Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gánh nặng chất lượng đè lên cà phê Việt Nam
27 | 03 | 2008
Cà phê Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để nâng cao giá trị xuất khẩu, nhất là về thị trường, giá cả. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) Lương Văn Tự khẳng định, con số 2 tỷ USD thu về từ cà phê rất gần, nếu Việt Nam cải thiện được chất lượng cà phê - vốn là "gánh nặng" lâu nay.
Mô tả ảnh.
Cà phê Việt Nam có thể đạt kim ngạch 2 tỷ USD trong năm tới nếu chất lượng được cải thiện.

Hội tụ thuận lợi

Tại Hội thảo về Triển vọng Thị trường, Chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà phê Việt Nam 2008, diễn ra ngày 26-27/3, tại Hà Nội, ông Nesto Osorio, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), cho rằng, cung về cầu cà phê thế giới đang gặp nhau nên có thể nói, cà phê sản xuất ra bao nhiêu sẽ tiêu thụ hết bấy nhiêu. Riêng với Robusta, nhu cầu về cà phê này tiếp tục tăng 2-3%/năm.

Trong khi đó, giá cà phê thế giới nhiều tháng qua đã tăng lên mức rất cao. Đặc biệt, tháng 3/2008, giá Arabica thế giới đã tăng đáng kể và giá cà phê Robusta đã đạt mức cao nhất kể từ 14 năm qua vào ngày 5/3 khi leo lên ngưỡng 2.738 USD/tấn so với 2.100 USD/tấn đầu tháng 2/2008.

Ông Nesto Osorio dự đoán, từ nay đến niên vụ cà phê tới, giá cà phê sẽ vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay, nếu có tăng giảm cũng chỉ khoảng 20% quanh mức hiện tại.

Hiện Brazil - đối thủ lớn nhất của cà phê Việt Nam - đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi gặp rủi ro về thời tiết như sương giá, hạn hán. Đồng Real của nước này cũng bị mất giá nghiêm trọng (tới 35%) so với đồng USD nên xuất khẩu cà phê không mang lại nhiều lợi nhuận. Sức cạnh tranh của cà phê nước này, chính ông Carlos Brando đến từ Công ty P&A - DN sản xuất, chế biến cà phê lớn nhất Brazil và của thế giới, thừa nhận rằng đang có sự suy giảm rõ rệt.

Đối với mức giá cao như hiện nay, Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự khuyến cáo nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam nên theo sát thị trường, tham gia vào thị trường song thật bình tĩnh, không nóng vội. Để giữ được mức giá tốt, DN và người dân cần căn cứ vào tình hình thị trường để bán ra một lượng đều đặn.

Ông Tự cho rằng, thời gian qua, yếu tố đầu cơ trên thị trường rất lớn. Giá cà phê tuần qua đã giảm tới 500 USD/tấn, đến đêm qua (25/3) lại lên thêm 34 và 46 USD/tấn so với mức giao hàng trong tháng 7.

Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê xuất khẩu, riêng cà phê Robusta, chúng ta chiếm vị trí quán quân. Năm 2007, diện tích cà phê của Việt Nam khoảng 506.000ha, sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn, kim ngạch thu về từ cà phê là 1,85 tỷ USD.

Bà Jenny Scharrer (Tổ chức Prosperity Inititives), cho biết, Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn nhất từ việc tăng lượng tiêu thụ cà phê Robusta khi trong tương, việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu của các nước sản xuất. Do vậy, Robusta vẫn là mặt hàng có tính quyết định.

Thách thức chất lượng

Theo ông Nesto Osorio, mặc dù trên 67% trong tổng số cà phê nhân Việt Nam xuất khẩu niên vụ 2006-2007 đã được giao hàng đúng như Bản cam kết 420 của tổ chức này và 88% cà phê nhân Arabica, 15% Robusta đã được xuất khẩu dưới các tiêu chí đưa ra trong bản cam kết, song, từ 10/2006-6/2007, đã có tới 958.667 bao cà phê Việt Nam bị loại thải trên thị trường Liffe của NewYork, chiếm 74% tổng sản lượng cà phê bị loại thải tại thị trường này. Chất lượng đang là thách thức lớn nhất mà cà phê Việt Nam phải đối mặt.

Trao đổi với báo giới, ông Lương Văn Tự cũng nói rằng ông "rất buồn vì điều đó". Hiện tiêu chuẩn chất lượng cà phê Robusta Việt Nam đã được công nhận là phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới. Song, có quá nhiều nhà sản xuất, chế biến Việt Nam chưa áp dụng. Việc đưa ra lộ trình thực hiện tiêu chuẩn mới TCVN 4193:2005, sau nhiều lần bàn cãi, cũng phải lùi thời gian thực hiện đến năm 2009.

"Cần đẩy mạnh thông tin để người dân, DN thấy được ích lợi của việc nâng cao chất lượng và từ đó, áp dụng tiêu chuẩn cà phê 4193:2005 càng sớm càng tốt để nâng cao giá trị xuất khẩu", ông Tự nói.

Mô tả ảnh.
Thứ trưởng Lương Văn Tự: "Tôi rất buồn vì cà phê Việt Nam bị loại thải nhiều trên thế giới " (ảnh Đ.Nam)
Chính vì vậy, tuy Việt Nam đứng thứ hai về lượng cà phê xuất khẩu nhưng giá trị chỉ đứng thứ 4, thứ 5 do vấn đề chủ yếu nằm ở khâu chất lượng và kỹ thuật bán hàng, sự phối hợp chưa tốt giữa các nhà xuất khẩu cà phê.

Việc quan trọng hiện nay, theo ông Tự, là thay đổi cách thức thu hái, chế biến cà phê Việt Nam, không được hái cà phê xanh, cà phê non, tổ chức hái thành 2-3 lần. Hiện cà phê Việt Nam chỉ tuốt 1 lần, mà tỷ lệ này chiếm tới 88%. Nếu thay đổi thói quen đó, ông Tự cho rằng, mỗi năm chúng ta có thể thu thêm 100 triệu USD.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Phan Huy Thông cho biết, tỷ lệ vườn cà phê Việt Nam có tuổi từ 20-25 năm trở lên đang chiếm tới 22%, trong khi đó tỷ lệ vườn cà phê dưới 12 năm tuổi chỉ chiếm 50%. Cơ cấu sử dụng giống chọn lọc ở nhiều vườn cà phê cũng rất thấp, cao nhất như Đăk Lăk chỉ 25-30%, còn Lâm Đồng chỉ đạt 4-5%.

Về quy trình chăm sóc cà phê cũng có nhiều bất cập khi 50% số hộ dân sử dụng phân bón đúng cách, còn việc tưới nước luôn vượt quá 500-700 m3/ha/vụ và chỉ 5% diện tích được tưới theo công nghệ phun mưa.

Nếu khắc phục được những điểm yếu này, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ tăng trong khi diện tích vẫn giữ được ổn định. Thậm chí, ông Lương Văn Tự còn khuyến cáo các vườn cà phê cỗi (từ 20 năm tuổi trở lên) hoàn toàn có thể chyển đổi sang trồng ca cao bởi chỉ vài ba năm nữa, giá ca cao thế giới sẽ tăng rất mạnh. do các nước đã bán hết lượng ca cao sản xuất ra trong 3 năm tới.

Hơn nữa, Brazil cho biết nước này cũng đang đẩy mạnh diện tích và sản lượng cà phê Robusta. 100% lượng cà phê Robusta của nước này tiêu thụ trong nước, với khoảng 11-12 triệu bao năm 2007. Việt Nam là quốc gia có lợi thế về chi phí đầu vào thấp nên mức giá cao hiện nay rất có thể dẫn tới hiện tượng phát triển tự phát của một loạt các địa phương trồng cà phê. Nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng cà phê thời kỳ trước đó là rất lớn.

Trên thực tế, tại Lâm Đồng, ước lượng cho thấy niên vụ 2008-2009 diện tích cà phê toàn tỉnh đã tăng 2,6%, lên gần 131.600ha so với niên vụ trước. Tại Đăk Lăk, riêng trong năm 2007 cũng có trên 3.533ha cà phê được trồng mới.



Hà Yên - vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường