Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
TGĐ Cty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Người đưa ra thế giới
16 | 04 | 2008
Không chỉ một sản phẩm chế biến từ nông sản là mít sấy khô mà hàng loạt sản phẩm khác như táo, khoai, đậu cove… của Vinamit đang được bán rộng khắp nhiều nước có thị trường "khó tính" và là một trong những sản phẩm nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh nhất ở thời điểm hiện tại.
Chuyện kể rằng, mỗi khi hết lương thực vào mùa mít chín các chiến sĩ đã hái ăn múi mít thay lương khô, cơm và hạt mít được tận dụng trộn lẫn với gạo nấu cơm ăn, đặc biệt xơ mít trộn cùng vỏ bã đậu tương cộng thêm ít muối và bột ngọt đem chiên hoặc nướng ăn rất ngon. Mít chín có rất nhiều chất dinh dưỡng nên sau mỗi bữa ăn mít no rất lâu. Nhiều nhà khoa học đã tìm nhiều biện pháp để phát triển cây mít sao cho có lợi nhất cho nông dân nhưng cả một thời gian dài các nhà khoa học vẫn chỉ dừng lại ở một thứ cây ăn quả có giá trị còn hạn chế do không có đầu ra và cơ chế thu mua thích hợp cho người trồng. Nhưng...

Người bận rộn

Cuối năm, ai cũng bận rộn. Nhất là giới doanh nhân, mỗi ngày cả núi việc họ cần phải giải quyết và ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Cty CP Vinamit cũng không phải ngoại lệ. Sau hàng chục cuộc điện thoại, cuối cùng tôi cũng "bắt" được ông. Trên người vẫn còn dính bụi đất đỏ Tây Nguyên. Vừa gặp, ông kể luôn: "Cuối năm, nghẹt thở vì công việc. Tôi cũng vừa ở Đăk Lắk cả tuần để triển khai đầu tư hơn 3.000 ha vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy của Vinamit tại đó. Và cũng chỉ có buổi chiều nay gặp được thôi, mai lại phải bay sang Đài Loan để đàm phán với đối tác đầu tư...".

Hiện tại, nằm trong hệ thống quản lý, phát triển của Vinamit ngoài các nhà máy, nông trại, trang trại, vùng nguyên liệu trồng mít quy mô rộng 40.000 ha tập trung tại các vùng Nam Bộ và Trung Bộ, góp phần thay đổi cuộc sống phát triển cho người nông dân thì Cty đang đẩy mạnh phát triển tiếp tục ra các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Phú Thọ, Hà Tây... Đặc biệt, Vinamit đang mở rộng hoạt động và xúc tiến đầu tư vào vùng nguyên liệu để phục vụ cho nhà máy chế biến sản xuất tinh dầu tại vùng Nam Trung Bộ. Ông Viên nói: "Trong thời buổi này, nếu không đa dạng hình thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm thì chắc chắn là sẽ bị yếu thế bởi sức cạnh tranh của các sản phẩm ngoại đang ngày một đè nặng lên hàng trong nước. Đặc biệt là các hàng hóa được chế biến từ nông sản".

Mày mò

Với doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, để có được những thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình. Sau nhiều lần thất bại, đầu năm 1990 ông khăn gói qua Đài Loan học công nghệ chân không áp dụng trong chế biến nông sản. Thời điểm này 1 tấn mít khô tại Đài Loan có giá 6.000 USD, trong khi gạo nước ta xuất khẩu chỉ ở mức 200 USD/tấn. Ông Viên nhận thấy hàng nông sản đã qua chế biến đang thực sự có thị trường và sản phẩm từ mít đang có rất nhiều thuận lợi. Ông đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mít sấy khô ở Thủ Đức mang tên DN Đức Thành và bằng kinh nghiệm của mình ông phân tán sản xuất tại nhiều chỗ. Nhiều chỗ chứa nguyên liệu ở Bình Dương, sơ chế ở An Phú Đông và chế biến tại Thủ Đức. Năm 1995, ông Viên xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương. Học hỏi công nghệ sấy từ nước ngoài và xuất phát từ ý tưởng biến những sản phẩm nông sản của Việt Nam thành hàng hoá có giá trị, ông Nguyễn Lâm Viên là người đầu tiên mở ra sản xuất các sản phẩm hoa quả sấy khô. Mới đầu lập nghiệp từ mít sấy khô, đến nay Vinamít đã đa dạng hoá sản phẩm với hàng chục loại trái cây như xoài, cà rốt, khoai lang, đu đủ, khổ qua, táo, bí ngô, đậu cove... Bằng công nghệ sấy đảo nhiệt thăng hoá, sấy khô trái cây trong điều kiện chân không, Vinamít vẫn giữ nguyên được các yếu tố dinh dưỡng trong hoa quả, đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài, biến những vụ thu hoạch hoa quả ngắn ngày thành những sản phẩm hàng hoá giá trị cao sử dụng lâu dài.

Xuất ngoại

Khi có được sản phẩm, ông Viên đã tìm hướng xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là nước có truyền thống với rất nhiều sản phẩm từ trái cây nhưng ngay từ những loạt hàng mít sấy khô đầu tiên của Vinamit đã "hớp hồn" được người tiêu dùng nước này. Ngay năm 1996, doanh số xuất khẩu mặt hàng mít của Vinamit tăng nhanh và khá thành công ỏ nhiều thị trường, ông Viên quyết định "cõng" mít sấy khô đến với người tiêu dùng Mỹ. Lúc đầu mục tiêu của Cty nhắm vào thị trường Mỹ là cho người dân bản xứ chứ không chỉ là nhắm vào Việt kiều. "Họ yêu cầu tôi không được lấy nhãn hiệu Vinamít mà chỉ cung ứng sản phẩm, còn nhãn hiệu do họ tự đặt. Nhưng tôi không chấp nhận. Vì thế ngay khi hàng của tôi có mặt trên thị trường, lập tức tập đoàn Á Châu (gồm những đại lý bán sỉ ở Mỹ) tập hợp lại để phá giá. Với quá ít mặt hàng, lại hoạt động đơn lẻ, tôi không thể cạnh tranh. Tôi nhận ra điều quan trọng là phải hiểu kỹ thị trường mình muốn đến, hiểu về ngôn ngữ, luật pháp và luật làm ăn của họ" - ông Viên kể lại.

Cũng chính từ những bài học kinh nghiệm đúc kết được trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, chất lượng nên sản phẩm của Vinamit đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường nhiều nước trên thế giới. Có thị trường ổn định và ngày một mở rộng, chất lượng ngày một hoàn thiện hơn nên doanh thu và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Vinamit đạt mức tăng trưởng 35 - 45%.

Hiện 65% tổng sản phẩm của Vinamít được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Hong Kong, Nhật Bản, Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, Vinamit hiện đang xây dựng mạng lưới chi nhánh tại 69 tỉnh trên toàn quốc. Các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Big-C, Co-opMark, Hapro, MaximMark đều có bán các sản phẩm của Vinamit. Vinamit còn thành công ở hệ thống phân phối tại các sân bay, sân ga trong nước và quốc tế.

Khi được hỏi về việc cạnh tranh của sản phẩm Vinamit trên thị trường ông Viên nói: "Trong thời gian tới Cty sẽ lấy sự độc đáo và khác biệt làm ưu thế cạnh tranh để xác định vị trí của mình trên thị trường thức ăn nhanh thế giới. Người tiêu dùng nước ngoài sẽ tìm đến những sản phẩm mang đặc trưng rất riêng của nông sản Việt Nam. Đấy là đặc điểm mà Cty nhắm vào để tiếp tục phát triển các loại sản phẩm của mình".



Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường