Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương hiệu Việt sau một năm hội nhập
25 | 03 | 2008
Sau gần một năm chính thức phát động, Chương trình Thương hiệu mạnh 2007 - do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Ngay trong tuần lễ từ 24-29/3, Ban tổ chức sẽ tiến hành loạt sự kiện trong khuôn khổ chương trình như họp báo công bố doanh nghiệp đạt giải thưởng (diễn ra vào sáng 24/3), hội thảo “Vị thế thương hiệu Việt sau một năm hội nhập” (diễn ra vào chiều 24/3 tại Tp.HCM), lễ trao giải thưởng Thương hiệu mạnh 2007 (diễn ra vào sáng 29/3 tại Nhà hát lớn Hà Nội) cùng nhiều hoạt động quảng bá, truyền thông khác.

Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Thương hiệu mạnh năm 2007 đã thu hút thêm được hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia so với năm trước, từ khắp 64 tỉnh thành trong cả nước, bao gồm 20 nhóm ngành như: Ngân hàng tài chính, dệt may da giầy, xây dựng - vật liệu xây dựng, thủy sản, nông sản thực phẩm, giao thông vận tải, viễn thông tin học, dược phẩm, du lịch, dịch vụ, bất động sản...

Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được số phiếu bình chọn hợp lệ là 40.821 phiếu và 28.574 phiếu online. Phiếu bình chọn được in trên các ấn phẩm của Thời báo Kinh tế Việt Nam, đăng tải trên báo điện tử VnEconomy và trang điện tử thuonghieuviet.com.vn.

Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, cho biết Giải thưởng Thương hiệu Mạnh Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hằng năm đang ngày càng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự đánh giá cao của các bộ, ngành.

Những doanh nghiệp đạt giải là những doanh nghiệp có những nỗ lực vượt bậc trong quá trình phát triển, đóng góp một phần rất lớn trong việc xây dựng những thương hiệu Việt vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập toàn diện của đất nước như hiện nay.

Năm 2007, năm đầu tiên Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - cũng là năm được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực tại cộng đồng doanh nghiệp.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, một năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh tốt đẹp, tiếp tục quảng bá và nâng cao thương hiệu của mình như một nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định về kinh tế - xã hội, lực lượng lao động trẻ, thông minh, khéo tay, tiếp thu nhanh, thị trường nội địa có sức mua tăng nhanh chóng, có vị trí địa lý chiến lược, có chính phủ sẵn sàng hợp tác và đối thoại với doanh nghiệp.

Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam từ du lịch đến dệt may, da giày, điện tử dân dụng... đã giới thiệu đất nước và con người Việt Nam là một đất nước mến khách, hữu nghị, một điểm hẹn của các nhà đầu tư. Số vốn và số dự án đầu tư nước ngoài tăng lên nhanh chóng thể hiện sự tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Số doanh nghiệp tư nhân trong nước đăng ký và số vốn đăng ký cũng tăng lên mạnh mẽ, tăng 24,8% so với 2006 và đạt 187,8 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, một năm gia nhập WTO vừa qua, một mặt đã cho thấy những bước phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tầm nhìn mới trong xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia song một mặt cũng làm nổi lên những khiếm khuyết cần phải khắc phục ngay.

Do đó, trước thềm trao giải thưởng Thương hiệu mạnh 2007, chiều ngày 24/3 Ban tổ chức cũng tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Vị thế thương hiệu Việt sau một năm hội nhập”. Tại cuộc hội thảo này, các diễn giả là các vị nguyên là lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế sẽ cùng nhau làm nổi bật những mặt được và chưa được.

Trong đó, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, TS. Lê Đăng Doanh và PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Quốc gia) sẽ có các bài tham luận về những biến động chung của nền kinh tế Việt Nam sau một năm hội nhập, năng lực cạnh tranh, xu hướng hợp tác và cạnh tranh giữa các thương hiệu, giới thiệu chương trình Thương hiệu Quốc gia (trong đó Thời báo Kinh tế Việt Nam là nhà truyền thông chiến lược).

Bên cạnh đó, TS.Lê Xuân Nghĩa (Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước), ông Lê Quốc Ân (Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam), TS.Nguyễn Hữu Lam (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị - Đại học Kinh tế Tp.HCM) sẽ phân tích tác động của một năm Việt Nam gia nhập WTO tới các lĩnh vực xuất khẩu, ngân hàng - tài chính, thương mại, nguồn nhân lực.

 



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường