Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiềm chế tăng giá: Các siêu thị vẫn mạnh ai nấy làm!
10 | 04 | 2008
Hệ thống phân phối có vai trò rất lớn trong việc hạn chế sự tăng giá bất hợp lý của nhà cung cấp nhưng mối liên kết rời rạc, riêng lẻ kiểu “thân ai nấy lo” của các siêu thị hiện nay, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - là “rất nguy hiểm cho đất nước, cộng đồng”.





Xin ông cho biết, các siêu thị đang gặp khó khăn như thế nào khi giá cả đã và dự báo còn tăng tiếp?


Ông Vũ Vinh Phú: Ngoại trừ các siêu thị nhỏ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất, ngay các siêu thị lớn như BigC, Metro cũng bị tác động mỗi khi giá cả lên, bởi ít nhất họ phải đắn đo trong mua bán hơn.
Hiện nay, các siêu thị vừa và nhỏ đã âm ỷ khó khăn rồi. Giá lên cao, họ phải bỏ thêm một lượng tiền để mua hàng vào. Ví dụ như cùng một số tiền, trước mua được 1 lít dầu ăn, nay chỉ còn 0,8 lít.
Trong hạch toán tài chính doanh nghiệp, bao giờ cũng xây dựng quỹ dự phòng. Quỹ này phải bổ sung 1 phần cho vốn lưu động bị giảm do vấn đề trượt giá. Trong khi siêu thị lại không thể bù lại bằng giá bán được, bởi tăng quá là khách không mua. Do đó, vốn lưu động của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị nhỏ nếu không bổ sung kịp sẽ bị cụt dần.
Phải liên kết, hợp lực

- Các biện pháp mà các siêu thị cần làm ngay hiện nay là gì, thưa ông?

Các siêu thị, nhà phân phối phải liên kết, hợp lực, nâng đỡ nhau, chứ mỗi siêu thị như con thuyền nan nhỏ, không thể giải quyết được. Chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, khi nhà cung cấp đòi tăng giá, siêu thị phải xem xét hợp đồng, đàm phán kỹ để thấy đâu là cái tăng giá hợp lý. Hoặc có tăng, cũng phải xem ở mức nào để đảm bảo quyền lợi hai bên.
Thứ hai, bản thân mỗi DN kinh doanh siêu thị phải rà soát lại các khâu tổ chức, phân công hợp lý để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí lưu thông, đảm bảo giảm giá tương đối cho khách hoặc tăng giá một cách phù hợp.
Hiện nay có tình trạng, một số siêu thị cộng thêm chiết khấu lên đến 30% làm thành giá bán. Trong khi chi phí lưu thông bình quân, nếu lớn là 20%. Tôi cho rằng, cần giữ mức chiết khấu hàng hoá hợp lý, loại trừ việc ngay chính siêu thị cũng tâng giá lên.
Thứ ba, phải khai thác các mặt hàng thay thế, mặt hàng hỗ trợ; thu mua tận gốc, không qua các khâu trung gian. Siêu thị phải chủ động liên kết với các tỉnh, các vùng nguyên liệu để có hàng, từ đó đặt cơ sở lâu dài cho vấn đề liên kết với bà con, với trang trại để đưa hàng về, tránh kiểu ngồi chờ để bà con mang hàng đến rồi xiết trừ, ép giá người ta rất lớn.
Thứ tư, việc liên kết giữa các siêu thị, nhà phân phối để mua được số lượng hàng lớn lúc này có vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, mua 1 container hàng bao giờ giá cũng rẻ hơn hẳn mua 1 góc container. Hiện nay, chúng ta có 50 ông (siêu thị - PV) bán dầu ăn Neptune thì cả 50 ông đều đi mua, như vậy là nguy quá.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý thị trường, công an phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để tránh việc giá cả đã cao lại còn hàng lậu hàng giả, cân đo, đong đếm gian giảo, đẩy giá đắt hơn.
Vai trò của Nhà nước hiện nay chính là một nhạc trưởng chỉ huy trong vấn đề giá cả. Bởi một trong 3 yếu tố để làm chủ giá cả là lực lượng phải áp đảo (ít nhất chiếm 60% lực lượng) trong khi các siêu thị mới chiếm 10% doanh số của cả thị trường. Do đó, chỉ có bàn tay chỉ huy của Nhà nước mới can thiệp được.


- “Mặc cả giá” của siêu thị với nhà cung cấp là đương nhiên nhưng ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc làm này khi nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết siêu thị ở Hà Nội nói riêng chưa đủ hấp dẫn với nhà sản xuất, cung cấp khiến họ phải giảm lãi, giảm giá sản phẩm?

Rõ ràng anh nào bán được nhiều thì ưu thế mặc cả tốt hơn, ngược lại, anh nào bán ít sẽ gặp khó khăn, thậm chí anh không chủ động được nguồn hàng, chờ người ta đến gửi hàng để bán.
Theo tôi đó là cái cọ xát, cạnh tranh rất tốt trên thương trường nhưng cũng có điều cần lưu ý là các cơ quan quản lý Nhà nước như tài chính, thuế vụ... chưa kiểm soát được cái gốc ở nơi sản xuất. Nói cách khác, việc hạch toán, thống kê trong sản xuất, cấu thành giá thành sản phẩm chưa đạt sự minh bạch, công khai. Nhà sản xuất đội giá lên mình cũng khó có cơ sở để biết.
Ý thức vì cái chung là chưa có

- Vấn đề liên kết giữa các siêu thị đã được Hiệp hội đặt ra từ lâu nhưng hiện nay các siêu thị vẫn “mạnh ai nấy làm”. Những yếu tố nào cản trở điều này, thưa ông?

Đúng vậy, tính cộng đồng, sự liên kết của chúng ta rất kém không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh siêu thị...
Một mặt, sự minh bạch, công khai không rõ nên anh nào giữ phần anh ấy, sống riêng lẻ, sợ chia sẻ ra sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Mặt khác, có thể vấn đề hợp tác chưa thật bức bách lắm nên nhìn chung, các siêu thị chủ yếu làm riêng là chính.
Nói rộng ra, sự cởi mở, chân thật, vì cái chung cho thương hiệu, đất nước Việt Nam là chưa có. Đó là điều rất nguy hiểm cho cộng đồng, đất nước.
Mức độ cạnh tranh rất gay gắt giữa các siêu thị hiện nay buộc họ phải giữ những bí quyết riêng nhưng giữ ở mức độ nào, giữ như thế nào để đến khi tất cả chúng ta đều phá sản trước các tập đoàn nước ngoài thì bí quyết cũng hỏng.

- Xin cảm ơn ông!



nguồn:thitruong24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường