Tăng tốc gấp hai lần Ấn Độ:
Một trong các công ty đang có động thái như nói trên là Chinasoft International Ltd., đang tuyển hàng trăm nhân viên để xử lý các hóa đơn kê toa và giấy tờ thanh toán bảo hiểm y tế. Khách hàng mục tiêu của họ là các bác sĩ Mỹ. Chinasoft sẽ liên doanh với Tập đoàn Premier BPO thuộc bang Tennessee, Mỹ cũng có các hoạt động tương tự tại Ấn Độ và Pakistan.
Ông Chen Yuhong, Giám đốc điều hành Chinasoft, cho rằng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc gặt hái không thua gì Ấn Độ, nước đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực gia công công nghệ thông tin (IT). Hầu hết các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ đuổi kịp Ấn Độ chỉ sau một thập kỷ nữa.
Doanh thu gia công IT của Ấn Độ trong năm 2007 ước đạt 18 tỉ đô la Mỹ, gấp 6 lần của Trung Quốc. Sự chênh lệch này còn lớn hơn đối với dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (Business process outsourcing-BPO) chẳng hạn như xử lý hóa đơn thuốc, công tác hậu cần...
Do từng là thuộc địa của Anh, công nhân Ấn Độ có kỹ năng tiếng Anh tốt và quen thuộc với văn hoá phương Tây. Vì thế, các công ty Ấn Độ có lợi thế trong những công việc đòi hỏi kỹ năng tiếng Anh.
Tuy nhiên, doanh số gia công IT của Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ gần gấp 2 lần của Ấn Độ. Theo Công ty tư vấn Analysus International, con số đã tăng 45% trong quí 4-2007, trị giá khoảng 600 triệu đô la Mỹ. Mặc dù, phần lớn các đối tác ở Nhật Bản và các nước châu Á khác nhưng Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng khách hàng.
Quyết tâm theo đuổi mục tiêu
Trong năm 2006, Trung Quốc đã phát động dự án "Nghìn, trăm và chục", nhằm nâng cao năng lực cho hơn 1.000 công ty gia công của nước này để phục vụ cho hơn 100 đối tác quốc tế. Bắc Kinh muốn các công ty này hiện diện ở ít nhất 10 thành phố, quen thuộc là Thượng Hải, Bắc Kinh và Thẩm Quyến.
Nhưng thành công hay thất bại lại phụ thuộc vào các thành phố nhỏ hơn ít được nước ngoài biết đến. Lương, giá đất, nhà cửa ở các thành phố lớn của Trung Quốc tăng vọt khiến nhiều công ty nước ngoài phải di dời. Các quan chức hy vọng rằng các doanh nghiệp này sẽ chọn những những thành phố có chi phí thấp như Vũ Hán, Tế Nam...
Ông Tian Yuqi, quản lý nhân sự thuộc Tập đoàn công nghệ VanceInfo, một công ty gia công IT có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, một kỹ sư phần mềm mới vào nghề khi đến làm việc ở các thành phố này sẽ được trả 170-250 đô la Mỹ/tháng, chỉ bằng 1/3 so với Bắc Kinh hay Thượng Hải. Mức lương này cũng thấp hơn nhiều lần so với các trung tâm gia công Ấn Độ ở Bangalore và New Dehli, những nơi mà tiền thuê nhân viên tăng lên vùn vụt.
“Nhân công giá rẻ là một lợi thế của Trung Quốc nhưng Ấn Độ lại có ưu thế về thị trường”, ông Tian nhận định.
Vì muốn có cả hai lợi thế nên Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích. Các công ty xin thành lập trong lĩnh vực gia công được miễn các loại thuế trong hai năm. Họ được nhận trợ cấp về đào tạo và thuê mướn nhân viên, khoảng 700 đô la/người.
Chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều ưu đãi về giá thuê đất cũng như đóng góp tiền mặt vào một số lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn, tỉnh Hồ Nam đã dành riêng 56 triệu đô la Mỹ để thúc đẩy ngành công nghiệp hoạt hình của địa phương, vốn đặc biệt phát triển mạnh ở thành phố Changsha.
Ông Gaurav Gupta, giám đốc quốc gia ở Ấn Độ của The Everest Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn gia công có trụ sở ở Anh quốc, nhận xét: “Trung Quốc đang theo đuổi việc này với quyết tâm lớn". Tuy nhiên, ông cho rằng các công ty gia công của Trung Quốc nhìn chung chỉ đang phục vụ các doanh nghiệp trong nước, chứ chưa hướng đến khách hàng ở nước ngoài như các doanh nghiệp Ấn Độ đang làm.
Hiện nay, Chinasoft đang xem xét việc mua lại cổ phần ở các công ty như Premier BPO để hướng các khách hàng Mỹ chuyển sang làm ăn với các nhà gia công khá non trẻ ở Trung Quốc. Mặc dù Chinasoft mở văn phòng chi nhánh trải khắp thế giới, kể cả San Francisco và Seatle nhưng doanh thu gia công IT quí 3-2007 chỉ có 9 triệu đô la Mỹ.
Ông Mark Briggs, Giám đốc Premier BPO, khước từ bình luận chi tiết về thỏa thuận này. Ông ta đồng ý rằng tiếng Anh là lợi thế lớn của Ấn Độ và ngay cả những cái đơn giản như dấu phẩy, dấu chấm phẩy cũng có thể là rào cản đối với công nhân Trung Quốc trong việc mã hóa dữ liệu vào máy tính.
Tuy nhiên, việc đào tạo có thể thu ngắn cách biệt về ngôn ngữ cũng như văn hóa và ông Briggs dự đoán, những động lực thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng mạnh và nguồn nhân lực dồi dào, có thể giúp Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu về gia công.
“Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ vượt qua phần còn lại của thế giới về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp”, ông Briggs nhận định.
Changsha có thể nắm giữ vai trò chủ chốt trong chiến lược này. Khu gia công và phần mềm của Changsha thu hút khoảng 300 công ty, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như IBM, Google… nhưng phần lớn đều hoạt động nhỏ giọt. Hiện thời, 160 nhân viên của Chinasoft ở Changsha đang gia công IT cho các công ty Nhật Bản, tuy vậy chỉ dừng lại ở những việc đơn giản như mã hóa, kiểm tra phần mềm.
“Khác với người Nhật, các đối tác ở châu Âu và Bắc Mỹ nhấn mạnh đến đặc trưng thành thị. Họ thích Thượng Hải, họ không ủng hộ việc thành lập trung tâm tại các thành phố như Changsha”, ông Tian cho biết.
Nguồn: Vinanet
Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn