Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp miền Trung - Tây nguyên: Muốn phát triển phải hợp tác
05 | 04 | 2008
Miền Trung - Tây nguyên (MT-TN) hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp (DN). Liên kết để phát triển - vấn đề mấu chốt và sống còn của MT-TN, đã được bàn bạc và tranh luận quyết liệt tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần I (tháng 4-2007 tại Quảng Nam), sẽ được tiếp tục tại Diễn đàn lần 2-2008 (ngày 24-4 tại Đà Nẵng) với chủ đề "Doanh nghiệp miền Trung: hợp tác - phát triển".

Mở đầu diễn đàn này, chúng tôi giới thiệu đánh giá, nhận định của ông Nguyễn Diễn - phó giám đốc Phòng Thương mại & công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, nơi hội tụ các khối DN MT-TN.

* Là cơ quan đồng hành với công cuộc làm ăn của DN ở MT-TN, ông đánh giá sự đổi thay của DN những năm vừa qua?

- Kể từ khi VN gia nhập WTO, các DN MT-TN có sự phát triển nhanh hơn trước, nhận thức và khả năng vươn ra thị trường nước ngoài của các DN đã thay đổi rõ rệt. Nhưng điều đó tập trung vào những DN lớn, DN xuất nhập khẩu. Còn phần lớn DN chỉ biết về hội nhập WTO ở mức độ. Nếu so với tiến trình hội nhập và làm ăn của DN hai miền Nam Bắc, tốc độ phát triển không theo kịp.

Theo tôi, DN MT-TN do yếu về vốn, thị trường nhỏ, sức mua thấp nên khó phát triển nhanh. Ở MT-TN có trên 95% DN nhỏ và vừa. Việc chậm phát triển này có yếu tố lịch sử chứ không phải do các chính sách địa phương khó khăn.

Vài năm trở lại đây, khó khăn vốn đã lắng xuống nhưng nổi lên bức xúc về nguồn nhân lực. Trình độ và sự biến động lao động đã đẩy các DN rơi vào thế bị động trong sản xuất. Các DN ở MT-TN còn nan giải về mặt bằng, công nghệ.

* Vì thế, ở MT-TN có quá ít DN lớn, có thương hiệu mạnh?

- Ở MT-TN, các DN làm ăn tốt đều là DN xuất khẩu hoặc DN xây dựng cơ bản các công trình, dự án vốn nhà nước. Còn DN sản xuất hàng tiêu dùng cung cấp thị trường nội địa rất ít, DN sản xuất hàng công nghiệp phụ trợ lại càng hiếm. Cũng chính thị trường nhỏ, sức mua thấp, nên các DN không mạnh dạn đầu tư hoặc mở rộng sản xuất.

Các cá nhân và đơn vị có nhu cầu tham dự diễn đàn hoặc đăng ký bài tham luận, xin liên hệ bộ phận thư ký thường trực: 08.4365981 (nhấn số 12 gặp cô Trần Thị Lương - ĐTDĐ: 098 7277385 hoặc nhấn số 23 gặp anh Sỹ Dũng - 093 8536598), fax: 08.5899505, email: info@hoanhan.com.

* DN ở MT-TN chậm phát triển như ông nói. Vậy thì trở ngại nằm ở đâu?

- Trở ngại lớn nhất là về cơ sở hạ tầng. Việc vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa khó khăn rất rõ. Cảng miền Trung nhiều nhưng nằm rải rác trên dải đất hẹp, không có hậu cần thị trường hàng hóa lớn như Tây Nam bộ, châu thổ sông Hồng. Câu chuyện này đã được nhắc đến nhiều lần, đó là: nguồn hàng ít, cảng phân tán, tàu thưa nên giá cước cao, không bảo đảm thời gian gom hàng. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng nhiều DN ở MT-TN phải chở hàng xuất khẩu vào tận TP.HCM để xuống tàu.

Thứ hai là thiên tai bão lụt năm nào cũng có. Cách DN tự cứu mình là phải mua bảo hiểm. Xây dựng DN ở miền Trung phải tính đến việc sống chung... với bão lũ. Chẳng hạn như trong cùng KCN Hòa Khánh, tại sao nhà xưởng của các DN Nhật không bị sụp đổ mà các DN VN bị hư hại nặng nề? Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng là một việc quá tầm tay của DN. Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các tổ chức quốc tế cần có những giải pháp mạnh về bài toán hạ tầng ở MT-TN.

* Vì thế DN mới cần cơ chế, chính sách đặc thù chứ, thưa ông?

- Không thể có một chính sách riêng cho MT-TN được. Chính sách nhiều địa phương MT-TN hiện quá thông thoáng. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ giữa chính sách và thực hiện. Chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... hiện đang được đánh giá rất cao. Tiềm năng dồi dào, chính sách thông thoáng, nhưng tại sao thu hút đầu tư vẫn chưa cao?

* Phải chăng nằm ở thủ tục hành chính, thưa ông?

- Thủ tục hành chính đã được gỡ bỏ rất nhiều. Hiện số DN than phiền về thủ tục nhiêu khê còn ít. Có nhiều vụ bị "hành" nhưng DN không dám ra mặt, chỉ phản ảnh thư nặc danh, mặc dù vấn đề họ khiếu nại là có cơ sở, là quyền lợi chính đáng. Vẫn còn hiện tượng DN sợ bị trù dập, muốn tìm "hai chữ bình an" để làm ăn. Các DN ở MT-TN có tư tưởng không muốn đối đầu, không nên tranh chấp với cơ quan nhà nước.

* Bởi họ thiếu sự hợp tác, liên kết. Ông nghĩ sao?

- Đúng vậy. Tiếng nói đơn lẻ không trọng lượng bằng tiếng nói một tổ chức hợp tác. Trong rất nhiều vấn đề làm ăn, các DN MT-TN thiếu tính liên kết, khó ngồi lại với nhau. Đặc biệt là ở Bình Định, Gia Lai, mặt hàng gỗ hiện nay xuất khẩu rất mạnh. Dù hoạt động chung trong các hiệp hội, nhưng các DN nhập khẩu gỗ tròn vẫn mạnh ai nấy nhập, không hiệp lực tổ chức trồng rừng tạo nguồn nguyên liệu; và xuất khẩu thì tự ai nấy xuất. Các DN cạnh tranh nhau nên xuất với giá rất thấp. Đến mức châu Âu đe dọa áp thuế chống bán phá giá. Hai hiệp hội gỗ Quảng Ngãi và Bình Định bàn thành lập công ty lo nguyên liệu đầu vào nhưng bàn mấy năm chưa xong. Vì thế từng DN chạy đôn chạy đáo tìm gỗ. Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng tương tự: giành nhau mua hàng rồi tranh nhau xuất khẩu.

Chuyện còn thời sự là mới đây Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa, du khách đến đông nên "cháy" phòng khách sạn. Thế là các khách sạn đua nhau tăng giá, đồ ăn đồ uống cũng đẩy lên theo. Các doanh nghiệp lữ hành, du khách kêu trời. Liệu khách có đến lại lần hai? Ai thiệt? Chính là các khách sạn tự hại mình. Bất cứ nền kinh tế mạnh nào cũng có hai yếu tố: hợp tác và cạnh tranh. Hiện nay các DN MT-TN cạnh tranh thì rất rõ nhưng hợp tác không bao nhiêu, rất ít mô hình hợp tác tốt.

* Miền Trung có điểm chung nhất là bờ biển nhưng cũng khai thác tự phát, ông có nhận ra điều này?

- Thế mạnh về bờ biển sạch, đẹp, nguyên sơ là có. Các ý kiến đó còn muốn nói đến hệ thống các cảng biển và ngư trường rộng lớn. Việc khai thác hiện chủ yếu chỉ là những DN nước ngoài đầu tư vào du lịch biển. Cái mà kinh tế miền Trung cần nữa là công nghiệp đóng tàu và đánh bắt thủy sản. Cả hai ngành công nghiệp có lợi thế dựa vào biển rất lớn này chưa phát triển gì cả.

Một vùng đất nằm bên bờ biển mà việc khai thác và xuất khẩu thủy sản của miền Trung vẫn chưa lớn, không bằng ngành nuôi trồng thủy sản ở những khu vực khác (như Nam bộ); cũng bởi vì tàu đánh bắt nhỏ, không có công nghiệp đánh bắt. Toàn miền Trung nguồn thủy sản đánh bắt chỉ dựa vào đội tàu ngư dân; chưa có DN nào nhảy vào lĩnh vực được xem là thế mạnh của miền Trung này cả.

Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2-2008 do báo Tuổi Trẻ và Công ty truyền thông Hòa Nhan tổ chức, UBND TP Đà Nẵng là đơn vị đăng cai đồng thời là chủ tịch diễn đàn; với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch - đầu tư và Phòng Thương mại & công nghiệp VN, diễn ra ngày 24-4-2008 tại khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng.

Với chủ đề: Doanh nghiệp miền Trung: hợp tác - phát triển, Diễn đàn kinh tế miền trung 2008 sẽ trao đổi và tranh luận về việc đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp tại miền Trung, xoay quanh ba vấn đề cốt yếu: vốn, nhân lực và mô hình doanh nghiệp.

Với sự tham gia của lãnh đạo trung ương cùng các bộ ngành; UBND các tỉnh thành MT-TN cùng các sở ngành về kinh tế; các tổ chức kinh tế; các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp ở MT-TN và trong, ngoài nước; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và giới truyền thông trong và ngoài nước. Thành phần đông nhất trên diễn đàn là các doanh nghiệp và doanh nhân đang làm ăn tại MT-TN, hoặc đang có ý định đầu tư vào vùng đất này.  



Nguồn: Doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường