hải Đông về trung tâm thị xã Móng Cái, sau một hồi "chuyện vặt", khi biết chúng tôi từ Hà Nội lên tìm mua thuốc "kích vọt" cho rau, 1 trong 2 gã xe ôm hứng chí: "Để anh đưa các chú đi lấy hàng, bảo đảm loại nào cũng có!".

Hai gã xe ôm đi vòng vèo xuyên qua thị xã Móng Cái, rồi rẽ vào khu vực trồng rau thuộc địa bàn phường Hải Hoà. Tại cửa hàng bán phân đạm của cặp vợ chồng T. - H., bà H. cảnh giác: "Ai chỉ cho các chú đến đây?".

Gã xe ôm nhanh miệng: "Bà C. chỉ chúng tôi sang đây! Bà ấy bảo cứ sang gặp anh chị sẽ có thuốc". Nghe đúng tên khách quen vẫn thường mua hàng, bà H. vui vẻ ngay. Bà ta mời khách vào nhà uống nước rồi rút điện thoại gọi chồng: "Về bán hàng cho khách!".

Về tới nhà, người chồng vẫn dò hỏi với vẻ cảnh giác cao độ về chuyện "Ai giới thiệu? Mua làm gì? Đã từng mua của ai chưa?". Nhận được những câu trả lời phù hợp, ông T. không còn nghi kỵ: "Thấy các ông trên thị xã bảo thuốc này là thuốc cấm, nên thời gian gần đây anh cũng không dám bán nhiều. Nhất là từ khi vô tuyến người ta đưa tin chuyện "kích vọt" rau ầm ĩ, bọn anh hoàn toàn không dám chứa thuốc trong nhà, sợ người ta bắt lắm!".

Phải năn nỉ và hứa hẹn về thù lao hậu hĩnh, chúng tôi được ông T. tiết lộ: "Nếu các chú nhất định lấy thuốc mang về xuôi bán thì anh sẽ giúp, nhưng các chú phải vất vả theo anh một chuyến nhé!".

Ông T. đưa nhóm phóng viên ra bến sông Ka Long - nơi tập trung nhiều thuyền bè chở hàng. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ lòng vòng, chiếc thuyền chở đầy mít khô đưa chúng tôi cập vào một bến sông.

Tới nơi, ông T. dắt khách vòng vèo qua những con đường bẩn thỉu và hàng trăm sạp hàng tại một chợ đầu mối. Nơi ông T. đưa đến là khu vực toàn bán "hàng dễ bị bắt". Đến một gian hàng treo biển "Tại đây bán thuốc bảo vệ thực vật", ông T. bảo đứng chờ ở ngoài, mình ông ta vào gọi chủ hàng ra nói chuyện.

Sau một hồi thì thào to nhỏ với ông T., gã chủ hàng đầu trọc lốc tên A.K vẫy khách vào phía sau gian hàng bàn chuyện mua bán. A.K lôi từ gầm bàn ra một bọc nilon nặng chừng 2kg, bên trong là rất nhiều gói bột nhỏ màu trắng ngà và những dây thuốc hình tròn.

A.K giới thiệu: "Đây là những loại thuốc mới nhất đang được ưa chuộng đấy!". Rút ra một dây thuốc màu trắng dài chừng 50cm mang nhãn hiệu ProGibb T98, A.K nói: "Thuốc này là thuốc sủi, kiểu như viên thuốc bổ sủi bọt ấy, phun vào rau 2 ngày là lá vươn ầm ầm ngay. Còn cái gói màu trắng này thì "nhẹ đô" hơn một chút, phun 3 ngày mới có kết quả".

"Thế có loại gói GA3 vỏ màu xanh không?" - chúng tôi dò hỏi. "Trước thì có, nhưng giờ mới hết hàng. Mà các em mua loại đó làm gì, loại đó chỉ dành để phun hoa cho cành vươn thôi, phun rau không hiệu quả mấy đâu" - A.K sành sỏi.

Dây "thuốc sủi" mà A.K đưa toàn tiếng Anh, bên dưới nhãn hiệu ProGibb T98 có một dòng chữ Gibberellic Acid 1g.98%, được sản xuất tại "Houston. IN. U.S.A". Tên của nhà sản xuất được ghi trên vỏ bao thuốc là "BIOCHEMICAL PRODUCTS". Thành phần của thuốc được in ngay trên vỏ thuốc: "98% C19 H22 O6 và "Ga4 - A7 + 6BA", hạn sử dụng đến tháng 2/2010.

A.K vào nhà bê ra một chậu nước nóng, bóc ngay 2 viên thuốc bỏ vào. Gặp nước nóng, 2 viên thuốc sủi bọt ngay lập tức và nhanh chóng biến chậu nước trong thành một thứ dung dịch có màu trắng đục, bốc mùi hoá chất nồng nặc.

Thuốc tan hết, A.K bê ngay chậu nước hắt vào mấy luống rau cải trồng phía sau gian hàng và nói: "Các em nhìn xem, đám cải này hôm trước anh đã vẩy thử một lần cho khách mua hàng xem, đến nay lá đã dài thế này rồi. Nếu ngày kia các em quay lại đây, sẽ thấy cải tiếp tục dài thêm nữa". Để chắc ăn về việc "kiểm nghiệm", chúng tôi đề nghị được chụp lại ảnh luống rau để "hôm sau có cái mà so sánh", A.K vui vẻ đồng ý ngay.

Thuốc "kích vọt" và hành trình về xuôi

Gần 2 tiếng ngồi trong gian hàng "thuốc bảo vệ thực vật", chúng tôi được nghe A.K thao thao bất tuyệt về đủ thứ công dụng "kích vọt" của những gói thuốc gã có. Cao hứng, A.K còn tuyên bố: "Nếu các em cần thuốc tăng trọng cho tôm hay lợn, anh cũng có thể kiếm được hàng".

Sau khi thoả thuận giá 4.500 đồng/viên sủi và 4.100 đồng/gói thuốc "kích vọt" 1g, chúng tôi đề nghị A.K và ông T. về việc chuyển hàng về Hà Nội. A.K khẳng định: "Các em mua nhiều anh sẽ chuyển hàng về tận Hà Nội, nhưng giá sẽ phải lên thêm 100 đồng/1 gói - viên thuốc. Nếu các em nhận hàng ở Bắc Ninh, giá sẽ giữ nguyên".

Chúng tôi đề nghị được nhận hàng tại Bắc Ninh để "giảm giá", ông T. nói luôn: "Anh em biết nhau rồi, từ giờ nếu bọn em cạn hàng, chỉ việc gọi điện cho anh theo 2 số 0904097xxx và 0984515xxx, anh sẽ sang chỗ A.K lấy hàng và chuyển về cho bọn em". Địa điểm nhận hàng được ông T. ấn định: "Hàng về gần đến nơi anh sẽ gọi cho các em ra gần trạm thu phí trên đường cao tốc mới Bắc Ninh để nhận".

Dây thuốc sủi và gói thuốc "kích vọt" dạng bột mà chúng tôi mua từ tay A.K

Trước khi rời khỏi gian hàng của A.K để theo thuyền về lại Móng Cái, chúng tôi đã "lấy mẫu" 1 dây thuốc sủi và 1 gói thuốc bột của A.K về để "thử thêm", với giá 50.000 đồng.

Về tới Móng Cái, ông T. cho biết thêm: "Ngày trước, trước khi vô tuyến đưa tin rộng rãi về thuốc "kích vọt", anh chị vẫn hay bán thuốc cho mấy chủ hàng ở Thường Tín và Vĩnh Phúc. Người ở Thường Tín thì bán lại cho nông dân trồng rau còn người ở Vĩnh Phúc thì bán cho những người trồng hoa"?!

Bà H. kể: "Đối với rau xanh, trước khi thu hoạch khoảng 4 ngày thì nông dân sẽ phun thuốc lên lá để rau vươn dài và mập mạp. Còn đối với hoa, khi cành hoa bắt đầu trổ nụ thì người trồng hoa sẽ phun để cành hoa vươn dài, nụ hoa sẽ mập hơn, cánh hoa nở ra cũng đẹp hơn". "Vô tuyến họ cứ nói thế chứ lâu nay vợ chồng chị vẫn bán thuốc cho cả người trồng rau ở Móng Cái đấy chứ. Rau thu hoạch về bao giờ nhìn cũng đẹp mã hơn, ăn vào cũng đã có ai bị làm sao đâu" - bà H. vô tư.

Theo tìm hiểu, ngoài vợ chồng T.- H. thì tại thị xã Móng Cái còn có 3 chủ hàng chuyên nhập thuốc "kích vọt" không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán. Sau khi nhập thuốc "kích vọt", các chủ hàng này sẽ gửi thuốc lên những xe khách chạy tuyến Móng Cái - Hà Nội để giao cho người cần mua.

Trước khi trở về, phóng viên buột mồm hỏi vợ chồng T. - H.: "Thế có bao giờ nhà anh chị mua rau phun thuốc "kích vọt" ngoài chợ về ăn không?". Bà H. ngập ngừng, rồi nhìn ra vườn rau sau nhà đáp: "Nhà chị toàn tự trồng rau ăn thôi!". Trong khi đó, cặp vợ chồng này vẫn dẫn mối cho nhiều khách dưới xuôi lên biên giới, tìm thuốc "kích vọt" cho rau xanh...

Nguồn: VietNamNet

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường