Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Làm giàu nhờ nông trường cà phê
02 | 04 | 2008
"Mình làm giàu là nhờ nông trường cà phê cả đấy"! Đó là lời bốc bạch chân tình của tỷ phú Y Sem Niê, người dân tộc Êđê, ở buôn Ea K’Tua, xã Ea K’Tua, huyện Cư Kuin (Đắc Lắc) khi nói về cách vươn lên làm giàu của mình ^từ những vườn cà phê nhận khoán của nông trường.
Anh Y Sem Niê cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở buôn Ea K'Tua, lúc nhỏ, ngày một buổi đến trường, một buổi theo ama, amí (cha mẹ) lên nương, lên rẫy trỉa lúa, trồng ngô để tìm cái ăn, vậy mà năm nào gia đình cũng thiếu trước hụt sau, đến mùa giáp hạt lại phải vào rừng đào củ mài về ăn thay cơm. Thế rồi, Tổng công ty cà phê Việt Nam thành lập Nông trường cà phê Ea Sim tại xã, tiếp nhận nhiều gia đình đồng bào dân tộc Êđê ở địa bàn vào làm công nhân cho đơn vị, trong đó có gia đình Y Sem Niê. Cũng trong thời điểm này, Y Sem Niê vừa tốt nghiệp xong trung học phổ thông nhưng không thi vào đại học mà tình nguyện xin vào làm công nhân nông trường. Những ngày đầu làm công nhân, do chưa quen với giờ giấc cũng như công việc trồng mới, chăm sóc cây cà phê luôn đi muộn, về sớm, chân tay cứ lóng ngóng với cây cà phê. Sau đó, được cán bộ kỹ thuật của nông trường hướng dẫn, giúp đỡ Y Sem Niê ngày một tiến bộ. Không bao lâu sau, Y Sem Niê đã thành thạo trong việc đánh nhánh, tỉa cành, tạo bồn, chăm sóc cho cây cà phê đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây của anh nhận làm lúc nào cũng xanh mát mắt, sai quả. Tuy nhiên, dưới thời bao cấp, người làm nhiều cũng như người làm ít đều đến tháng lại nhận lương như nhau nên cũng ít người nhiệt tình, hăng say chăm sóc vườn cây. Đến năm 1992, Nông trường Ea Sim thực hiện khoán vườn cây lâu dài cho công nhân, nhiều người còn chần chừ, nhận ít diện tích, riêng đối với anh Y Sem Niê nhận liền một lúc 8 ha cà phê kinh doanh liền vùng, liền khoảnh, với mức khoán 600 kg/ha. Ban đầu cũng có nhiều người trong buôn, trong xã có lời ra, tiếng vào cho rằng, anh Y Sem Niê một mình nhận nhiều diện tích cho lắm, làm ra hạt cà phê nào rồi nông trường cũng lấy hết thôi. Mặc cho những lời dị nghị, anh về động viên gia đình dành thêm vốn mua vật tư phân bón, thuê mướn thêm nhân công đầu tư chăm sóc vườn cây. Anh tận tình chỉ cho số nhân công mới từ chỗ kỹ thuật cắt tỉa cành vượt, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn tạo tán cho cây cà phê đến quy trình kỹ thuật tưới nước, bón phân trong các giai đoạn bón thúc, bón gốc, bón nuôi dưỡng hoa, trái, phòng trừ sâu bệnh... để đạt năng suất cao, ổn định. Nhờ vậy, từ vườn cây xấu, năng suất thấp, đến niên vụ cà phê 1994-1995, sau khi nộp đủ sản lượng khoán, anh Y Sem Niê còn thu về 30 tấn cà phê vượt khoán. Đây cũng là năm cà phê nhân còn được giá, anh bán thu nhập được trên 750 triệu đồng.

Có vốn trong tay, anh Y Sem Niê chưa vội xây nhà, mua xe máy mà anh chuyển 2 ha đất rẫy trồng lúa cạn năng suất thấp sang trồng cà phê, đầu tư đào 3 giếng nước ngay tại rẫy cà phê, mua thêm máy bơm, giàng ống tưới (tưới phun mưa), phân bón về phục vụ thâm canh cây cà phê. Và cứ thế, trên diện tích 10 ha cà phê kinh doanh (8 ha nhận khoán nông trường, 2 ha riêng gia đình) của anh Y Sem Niê được đầu tư thâm canh thích đáng, năng suất luôn ổn định đạt từ 3 tấn cà phê nhân trở lên trên một ha, năm nào anh cũng giao nộp sản phẩm kịp thời cho nông trường đảm bảo số lượng, chất lượng cà phê. Niên vụ cà phê 2006 - 2007, nhiều nơi bị mất mùa nhưng anh vẫn vượt khoán trên 30 tấn cà phê nhân, thu về xấp xỉ gần 1 tỷ đồng.

Từ tấm gương lao động sản xuất giỏi của anh Y Sem Niê, nhiều đồng bào Êđê ở buôn, ở xã Ea K'Tua học tập và làm theo. Hiện nay, ở buôn Ea K'Tua không còn hộ đói, 65% số hộ gia đình có thu nhập mỗi năm từ 20 triệu đồng trở lên, 14 gia đình có thu nhập 100 triệu đồng cũng từ cây cà phê, chăn nuôi trâu, bò, lợn./



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường