Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vietfood giới hạn lượng gạo đăng ký xuất khẩu
27 | 03 | 2008
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) quy định, số lượng gạo trắng các loại mà mỗi DN được đăng ký xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm 2008 không quá 50% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân hai năm 2006-2007. Khi đăng ký hợp đồng, DN phải kèm báo cáo tồn kho tối thiểu 50% số lượng đăng ký (không kể hợp đồng tập trung và gạo nếp, gạo thơm).
Quy chế Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008 vừa được Chủ tịch Vietfood Nguyễn Thanh Phong ký ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ/HHLTVN ngày 26/3.

Theo đó, DN có nhu cầu xuất khẩu gạo các loại phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu mới được lập Tờ khai hải quan. Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của các DN không vượt quá cân đối định hướng từng quý của Bộ Công thương trên chỉ tiêu do Chính phủ công bố.

Hiệp hội cho biết, các DN Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được phép đăng ký hợp đồng xuất khẩu; ngoại trừ việc đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký các hợp đồng tập trung với Việt Nam (gồm NFA - Philippines; Bulog - Indonesia; Alimport - Cuba; Bernas - Malaysia).

Trong vòng 3 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng xuất khẩu gạo, DN phải gửi hợp đồng đã ký cho Hiệp hội để đăng ký hợp đồng hợp lệ trong vòng một ngày (8 giờ làm việc), kể từ ngày nhận được hợp đồng, để DN làm thủ tục giao hàng. Trường hợp không đăng ký, Hiệp hội phải có văn bản trả lời trong vòng một ngày sau đó.

Riêng các trường hợp DN đăng ký hợp đồng với số lượng xuất khẩu gạo lớn ảnh hưởng cân đối cung cầu, gây tác động bất lợi đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, Hiệp hội sẽ tham vấn ý kiến Bộ Công thương trước khi trả lời DN.

Vietfood yêu cầu, hợp đồng xuất khẩu gạo khi đăng ký phải hợp lệ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tỷ lệ dung sai ± 5%. Hợp đồng phải ghi rõ tên và địa chỉ người mua và người bán, tên hàng (từng loại gạo hoặc nếp), số lượng, chủng loại, quy cách, phẩm chất, giá cả, thời hạn giao hàng, phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Giá gạo xuất khẩu trong hợp đồng phải phù hợp với giá công bố của Hiệp hội tại thời điểm ký hợp đồng. Thời hạn giao hàng không quá 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Để kiểm soát việc lẫn giá đối với hợp đồng thương mại, nếu Hiệp hội xét thấy có nghi vấn không đúng giá thực tế sẽ phân bổ cho doanh nghiệp khác xuất khẩu ủy thác một tỷ lệ nhất định để kiểm tra giá.

Cũng trong sáng nay (26/3), Vietfood đã ban hành Quy chế Thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.

Việc lựa chọn DN dự thầu, giao dịch ký kết hợp đồng tập trung được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ công khai. HĐQT Hiệp hội sẽ họp với các DN có nhu cầu xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung, thống nhất tiêu chí lựa chọn đơn vị có năng lực về tài chính, tổ chức xuất khẩu gạo, có uy tín trong kinh doanh và đáp ứng điều kiện theo quy định của tổ chức mời thầu để quyết định cử DN tham gia dự thầu và giao dịch ký kết hợp đồng.

Theo quy định, DN trúng thầu hoặc được chỉ định để ký hợp đồng tập trung được xuất khẩu trực tiếp tối thiểu 30% số lượng hợp đồng. Số còn lại Hiệp hội phân giao cho các DN thành viên khác ủy thác xuất khẩu.

Trường hợp DN đã ký nhưng không thực hiện hoặc thực hiện một phần hợp đồng ủy thác sẽ bị chế tài theo quy định trong hợp đồng ủy thác và tùy theo mức độ vi phạm, Hiệp hội Lương thực sẽ không phân bổ hoặc phân bổ theo tỷ lệ đã thực hiện đối với các hợp đồng tập trung tiếp theo.

Hiện giá gạo thế giới đã tăng lên mức kỷ lục trong 34 năm qua, khi Philippines phải thanh toán gạo nhập khẩu trung bình với giá 708 USD/tấn, tăng gần 50% so với hồi cuối tháng 1/2008.

Việc tăng giá đáng kể này phản ảnh thị trường gạo đang thiếu nguồn cung sau khi các nước sản xuất chủ yếu như Ấn Độ và Việt Nam vừa công bố những quy định về hạn chế xuất khẩu gạo. Trong khi đó, theo các nhà kinh doanh, nguồn cung từ Thái Lan cũng giảm khoảng 50%.

Hà Yên - VietNamNet

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@aro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường