Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia nhập WTO là giấy chứng nhận tiến trình cải cách của Việt Nam
16 | 07 | 2007
Trở về từ Geneva- Thụy Sỹ, sáng 29/10, sau khi kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán về việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi.
* Phiên họp của Ban công tác vừa qua có nảy sinh vấn đề gì không, thưa Bộ trưởng?

- Thông thường vào những thời điểm cuối, một số nước lợi dụng tâm lý của nước xin gia nhập, thấy thời điểm đàm phán kéo dài nên đưa ra các đòi hỏi bổ sung. Tuy nhiên, nhìn chung thì không có vấn đề gì xảy ra, chỉ là vấn đề sửa đổi câu chữ, không ảnh hưởng gì đến nội dung.

* Bộ trưởng đánh giá thế nào về quá trình 11 năm đàm phán của VN?

- Trong bài phát biểu bế mạc, tôi đã nói đàm phán gia nhập WTO của VN là một quá trình đầy khó khăn, cam go. Cơ bản là nỗ lực của VN trong quá trình đàm phán, trước hết thể hiện ở quá trình cải cách, đổi mới thể chế và luật pháp ở VN. Các bộ, ngành đã soạn thảo rất nhiều văn bản, Quốc hội đã làm việc rất khẩn trương với một trách nhiệm cao đối với đất nước. Tuy nhiên quan điểm của chúng ta là cải cách trong nước để hội nhập với bên ngoài, không lấy hội nhập bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước. Gia nhập WTO là chúng ta có một giấy chứng nhận quốc tế tiến trình cải cách của chúng ta. Đến nay, tiến trình cải cách đạt được rất nhiều ý nghĩa lịch sử.

* Nhiều người nói quá trình gia nhập WTO của VN kéo dài hơn mức cần thiết?

- Đàm phán gia nhập WTO là đàm phán một chiều, WTO đã có luật lệ, biểu thuế ở mức này, nếu muốn vào thì phải thỏa thuận để chấp nhận mức đó. Người ta đòi hỏi mình chứ mình không đòi hỏi được người ta. Thứ hai, đối tượng đòi hỏi của chúng ta rất lớn, 149 nước có quyền yêu cầu chúng ta. Càng về sau, người ta càng dựa vào những chuẩn mà người ta đã đạt được với thành viên mới, đàm phán phức tạp và kéo dài. Mỗi đối tác chúng ta đều gặp khó khăn riêng, quan trọng nhất là người ta đều tìm mọi cơ hội để doanh nghiệp và hàng hóa của họ thâm nhập thị trường VN. Mỗi đối tác dù lớn, dù nhỏ đều có yêu cầu riêng. Không có đối tác nào là đơn giản, tuy nhiên thường thì những nền kinh tế mạnh hiện có quan hệ buôn bán đầu tư với chúng ta lớn thì có đòi hỏi cao. Theo tôi, so với Trung Quốc mất 14 năm, Nga là 13 năm nhưng vẫn chưa được kết nạp thì VN cũng không quá dài.

* Bao giờ chúng ta công bố các cam kết gia nhập WTO?

- Ngôn ngữ đàm phán là tiếng Anh nên bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là chuyển ra thành tiếng Việt. Chắc chắn trong tháng 11 này, chúng ta sẽ phải công bố. Vấn đề bây giờ là cách thức công bố thế nào bởi văn kiện cực kỳ đồ sộ và phức tạp. Chẳng hạn, cam kết về dịch vụ tuy ngắn nhưng rất khó hiểu, vì vậy chúng tôi muốn làm cho mọi người có thể hiểu được. Trước hết toàn bộ phải được công bố trên mạng, còn những vấn đề mấu chốt nhất thì sẽ công bố bằng văn bản. Về việc phê chuẩn, Chính phủ đã chỉ đạo làm tờ trình báo cáo Chủ tịch nước và tôi nghĩ rằng Chủ tịch nước sẽ báo cáo với Quốc hội để sớm xem xét và phê chuẩn toàn bộ văn kiện.

* Vấn đề Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Mỹ dành cho VN hiện sẽ giải quyết ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Nếu Mỹ chưa thông qua PNTR thì tới đây họ sẽ phải tuyên bố không áp dụng Quy chế thành viên đối với VN. Có nghĩa là đối với Mỹ, VN sẽ không được hưởng những quy định của WTO dành cho các thành viên, ngược lại chúng ta cũng không phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại với Mỹ. Nhưng tôi tin rằng trước sau Mỹ cũng phải thông qua PNTR, đấy là quyền lợi của họ nữa chứ không chỉ của chúng ta.

http://www.baothuongmai.com.vn/article.aspx?article_ID=30361

Báo cáo phân tích thị trường