Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hiểm nông nghiệp: Những vấn đề cần giải quyết?
09 | 04 | 2008
Là một nước nông nghiệp nhưng thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại kém phát triển. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và giải pháp khắc phục ra sao?
Hằng năm, Việt Nam phải gánh chịu nhiều thảm hoạ thiên tai, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người nông dân. Những năm gần đây, người nông dân bị bao phen khốn đốn vì gà, vịt chết trong dịch cúm gia cầm, lợn chết vì bệnh tai xanh, trâu bò chết vì dịch lở mồm long móng. Nhiều hộ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long cũng bỗng chốc trắng tay vì tình trạng tôm chết trắng ao đồng.

Gần đây nhất, trong đợt rét đậm rét hại, nông dân lại điêu đứng vì hàng vạn trâu, bò chết và hàng trăm ngàn ha lúa, màu bị hư hại. Tính ra mỗi năm, tổng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp lên tới gần 5% GDP của cả nước.

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp, 60-70% dân số sống ở nông thôn, lẽ ra bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) có một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia BHNN của nông dân Việt Nam rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. BHNN ở Việt Nam hiện nay không những không phát triển được mà đang có nguy cơ tàn lụi. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, người nông dân phải đơn thương độc mã chống chọi với ông trời.

Thị trường BHNN mặc dù “mênh mông” nhưng các nhà bảo hiểm không mặn mà. Tập đoàn Bảo Việt sau một thời gian triển khai thí điểm BHNN trên cây lúa bị thua lỗ, hiện nay đã thu hẹp hoạt động, chỉ nhận bảo hiểm cho một số cây công nghiệp như cao su, và đang thí điểm bảo hiểm cho cá tra, basa xuất khẩu. Doanh nghiệp bảo hiểm Groupama, 100% vốn của Pháp, mấy năm nay đang vật lộn với BHNN nhưng chưa thành công. Những yếu tố như: tập quán chăn nuôi nhỏ, mức thu nhập thấp, người nông dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHNN... được các công ty bảo hiểm đánh giá là những yếu tố rủi ro. Thêm nữa ở Việt Nam, thiên tai xảy ra liên miên, khó đoán trước được.

BHNN là lĩnh vực hoạt động phức tạp, tốn kém và khả năng sinh lợi thấp, rất dễ bị thua lỗ. Các công ty bảo hiểm, họ là doanh nghiệp, phải kinh doanh có lãi, không thể bắt các doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ không có lãi nếu không có sự bù lỗ, hay được hưởng lợi từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, BHNN không phải là dịch vụ kinh doanh phát triển. Quốc gia nào muốn phát triển thị trường BHNN phải có sự trợ giúp của Nhà nước. Do vậy, để phát triển BHNN, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt thông qua các đòn bẩy kinh tế. Thêm nữa, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần phí BHNN cho những đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở những vùng có nhiều thiên tai, hoặc dịch bệnh.

Ý kiến nhà chuyên môn

** Ông Lê Quý Đăng, Cục phó Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT: Doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân chưa “gặp nhau”.

Hiện nay, BHNN chỉ nhận bảo hiểm cho các loại cây, con ít rủi ro. Những loại cây, con nhiều rủi ro, người nông dân muốn mua bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo hiểm không dám nhận, còn những loại cây, con ít rủi ro, doanh nghiệp nhận bảo hiểm thì nông dân không muốn mua. Tóm lại là tiếng nói của nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau. Ở một nước nông nghiệp, việc phát triển thị trường BHNN là rất cần thiết. Các cấp, các ngành, liên quan nên nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm triển khai BHNN, vừa giúp bà con khắc phục khó khăn sau rủi ro, đồng thời, Chính phủ cũng giảm được gánh nặng. Tôi đồng ý là Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia BHNN, nhưng mức hỗ trợ như thế nào để người nông dân và doanh nghiệp xích lại gần nhau là bài toán khó hiện nay.

** Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính: muốn phát triển phải theo mô hình mới.

Hoạt động trong lĩnh vực BHNN hiện có Tập đoàn Bảo Việt, Doanh nghiệp bảo hiểm Groupama, 100% vốn của Pháp. Bộ Tài chính cũng đã nhận được yêu cầu của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, và công ty bảo hiểm của Ngân hàng NN&PTNT xin phép được tham gia thị trường BHNN dựa trên các chỉ số về thời tiết.

BHNN chưa phát triển được một phần là do hiện nay chưa có một phương pháp đánh giá nào chính xác giúp doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro và phân định thiệt hại một cách khách quan. Để BHNN triển khai thành công đòi hỏi phải có giải pháp mang tính tổng thể từ phía Bộ Tài chính, các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, và sự ủng hộ tích cực của bà con nông dân. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp tham gia BHNN là rất cần thiết, không chỉ là cơ chế, chính sách mà còn cả trong nghiên cứu khoa học, đưa ra những sản phẩm mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp xác định rủi ro. Thay vì mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước hỗ trợ nông dân một phần kinh phí thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia BHNN, để doanh nghiệp cùng gánh vác trách nhiệm với Nhà nước. Trong khi thị trường BHNN chưa mấy phát triển, người nông dân cũng có thể liên kết xây dựng mô hình bảo hiểm tương hỗ, để hỗ trợ cho nhau lúc khó khăn.

Hiện nay, ngân hàng, với tư cách là quỹ tín dụng, cho bà con nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Khi nông dân gặp khó khăn, ngân hàng thực hiện một số giải pháp như khoanh nợ, giãn nợ. Nếu BHNN tham gia vào quá trình này thì việc giãn nợ, khoanh nợ, thậm chí không trả được nợ do rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, công ty bảo hiểm sẽ bồi hoàn cho ngân hàng số tiền mà bà con nông dân đã vay. Như thế, những ai tham gia BHNN sẽ vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn.

BHNN muốn phát triển phải theo mô hình mới chứ không phải theo mô hình bảo hiểm truyền thống nữa. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đề án nghiên cứu thí điểm thực hiện BHNN dựa trên các chỉ số về thời tiết. ở Pêru, ấn Độ, những nước cũng thường xuyên phải gánh chịu thiên tai như Việt Nam, đã thực hiện rất thành công mô hình bảo hiểm này.

** Ông Hoàng Xuân Điều, Phó Trưởng phòng bảo hiểm xe cơ giới, Tập đoàn Bảo Việt: BHNN có quá nhiều rủi ro nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bảo Việt đã tốn nhiều công sức trong nghiên cứu phát triển BHNN nhưng chưa mấy thành công. Vì muốn triển khai BHNN, chúng tôi phải xác định được mức độ rủi ro có thể xảy ra, nhưng loại hình bảo hiểm này rất khó tính chi phí rủi ro. Tập đoàn Bảo Việt tham gia hoạt động BHNN từ năm 1980, thí điểm nhận bảo hiểm trên cây lúa ở hai huyện Nam Ninh, Vụ Bản (Nam Định). Năm 1993-1998, Bảo Việt mở rộng BHNN trên phạm vi 16 tỉnh. Từ năm 1999, Bảo Việt ngừng triển khai bảo hiểm trên cây lúa do thua lỗ. BHNN chưa triển khai mạnh được vì: Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp chịu yếu tố rủi ro thiên tai lớn. Thứ hai, đối tượng đa dạng nên doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong đánh giá rủi ro, cũng như chọn đối tượng tham gia bảo hiểm. Thứ ba, đứng sau BHNN phải có ngành tái bảo hiểm, nhưng thị trường nhận tái BHNN chưa phát triển mạnh. Thứ tư, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, về kinh phí. Hiện nay, Bảo Việt chỉ nhận bảo hiểm cho một số cây công nghiệp như cao su, cho bò sữa, và đang thí điểm bảo hiểm trong nuôi cá tra, cá basa xuất khẩu.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã chứng minh được, BHNN không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp mà là việc của toàn xã hội thông qua các chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm. BHNN có rất nhiều rủi ro có mang tính thảm họa, cho nên việc hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. ở nhiều nước, Nhà nước không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia BHNN, mà các doanh nghiệp hướng vào nông dân cũng được Nhà nước dành cho một số ưu đãi nhất định./.

BHNN là một nghiệp vụ bảo hiểm phi nông nghiệp, có đối tượng bảo hiểm là các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn, bao gồm những rủi ro gắn liền với: cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu nhà xưởng. Đồng thời, nó cũng là nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ có đối tượng bảo hiểm giới hạn trong các rủi ro gắn liền với cây trồng và vật nuôi.


Tuy nhiên, không phải mọi rủi ro trong sản xuất nông nghiệp đều có thể được bảo hiểm, đặc biệt là những rủi ro mang tính thảm họa (bao gồm thiên tai, dịch bệnh...)./.



Nguồn: Báo TNVN

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Báo cáo phân tích thị trường