Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng thừa cá tra, ba sa ở ĐBSCL: Doanh nghiệp và nông dân… đều vào ngõ cụt!
20 | 03 | 2008
Tình hình sản xuất và chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu ở ĐBSCL đã đến mức “báo động đỏ” khi khó khăn ngày càng đè nặng. Hàng loạt hộ nuôi cá “treo hầm” vì không còn tiền mua thức ăn; doanh nghiệp (DN) buông tay vì thiếu vốn. Nhiều nhà máy giảm công suất - cho công nhân tạm nghỉ, còn người nuôi thì “chết đứng” nhìn cá quá lứa không bán được mà khóc…

Thiệt hại ngày càng lớn

Nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để mua cá tra, cá basa chế biến xuất khẩu. Ảnh: H.Lợi

Chiều 19-3, giá cá tra, ba sa ở ĐBSCL tiếp tục sụt giảm. Cá tra loại 1 giá chỉ còn 13.600 - 13.700 đồng/kg; loại 2 khoảng 13.200 đồng/kg… thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp tiếp tục tăng từ 8.500 - 8.700 đồng/kg. Theo tính toán, giá thành nuôi cá đã tăng lên từ 14.500 - 15.000 đồng/kg; thậm chí cao hơn nếu tỷ lệ hao hụt nhiều. Không cần nói cũng thấy người nuôi cá lỗ nặng bởi giá thành vượt xa giá bán (!?).

Ông Nguyễn Văn Út, xã Thới Thuận (Thốt Nốt - Cần Thơ) đứng ngồi không yên khi 500 tấn cá đã quá lứa thu hoạch nhưng kêu bán hổng ai mua, dù chấp nhận bán lỗ. Đồng cảnh ngộ trên, ông Lê Văn Liệp, ở Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên  (An Giang) thất vọng nói: “1.500 tấn cá đợt này coi như thua trắng”. Hàng loạt hộ “buông tay” vì hết vốn bởi ngân hàng hạn chế cho vay, còn đại lý thức ăn thì siết chặt “tiền trao cháo múc” chớ không bán chịu hay gối đầu như trước.

Đối với DN cũng tồi tệ không kém. Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) thở dài: “Chúng tôi đã hết lực nên đành giảm 50% công suất chế biến và cho 20% công nhân tạm nghỉ”.  Nhiều nhà máy khác ở ĐBSCL đã cắt giảm công suất, thậm chí tạm ngưng hoạt động. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) nhìn nhận: “Tình hình này kéo dài thiệt hại sẽ gia tăng, DN thiệt hại 1 nhưng người nuôi thiệt hại đến 10”.

Cứu bằng cách nào?

Trước hàng loạt khó khăn trên, một số tỉnh ĐBSCL và Bộ NN-PTNT đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Bộ NN- PTNT cũng đề nghị với DN chế biến thủy sản khi mua sản phẩm của dân không trả bằng tiền đồng, mà trả bằng ngoại tệ cho ngân hàng, từ đó ngân hàng trừ nợ cho nông dân. Đối với nhập khẩu thức ăn cũng nên trả bằng ngoại tệ và DN phải có trách nhiệm đầu tư lại cho nông dân.

Theo nhận định của các ngành chức năng, đợt cá tra, ba sa hiện nay hầu hết người nuôi “thua trắng”. Dự báo số hộ lâm nợ và bỏ hầm sẽ không nhỏ, tập trung chủ yếu vào dạng nuôi nhỏ lẻ. Nhiều khả năng sản lượng 1,2 triệu tấn cá và giá trị xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong năm 2008 mà VASEP đặt mục tiêu phấn đấu sẽ khó đạt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, khủng hoảng cá tra, ba sa hiện nay chỉ là nhất thời. VASEP đang dồn sức quan hệ với các nhà nhập khẩu nâng giá xuất lên. Chúng tôi khuyến cáo người dân bình tĩnh, hạn chế kêu bán tràn lan làm xáo trộn thị trường, gây thiệt hại lớn…



Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường