Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới ’ khủng hoảng gạo’
03 | 04 | 2008
Từ đầu năm 2008 đến nay, giá gạo đã tăng gấp đôi. Theo dự đoán của bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2008 trữ lượng gạo toàn cầu sẽ giảm xuống tới mức thấp nhất trong 25 năm qua, có thể gây ra “cơn đói” mới.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ Thái Lan tăng từ 360 USD/tấn vào cuối năm ngoái lên 760 USD/tấn vào 27.3.

Dân đổ xô đi mua gạo

Hong Kong xuất hiện hiện tượng hiếm có, người dân đổ xô đến các siêu thị mua gạo sau khi có thông tin giá gạo giao hàng của Thái Lan có thể tiếp tục tăng đến 1.000 USD/tấn trong thời gian tới.

Người phụ trách nhập khẩu gạo tại Hong Kong, ông Lý Phong Niên cho biết gạo Thái Lan chiếm hơn 90% thị trường Hong Kong. USD suy yếu so với đồng baht khiến người Hong Kong phải trả thêm tiền mua gạo, cộng với tình trạng cung không đủ cầu, khiến giá gạo tại Hong Kong tăng lên. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ tại Hong Kong chỉ tăng giá nhẹ khoảng 5%.

Ngày 30.3, tại các siêu thị lớn của Hong Kong, nhiều khách hàng ra về với xe đẩy toàn gạo, xách từng bao gạo từ nhỏ đến lớn về nhà, mỗi bao nặng từ 5-10 kg.

Tuy nhiên, phó giám đốc hiệp hội Thương mại thực phẩm Hong Kong Lý Hoàng Lâm cho rằng: “Các doanh nghiệp nhập khẩu của Hong Kong vẫn đủ dự trữ hàng. Hiện tượng đổ xô đi mua gạo là do người dân quá lo lắng”. Hiện nay, Hong Kong nhập khẩu gạo 30.000 tấn/tháng, còn dư 17% để dự trữ, đủ cho dân Hong Kong ăn trong 15 ngày.

Nông dân, nhà buôn đều đầu cơ

Theo tờ Wall Street Journal, tình trạng đầu cơ lan rộng ở các nước châu Á càng làm tình trạng thiếu gạo ở châu Á và châu Phi xấu đi, có thể gây bất ổn lan rộng.

Chủ tịch của hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse cho biết nông dân và các nhà máy xay lúa đang dự trữ gạo khi giá cả tiếp tục tăng cao. Ông Ophaswongse cũng cho biết các nhà xuất khẩu đã ký hợp đồng bán gạo cho nước ngoài giờ sẵn sàng huỷ hợp đồng và chấp nhận bồi thường vì không có đủ gạo hoặc để chờ giá gạo lên cao.

Tổng giám đốc của viện Nghiên cứu gạo quốc tế ở Philippines, ông Robert Zeigler, cho biết: “Toàn bộ thị trường có thể bị tê liệt. Ai chịu bán gạo với giá 750 USD/tấn một khi họ nghĩ giá có thể chạm đỉnh 1.000 USD/tấn?”

Hiện tượng đầu cơ tích trữ này sẽ khiến các nước nhập khẩu lớn như Indonesia và Iran có thể phải “vật vã” để đảm bảo đủ gạo trong 3 – 4 tháng tới, vì mỗi nước dự tính sẽ phải nhập thêm 1 triệu tấn gạo.

Các chính phủ ra tay

Vào hôm 28.3, Ấn Độ đã đưa ra một mục tiêu mới cho thị trường: đề ra mức giá tối thiểu cho gạo xuất khẩu là 1.000 USD/tấn để khuyến khích các nhà buôn nên bán gạo cho thị trường trong nước thay vì chờ đợi giá tăng.

Ở Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo đang xem xét việc hoãn lại việc lấy đất nông nghiệp để phát triển nhà đất và các sân golf. Nội các nước này cũng đã yêu cầu các nhà hàng thức ăn nhanh chỉ phục vụ nửa phần cơm so với trước để giảm lượng gạo tiêu thụ trong nước. Tổng thống Arroyo cho biết chính phủ sẽ nâng sản lượng gạo lên 7% trong năm nay. Bộ trưởng Tài chính Philippines Margarito Teves cho biết đang xem xét đề xuất cắt giảm 50% thuế nhập khẩu gạo của ngân hàng Thế giới.

Tại Trung Quốc, chính phủ cho biết sẽ trả thêm tiền mua gạo và lúa mì cho người nông dân. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đã đóng băng giá bán lẻ gạo, dầu ăn và các mặt hàng khác nhằm kìm hãm giá tiêu dùng trong nước tháng 2.2008 vốn đã tăng 23,3% so cùng kỳ 2007.

Chính phủ nhiều nước như Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia… đã hạn chế xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.





Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường