Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cá tra tăng mạnh, thiếu nguyên liệu ảo?
19 | 04 | 2008
Như chúng tôi đã đưa tin, sau một thời gian rớt giá thảm hại giá cá tra đã tăng mạnh trở lại nhưng nhiều nông dân ĐBSCL đang “ôm hận” vì đã trót bán cá cách đây 1-2 tháng. Giờ đến lượt doanh nghiệp kêu ca: thiếu nguyên liệu cá.
Người nuôi cá không được hưởng lợi

Ngày 16/4, tại Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang các doanh nghiệp (DN) mua cá loại 1 khoảng 15.200đ, cá biệt có DN mua đến 15.500đ/kg, tăng khoảng 1.500đ/kg so với tháng 3. Hiện thị trường tiêu thụ cá tra ở nước ngoài tăng mạnh. Tỷ giá đồng USD tăng đã kích thích DN đẩy mạnh thu mua cá.

Nhiều nông dân đâm ra oán trách, tại sao các doanh nghiệp biết giá cá sẽ tăng trở lại mà không đẩy giá lên ở thời điểm cá rớt giá thảm hại. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản thừa nhận, nhiều “đồng nghiệp” đã lợi dụng thời điểm cá rớt giá đã chèn ép nông dân. Nói đúng hơn là dồn nông dân dân vào thế bí: Không còn tiền mua thức ăn để dưỡng cá cầm cự chờ giá, phải bấm bụng bán giá thấp.


Ở thời điểm khủng hoảng thừa nguyên liệu, “bài quen” của doanh nghiệp là: Đưa ra tiêu chuẩn màu, tỷ lệ thịt để bắt bí nông dân. Một số doanh nghiệp lại “khất nợ” dài hạn với nông dân.

“Một nông dân nuôi cá tra, không chịu nổi cảnh “khất nợ” dài hạn của doanh nghiệp đã giam lỏng người đại diện mua cá tại nhà mình để đòi nợ”, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Cần Thơ bức xúc kể lại chuyện này.

Theo một lãnh đạo Hiệp hội nghề nuôi và chế biến An Giang, thời điểm hiện nay nói: thừa hay thiếu nguyên liệu cá tra đều đúng.

Thừa vì một số doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định vẫn còn “chơi bài” chọn màu cá; thiếu vì những doanh nghiệp mới mọc lên như nấm phải chật vật tìm nguồn cá cung cấp cho chế biến. Chuyện doanh nghiệp sẽ “đấu đá” tìm nguyên liệu cá tra ở ĐBSCL không sớm muộn sẽ diễn ra.

Mánh lới doanh nghiệp để ép giá

Tuy nhiên, anh P T K, một đại gia nuôi cá tra ở Lấp Vò - Đồng Tháp, có thể thông tin thiếu nguyên liệu cá hiện nay là “ảo” do doanh nghiệp tung tin để “dẫn dụ” nông dân tập trung nuôi lại cá tra! Đây là một hệ lụy tất yếu của mớ hỗn độn trong phong trào nuôi cá và mở rộng các nhà máy chế biến không theo qui hoạch nào; chủ yếu do cảm tính chạy theo kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”.


Theo các chuyên gia trong ngành, giá cá tra sẽ tăng lên 16.000 đ/kg vào cuối tháng 4/2008. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn: chi phí sản xuất đầu vào, tỷ lệ hao hụt cá nuôi đều tăng cao. Nhiều nơi, tỷ lệ nuôi cá tra hao hụt đến 40%. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản vẫn tồn tại nhiều nghịch lý.

“Trong 5 năm qua, giá thành sản xuất cá tra cứ nhích dần lên nhưng giá xuất khẩu cá tra chỉ giảm hoặc đứng tại chỗ. Nguyên nhân do hàng loạt nhà máy chế biến xuất khẩu mọc lên, cạnh tranh không lành mạnh - chủ yếu “quân ta đánh quân mình” dẫn tới kìm hãm giá cá”, ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến An Giang nhận định.

Theo ông Danh, Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát giá cá tra xuất khẩu, có thể áp dụng đấu thầu từng thị trường như cách điều hành xuất khẩu gạo. Xuất khẩu cá tra, cá basa gần như Việt Nam chưa có đối thủ, việc các DN liên kết, làm đối trọng để thống nhất giá xuất khẩu là rất cần thiết. Đề xuất là thế, hiện tại nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn chịu cảnh “nằm kèo dưới - như cá nằm trên thớt”!




Nguồn: tintuconline.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường