Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tập đoàn Công nghiệp cao-su nâng cao nguồn lực đầu tư phát triển
21 | 04 | 2008
Thực hiện quan điểm Bám sát nhu cầu thị trường, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (Tập đoàn) đã áp dụng nhiều giải pháp đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cao-su và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, bước đầu thu được những kết quả lớn nhất từ trước đến nay. Ðây là điều kiện để Tập đoàn gia tăng tốc độ phát triển trong thời gian tới.

Thâm canh nâng cao năng suất và hiệu quả vườn cao-su
Từ tháng 4-2007 đến nay, vừa tròn một năm chuyển sang hoạt động kinh doanh theo mô hình Tập đoàn kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (trước đó là Tổng công ty cao-su Việt Nam) đã gặp phải những khó khăn: Giá vật tư, phân bón phục vụ cho sản xuất ngày càng tăng, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, mưa, bão, lốc xoáy xảy ra trên diện rộng, làm cho hơn 732 nghìn cây cao-su đang tuổi sung sức bị gãy, đổ, không còn khả năng hồi phục; hàng trăm ha cao-su ở miền Ðông Nam Bộ phải ngừng cạo mủ. Một số đơn vị như: Công ty cao-su Bà Rịa, Hòa Bình bị thiệt hại nặng. Năng suất vườn cao-su ở Công ty cổ phần Hòa Bình đang ổn định ở mức cao - hơn 1,8 tấn/ha/năm năm 2006, giảm xuống còn 1,4 - 1,5 tấn/ha năm 2007. Bù lại những thua thiệt đó, sản phẩm cao-su xuất khẩu lại được giá, có lợi đối với người sản xuất và các doanh nghiệp kinh doanh của toàn ngành cao-su Việt Nam.

Trước tình hình đó, Tập đoàn đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung nguồn lực đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất và hiệu quả trên một đơn vị diện tích vườn cây. Giám đốc Công ty cao-su Phú Riềng Nguyễn Hồng Phú cho chúng tôi biết: Trong công ty, các phòng, ban nghiệp vụ phối hợp các nông trường xem xét đánh giá lại chất lượng và xây dựng cơ cấu các loại phân bón cho vườn cây, tăng số lượng phân bón và áp dụng hình thức bón theo rạch hàng thay vì hình thức bón vãi trước đây. Cách bón này nguồn đạm đỡ bị bốc hơi và rửa trôi so với trước, cây hấp thụ được nhiều hơn.

Mặt khác, Phú Riềng đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cần thiết cho công tác khai thác mủ như: trang bị đủ máng chắn mưa, tấm ni-lon phù chén, hóa chất kích thích cây cho mủ, làm tốt công tác phòng, trị bệnh cho vườn cây, thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật cao mủ; xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác với lực lượng công an và chính quyền địa phương làm nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ tài sản trên vườn cây và các nhà máy chế biến mủ cao-su, áp dụng trả lương tháng cho công nhân theo mức doanh thu; từng bước điều chỉnh, lựa chọn cơ cấu tuổi vườn cây khai thác phù hợp...

Nhờ đó, năng suất lao động và năng suất vườn cây đã tăng lên, từ 1,73 tấn/ha năm 1995, tăng lên 1,96 tấn/ha năm 2006 và 2,07 tấn năm 2007. Trong đó, Nông trường Minh Hưng đạt 2,3 tấn/ha. Qua trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn kết hợp tìm hiểu ở một số đơn vị, chúng tôi thấy: Biện pháp đầu tư thâm canh của Phú Riềng cũng là cách làm được áp dụng ở nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn. Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam Lê Quang Thung cho chúng tôi biết: Tùy thuộc nhu cầu tiêu thụ của thị trường, Tập đoàn hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh suất đầu tư thâm canh bình quân/tấn sản phẩm từ 16 - 17 triệu đồng/tấn của thời kỳ 2003 - 2005, tăng lên 20 - 21 triệu đồng/tấn sản phẩm trong hai năm 2006 và 2007 vừa qua. Năm vừa qua, Tập đoàn vẫn giữ được mức năng suất bình quân ổn định ở mức cao, hơn 1,8 tấn/ha.

Hiệp hội cao-su Việt Nam thành lập câu lạc bộ đạt năng suất bình quân 2 tấn/ha/năm. Thời kỳ đầu, thành viên tham gia câu lạc bộ mới chỉ là một số các nông trường cao-su với quy mô vườn cây còn hạn hẹp. Ðến nay, Tập đoàn đã có chín công ty cao-su với diện tích vườn cây lên tới 86.479 ha nằm ở miền Ðông Nam Bộ, đạt năng suất từ 2 tấn/ha trở lên. Với giá bán hơn 33,6 triệu đồng/tấn cao-su, hiện nay giá trị sản xuất bình quân/ha vườn cao-su khai thác của Tập đoàn đã đạt gần 65 triệu đồng/năm, tăng 2,41 lần so với năm 2002. Trong đó, có 49% diện tích vườn cao-su khai thác đạt hơn 71,5 triệu đồng/ha. Ðây là mức cao nhất so với các doanh nghiệp sản xuất nông - lâm nghiệp của nước ta.

Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn do thời tiết gây ra, nhờ đẩy mạnh thâm canh nên tổng sản lượng cao-su khai thác của năm 2007, Tập đoàn vẫn đạt mức khá cao, gần 320 nghìn tấn, vượt 4,7% mức kế hoạch năm - khoảng 14.300 tấn trị giá gần 200 tỷ đồng; tổng mức doanh thu hơn 15.692,95 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ sản xuất và tiêu thụ cao-su đạt hơn 11.749,2 tỷ đồng, bằng 74% so với tổng mức doanh thu, vượt hơn 2,3% mức kế hoạch và tăng 1.335,9 tỷ đồng so với năm 2006.

Tổng lợi nhuận đạt 5.201 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ sản xuất cao-su là 4.172,7 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận so với tổng mức doanh thu và so với tổng số vốn Nhà nước giao đạt 35,7 - 73,1%; nộp ngân sách hơn 1.482 tỷ đồng, tăng 29 tỷ so với năm trước và tăng 2,17 lần so với năm 2002. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 4.437.000 đồng/người/tháng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2006. Một số đơn vị có mức lương cao, vượt ngưỡng 5 triệu đồng/người/tháng. Ðiển hình là Công ty Tây Ninh 6,4 triệu đồng, Phú Riềng 5,9 triệu đồng, Tân Biên 5,7 triệu đồng, Phước Hòa, Bình Long, Dầu Tiếng đạt 5,1-5,6 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương tăng, ngoài yếu tố giá bán mủ cao-su tăng cao và ổn định, còn do tác động tích cực của công tác thâm canh và cơ chế trả lương theo mức doanh thu, làm cho người lao động gắn bó với nhiệm vụ được giao, với đơn vị, góp phần nâng cao lợi nhuận, tạo nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Ðầu tư ra ngoài ngành và ra nước ngoài

Sản xuất phát triển, lợi nhuận đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, Tập đoàn có điều kiện tham gia liên doanh đầu tư vốn vào các dự án phát triển thuộc một số ngành, lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài theo hướng đa ngành nghề, đa sản phẩm và đa sở hữu. Kết thúc năm 2007, bằng nguồn vốn tích lũy của mình, Tập đoàn đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào 46 dự án thuộc các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ ở trong nước. Trong đó, có 31 dự án do Tập đoàn và các đơn vị thành viên tham gia góp vốn chi phối với mức 51-100% vốn điều lệ.

Ngoài các dự án tiếp tục thực hiện trồng cao-su ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, miền trung, Tập đoàn đã phối hợp một số địa phương thuộc vùng miền núi Tây Bắc xây dựng dự án phát triển cao-su ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập đoàn xem đây là cơ hội để góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn miền núi phía bắc. Tập đoàn đã tiến hành đầu tư góp vốn vào các dự án phát triển thủy điện, công nghiệp chế biến mủ cao-su, gỗ cao-su, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía nam, các dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà cao ốc làm văn phòng cho thuê ở Móng Cái (Quảng Ninh), Bến Vân Ðồn (TP Hồ Chí Minh) và một số nơi khác; tham gia dự án trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ ở một số tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, v.v...

Ðối với việc đầu tư vốn ra nước ngoài, phát triển sản xuất, kinh doanh, được phép của Chính phủ, Tập đoàn đã đầu tư vốn hoàn thành dự án giai đoạn một trồng mới hơn 10 nghìn ha cao-su tại hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Năm 2008 này, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên tập trung vốn đầu tư thực hiện hoàn thành dự án Việt - Lào trồng mới 10 nghìn ha cao-su, dự án Qua Sa Geruco ở Lào, dự án 4.000 ha tại Cam-pu-chia. Việc thực hiện dự án trồng mới cao-su trên đất bạn Lào và Cam-pu-chia, ngoài lợi ích kinh tế, còn góp phần gắn bó quan hệ quốc tế ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia trong giai đoạn mới.

Kết quả của những việc làm nói trên càng khẳng định vị thế, uy tín và vai trò chủ đạo của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế.




Nguồn: thitruong24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường