Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân lo âu, doanh nghiệp phản ứng gay gắt
23 | 03 | 2008
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) vừa có văn bản đề nghị các đơn vị không ký hợp đồng xuất khẩu có thời hạn giao hàng trong tháng 3-2008 do khối lượng xuất khẩu đã được cân đối ở mức 700 - 800 ngàn tấn! Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phản ứng gay gắt xung quanh đề nghị này. Tại sao?
Đến ngày 21-3, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 1,2 triệu ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, đạt khoảng 7,5 triệu tấn lúa (tương đương 3,6 triệu tấn gạo). Thông tin Vietfood đề nghị DN không ký hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn đã khiến giá lúa đã chựng lại. Cụ thể, giá lúa gạo đã giảm khoảng 50đ-100đ/kg so tuần trước. Việc tạm ngưng ký hợp đồng có thời hạn, theo một lãnh đạo Vietfood, là do sự biến động tỷ giá USD. Song, hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra xung quanh quyết định này. Tạm ngưng ký hợp đồng trong bối cảnh nông dân ĐBSCL bước vào cao điểm thu hoạch lúa khiến giá lúa giảm thì ai được lợi? Trong 3 năm trở lại đây, việc tạm ngưng ký kết hợp đồng xuất khẩu thường diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 nhưng năm nay mới tháng 3 lại yêu cầu tạm ngưng ký!?

Nhận định "Giá gạo thế giới sẽ tăng mạnh trong năm 2008" được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra từ những tháng cuối năm 2007. Nhìn lại 3 gói thầu mà các DN xuất khẩu gạo Việt Nam ký sẽ thấy một điều trái khoáy. Tổng sản lượng gạo trúng thầu đợt 3 (ngày 11-3 tại Philippines) gần 200.000 tấn. Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm mới ký trong tháng 3 cao gấp đôi so với mức giá trúng thầu tháng 1-2008. Tính ra, với khoảng 500.000 tấn gạo đã ký trước đó (với mức chênh lệch 200USD/tấn giữa các gói thầu theo giá hiện nay), các DN đã mất đứt khoảng 100 triệu USD!? Từ sự việc này, nhiều câu hỏi đặt ra về cách điều hành của Vietfood. Phải chăng Vietfood không lường được giá gạo xuất khẩu sẽ tăng cao; tại sao năm nào cũng vội vàng ký hợp đồng xuất khẩu gạo từ cuối năm trước hoặc trong 1-2 tháng đầu năm (thường Thái Lan không vội ký xuất khẩu gạo vào thời điểm này)? Chẳng lẽ Vietfood chưa rút ra được quy luật của thị trường xuất khẩu gạo?

Một DN xuất khẩu gạo đã phản ứng gay gắt với quyết định của Vietfood. Theo DN này, lương thực tăng giá là xu thế chung. Nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch, khách hàng đang có nhu cầu; tạm ngưng ký hợp đồng là việc làm không giống ai. Nếu bảo DN mua dự trữ chờ xuất khẩu trong bối cảnh lãi suất ngân hàng rất cao liệu có phải khôn ngoan? Vì thế, DN trên không ngần ngại cho biết sẽ sẵn sàng "đấu lý" với Vietfood về cách điều hành "tréo ngoe" này.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường