Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân và lạm phát
19 | 03 | 2008
Nói nông dân và lạm phát là nói về ba vấn đề: những sản phẩm do nông dân làm ra đang có tốc độ tăng giá cao nhất; nông dân là lực lượng đông nhất, nghèo nhất, nên tác động của lạm phát lên lực lượng này là lớn nhất; nông dân cũng sẽ là lực lượng chống lạm phát có hiệu quả.

Về vấn đề thứ nhất, giá lương thực - thực phẩm do nông dân làm ra tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác và cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung (năm 2007 tăng 18,92% so với tăng 12,63%, 2 tháng đầu năm 2008 tăng 10,17% so với tăng 6,02%). Nhóm hàng này hiện còn chiếm tới 42,85% tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của dân cư, nên tốc độ tăng giá của nó trở thành bộ phận quyết định đến tốc độ tăng giá chung. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn thế giới. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm trước tăng tới 21,7%, trong những ngày tháng 3 này còn cao gấp rưỡi, gấp đôi. Giá lúa mì nhập khẩu năm 2007 tăng 60% so với năm 2006, 2 tháng đầu năm nay tăng 55,9%. Tốc độ tăng giá lương thực, thực phẩm của Trung Quốc tháng 2.2008 so với cùng kỳ năm trước cũng đã rất cao (giá lương thực tăng trên 18%, giá thực phẩm tăng tới 29%). Giá lương thực, thực phẩm của các nước phát triển cũng tăng hai chữ số.

Ngoài các nguyên nhân do tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng và gia súc, do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp... còn do nguyên nhân toàn cầu hóa. Nông sản của các nước tư bản phát triển trong nhiều năm đã được trợ cấp lớn, đã ép giá nông sản của các nước đang phát triển xuống thấp hơn giá trị thực, làm cho người nông dân các nước đang phát triển làm việc quần quật suốt ngày nhưng chỉ "lấy công làm lãi". Nay do toàn cầu hóa, việc trợ cấp giá nông sản của các nước tư bản phát triển, một mặt bị các nước đang phát triển liên tục đấu tranh đòi cắt giảm, mặt khác do "cánh kéo tỷ giá" giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương của các nước đang phát triển có xu hướng thu hẹp dần làm cho mặt bằng giá nông sản trên thế giới tăng nhanh.

Về vấn đề thứ hai, nông dân hiện chiếm gần ba phần tư dân số cả nước, cũng tức là chiếm gần ba phần tư tổng số người tiêu dùng cả nước. Trong thời kỳ bao cấp, quá nửa dân số sống dưới mức đói nghèo, nên lạm phát cao đã làm cho mọi người cùng bị khổ. Bây giờ chênh lệch giàu/nghèo lớn (lên đến 8,43 lần), trong khi tỷ trọng chi tiêu cho lương thực, thực phẩm của người nghèo cao gấp đôi của người giàu, thì lạm phát cao sẽ làm cho người nghèo bị khổ hơn, trong khi người nghèo sống ở nông thôn chiếm tới trên 90% tổng số người nghèo của cả nước. Như vậy, xét về cả hai mặt (người tiêu dùng và người tiêu dùng nghèo) thì nông dân đều chiếm tỷ trọng lớn nhất, nên lạm phát cao đã làm cho nông dân, nhất là nông dân nghèo càng bị khổ. Ở đây xuất hiện một câu hỏi: giá lương thực, thực phẩm tăng thì nông dân sẽ được lợi chứ sao lại bị thiệt? Đó là xét về đầu ra, nhưng ở đầu vào giá vật tư nông nghiệp còn tăng cao hơn (năm 2007 giá lương thực tăng 15%, giá thực phẩm tăng 10%, thì giá nhập khẩu phân bón tăng 19,2%, giá thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu lên đến 30- 40%, giá thuốc trừ sâu tăng gần 20%; hai tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm trước, giá lương thực tăng 17,4%, giá thực phẩm tăng 26,8%, thì giá nhập khẩu phân bón tăng tới 71,3%, giá thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng trên 40%, giá thuốc trừ sâu tăng trên 50%,...). Giá đầu ra tăng như thế, nhưng đó là giá cuối cùng, bởi người nông dân không trực tiếp bán cho người tiêu dùng mà còn phải chia cho thương lái, người nông dân chỉ được một phần nhỏ trong số đó. Nếu vừa được mùa, vừa được giá thì mới có lợi, còn nếu được giá nhưng mất mùa thì có khi nhiều nông dân còn khổ hơn.

Về vấn đề thứ ba, trước hết cần ngược lại lịch sử vài chục năm trước đây, khi nước ta rơi vào khủng hoảng với lạm phát phi mã. Chính lúc đó, người nông dân sau khi được giải phóng bởi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI, đã sản xuất ra một lượng lương thực không những đủ dùng trong nước mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn. Khi an ninh lương thực được bảo đảm đã làm cho nông nghiệp phát triển toàn diện với nhiều nông sản xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới.

Vụ đông xuân năm nay ở các tỉnh Nam Bộ trúng mùa, nhưng do nhu cầu thế giới tăng cao và giá cả tăng mạnh, sẽ kéo giá ở trong nước lên theo. ở miền Bắc, do gặp rét hại, rét đậm kéo dài hiếm thấy và dịch bệnh đã làm chết hàng trăm nghìn ha lúa mới cấy và hàng chục nghìn ha mạ đã gieo, làm chết hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm.

Nông dân cần khắc phục khó khăn để cấy hết diện tích, tranh thủ cấy đúng thời vụ; nếu không cấy hết diện tích thì chuyển nhanh sang trồng cây khác cho hết diện tích. Một điểm chú ý là cần làm cho nông dân khôi phục lại việc chăn nuôi lợn, tránh để trống chuồng như một số vùng thuần nông; phát triển mạnh trang trại chăn nuôi, thủy sản.

Trong điều kiện có sự cộng hưởng giữa khó khăn ở trong nước và giá cả trên thế giới như đã nêu trên, nếu không có sự ra tay của nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, thì giá lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục "lồng lên" và kéo tốc độ giá tiêu dùng lên theo.

Nhưng để chống lạm phát, ngoài việc phải tăng lượng, còn phải giảm chi phí để sản xuất ra sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách giảm thuế suất để giảm giá nhập khẩu đối với nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, nhất là phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, nhiên liệu...

Đào Ngọc Lâm - Báo Thanh niên Online

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Báo cáo phân tích thị trường