Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cổ phần hoá DNNN: Chậm vì rào cản hành chính?
10 | 04 | 2008
Sau hơn 15 năm triển khai hoạt động cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng theo kết quả thống kê cho thấy, chưa có năm nào kế hoạch CPH DNNN đặt ra được hoàn thành. Vì sao tiến trình CPH lại diễn ra chậm chạp như vậy? Đó là câu hỏi của hầu hết đại biểu tham dự Hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc hành chính trong CPH DNNN” được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Năm 2007, cả nước chỉ thực hiện CPH được 82 DNNN, đạt 21% kế hoạch Thủ tướng giao cho các bộ, ban ngành địa phương. Riêng ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT không thể hoàn thành kế hoạch CPH 17 tổng công ty lớn của Bộ và 329 DN trực thuộc do hầu hết các DN có lượng vốn ít, công nghệ kỹ thuật lạc hậu. Số vốn của 329 DN và 17 tổng công ty nông nghiệp là 6.050 tỷ đồng, bình quân mỗi DN chỉ có... 17, 5 tỷ đồng, thậm chí có tới 15% DN có vốn dưới 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, luật sư tham gia Hội thảo lại đưa ra nhận xét: “Một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình CPH là tình trạng can thiệp của các cơ quan công quyền, cụ thể là việc hành chính hoá quan hệ kinh tế vào tiến trình CPH DNNN cũng như hệ thống văn bản hành chính, thủ tục vô cùng rườm rà và chồng chéo...”. Luật gia Cao Đăng Vinh, chuyên viên Vụ Pháp luật Dân sự (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Quá trình CPH DNNN thời gian qua cho thấy còn nhiều vướng mắc không chỉ từ cơ chế pháp luật, mà còn cả từ sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của DN thuộc diện CPH”. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng chỉ ra rằng chính sách và quy trình CPH nước ta đang dựa trên lối tư duy cũ, bất cập, từ khâu xây dựng phương án CPH, tổ chức bán cổ phần đến việc hoàn tất thủ tục. Cộng với sự can thiệp quá sâu của các cơ quan công quyền, hành chính hoá quan hệ kinh tế vào tiến trình CPH... đang làm cho nhiều DNNN lâm vào cảnh bế tắc, đơn cử như Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đã mất 3 năm trời chỉ để làm rõ việc Công ty chuyển nợ thành vốn góp là đúng hay sai. Và cho đến nay, sau một số chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng trăm công văn của UBND thành phố Hà Nội,... Hacinco vẫn chưa thể xác định được là công ty cổ phần hay DNNN?

Ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM VN bức xúc: “Đã đến lúc Quốc hội phải vào cuộc thông qua một pháp lệnh về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần, trong đó quy định cụ thể mục tiêu CPH DNNN, các ngành, lĩnh vực phải được CPH triệt để, quy định trình tự, thủ tục, thời gian và có các chế tài đối với những hành vi cố tình trì hoãn việc CPH. Theo tôi, chúng ta cần phải luật hoá những quy định về CPH DNNN”.

Một số chuyên gia cũng đồng tình với giải pháp của ông Tiền, do việc ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao như vậy sẽ ngăn chặn được tình trạng tuỳ tiện thay đổi kế hoạch, kéo dài thời gian CPH nhằm những mục đích thiếu minh bạch. Ông Liêm cho biết: “Phải có đột phá mới về thể chế hành chính - kinh tế, đó là xoá bỏ chế độ chủ quản DNNN của các bộ và các địa phương, cắt đứt quan hệ lệ thuộc hành chính của DNNN với các cấp chính quyền. Trong CPH, các cơ quan hành chính chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra. Nếu xử lý các vướng mắc dẫn đến tranh chấp thì chỉ là xử lý các vi phạm hành chính, còn giữ vai trò “trọng tài” xử các vướng mắc khác như việc định giá tài sản, các tranh chấp có liên quan đến điều lệ công ty... thì nên để các toà án kinh tế đứng ra phân xử”.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, CPH DNNN là việc làm cần thiết. Trong thời kỳ đầu tiến hành CPH, ở vài nơi có sự lẫn lộn giữa Công ty cổ phần với Công ty hợp doanh, có nơi xác định chỉ bán cổ phiếu cho công nhân viên trong DN, có nơi bán cổ phiếu một cách tự do... Để giải quyết vướng mắc trên, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý, điều hành quá trình CPH với nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát thực hiện CPH. Nước này còn thành lập ủy ban Quản lý tài sản nhà nước trực thuộc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, độc lập với Chính phủ có nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ tài sản quốc gia trong các DNNN được CPH. Đến nay, nhiều DNNN của Trung Quốc chuyển sang cổ phần đã sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn vốn và đảm bảo lợi tức cổ phần cao hơn lãi suất cho vay từ 5-10%.

 



Nguồn: Kinh tế Nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường