Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Việt Nam đang dùng đúng liều thuốc chữa lạm phát”
20 | 04 | 2008
Làm sao kiềm chế đà lạm phát phi mã mà vẫn đảm bảo đà tăng trưởng đang là câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp (DN) VN đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Không ít DN đã chấp nhận phá sản khi không tìm được lời giải cho bài toán kinh tế, nhưng đó chỉ là bước đường cùng vì “vẫn còn nhiều cơ hội để các DN bứt lên” - ông Thomas R. Knington, chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức REI (tổ chức trao đổi nguồn lực Hoa Kỳ) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị (sáng 16/4).
- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay các DN VN cần phải làm gì để chống đỡ được lạm phát mà vẫngiữ được năng lực cạnh tranh?

Trong bối cảnh lạm phát rất cao như hiện nay, các DN muốn tồn tại thì bản thân lãnh đạo DN phải rất thận trọng, cân nhắc khi đưa ra mọi quyết định. Quyết định phải cụ thể và có ý định rất rõ ràng vì lạm phát gia tăng thì giá cả đầu vào và sản xuất đều tăng nên các nhà lãnh đạo cần biết phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nghĩa là đầu tư vào lĩnh vực mình có lợi thế nhất để giữ ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Còn các DN xuất khẩu ở thời điểm này khi đưa hàng của mình sang quốc gia nào thì lấy đồng tiền của quốc gia đó để tính, chẳng hạn xuất sang châu Âu thì lấy EUR , sang Nhật Bản lấy đồng Yên...

Tôi rất đồng tình với chủ trương rà soát lại các dự án đầu tư không hiệu quả của nhiều DN hiện nay, đầu tư tràn lan không chỉ gây lãng phí nguồn tài chính của DN mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín và năng lực cạnh tranh của họ.

- Một trong các biện pháp kiềm chế lạm phát của DN VN hiện nay là thắt chặt chi tiêu công, điều này có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển của DN?

Lạm phát đang diễn ra trên toàn thế giới và xu thế của nhiều nước là cắt giảm chi phí cho hoạt động công. Lấy ví dụ ở Mỹ có xu hướng xây dựng các trụ sở nhỏ hơn để giảm chi phí, bộ máy làm việc ngày càng cơ động nghĩa là lãnh đạo có thể điều hành từ xa, còn các nhân viên có thể làm việc ở nhà. Đây là một xu hướng tốt và không ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc. Ở đây cần hiểu cắt giảm chi phí là cắt giảm cho những thứ không cần thiết chứ không phải “cắt” cả chi phí cho những công việc thiết yếu. Chính phủ Mỹ cũng đang phải cân nhắc rất nhiều giữa việc tăng trưởng và cắt giảm chi phí. Vì đã có trường hợp là khi cắt giảm chi phí thì hiệu quả sản xuất giảm đi trông thấy, điều này giống như “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”... Vì vậy biện pháp tốt nhất là nên cân nhắc kỹ lưỡng xem giảm như thế nào. Hơn nữa, khi lạm phát tăng cao thì chi phí lao động sẽ tăng rất cao nên DN cần chủ động đầu tư cho công nghệ, thiết lập hệ thống tự động hoá để tăng năng suất lao động.

Theo ông, việc Chính phủ can thiệp điều tiết giá cả thị trường trong giai đoạn hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng nền kinh tế thị trường?

Kinh tế lạm phát thì việc can thiệp của Chính phủ là đương nhiên. Ở hầu hết các quốc gia, chính phủ đều đã có hành động để điều tiết giá cả, ổn định thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần cân nhắc xem là can thiệp đến mức nào là vừa phải nhất và chỉ tập trung cho lĩnh vực chính yếu. Lạm phát là một căn bệnh, muốn chữa bệnh thì cần thời gian và tìm đúng thuốc. Theo tôi, Chính phủ VN đã dùng đúng thuốc, các chính sách đang đi đúng hướng. DN không nên quá sốt ruột và vẫn phải tự khắc phục khó khăn. Đặc biệt, lãnh đạo DN phải rất nhanh nhạy nhìn ra cơ hội phát triển của DN mình. Riêng tôi nhận thấy các bạn vẫn còn rất nhiều điều kiện cơ bản cho phát triển...


Nguồn: Kinh Tế Đô Thị


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường