Khẳng định lượng khách đến các siêu thị vẫn không giảm sút nhưng bà Vũ Thị Hậu - Phó GĐ Công ty Nhất Nam - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart lại chia sẻ: khách hàng chỉ quan tâm đến những mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm.
“Điều này đồng nghĩa với sự cắt bớt, hạn chế sắm sửa các mặt hàng chưa thực sự cần thiết, các mua sắm thêm tại siêu thị” - bà Hậu, cho hay.
Cũng chung nhận định, một lãnh đạo của hệ thống siêu thị Intimex ước đoán, giá trị giỏ hàng mà khách thanh toán hiện đã giảm trung bình khoảng 10% so với trước đây.
Việc sụt giảm về doanh số (dù ít hay nhiều) được cho là “tình cảnh chung” của phần đông siêu thị tại Hà Nội lúc này.
Thậm chí, dù khẳng định “chưa sụt giảm nhiều về doanh số”, nhưng người phụ trách marketing của hệ thống Citymart đã không giấu giếm khi cho rằng: “Nếu giá cả còn tăng cao, đến một mức độ nào đó, khách hàng sẽ so sánh giá và tìm đến với thị trường bên ngoài”.
Siêu thị vừa và nhỏ gặp khó
“Giá các mặt hàng tăng từ 5 - 10%, cá biệt có mặt hàng đòi tăng 20% khiến lượng tiền mà siêu thị phải thanh toán các đơn hàng với nhà cung cấp tăng lên. Đây đang là khó khăn chủ yếu của các siêu thị vừa và nhỏ hiện nay” - đại diện hệ thống siêu thị Citymart, nói.
Nhà sản xuất cần siêu thị để đảm bảo lượng hàng, đầu ra cho sản phẩm. Do đó, siêu thị càng lớn thì càng có uy lực khiến nhà sản xuất nhiều khi phải chấp nhận giảm mức lãi, giảm giá sản phẩm để đạt doanh số lớn. Tuy nhiên, hầu hết siêu thị tại Hà Nội hiện nay chưa đủ hấp dẫn với các nhà sản xuất, chưa đủ sức mạnh để đàm phán nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên. (Nguyễn Thái Dũng – Phó TGĐ BigC Thăng Long) |
Khả năng tài chính có hạn, doanh số bán ra không lớn khiến các siêu thị vừa và nhỏ chưa thực sự hấp dẫn và có đủ sức mạnh khiến các nhà sản xuất, cung cấp phải chấp nhận giảm lãi, giảm giá sản phẩm để được có mặt trong hệ thống phân phối – như các siêu thị lớn.
Nói cách khác, hiệu quả từ việc “mặc cả giá” với các nhà cung cấp của các siêu thị nhỏ lẻ hiện nay luôn hạn chế hơn rất nhiều so với những siêu thị có doanh số lớn.
Chưa kể, chiếm đa số (khoảng 60%) trong tổng mặt hàng có trong các siêu thị nhỏ và vừa thường là hàng ký gửi, cho nên giá cả của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào giá mà nhà sản xuất, cung cấp đưa ra.
Mặt khác, cũng do vấn đề tài chính, các siêu thị nhỏ và vừa gần như không thể sánh được với những siêu thị lớn trong việc mua được nhiều hàng (giá sẽ thấp hơn) cũng như có được các cam kết chắc chắn về lượng hàng, giá cả nhờ việc đặt, trả trước một phần tiền cho nhà sản xuất trong trường hợp cần thiết.
Sức mua ở các siêu thị nhỏ và vừa sẽ không chỉ sụt giảm so với các siêu thị lớn mà nếu giá cả tiếp tục tăng cùng chi phí tổ chức, hoạt động cao, đến một lúc nào đó, không ít khách hàng sẽ tìm đến với các chợ, các cửa hàng tiện lợi để được mức giá tốt nhất.