Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vào WTO để bắt đầu một hành trình mới
28 | 07 | 2007
VN sẽ trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sân chơi này sẽ tác động tới “nồi cơm” của mỗi người VN ra sao? Mục gặp gỡ đầu tuần hôm nay dành cho hai vị khách cực kỳ am hiểu câu chuyện WTO. Đó là ông Paul Trần Văn Thình - cựu đại sứ của EC tại WTO và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, người vừa trở về từ bàn đàm phán.
Ông Paul Trần Văn Thình, người Việt quốc tịch Pháp, là đại sứ đầu tiên của phái đoàn Ủy ban châu Âu được biệt phái sang Geneva từ năm 1979-1994. Nhiệm vụ của ông là thay mặt Uy ban châu Âu đàm phán các hiệp định thương mại đa phương cũng như tham gia việc thành lập WTO.

Thưa ông, Chính phủ VN vừa kết thúc 11 năm đàm phán gia nhập WTO. Nhưng cho đến bây giờ những hiểu biết về WTO của người dân chưa phải là nhiều. Ngay cả nội dung cam kết của VN khi vào cái “chợ” toàn cầu này cũng chưa được công bố. Với tư cách là người từng làm việc tại WTO, ông nghĩ gì về chuyện đó?

- Ông Paul Trần Văn Thình: Theo tôi, ngay cả ở Mỹ và EU, nếu hỏi người dân trên đường phố về WTO thì có lẽ phải đến hơn 90% sẽ lắc đầu không biết. Tình trạng phổ biến là người dân chấp nhận việc nền kinh tế của mình gia nhập WTO mà không hề biết về những hệ quả của nó. Tương tự như ở VN, tôi nghĩ ai cũng đang rất hồ hởi việc VN gia nhập WTO chỉ còn tính từng ngày, nhưng ít người hiểu thấu đáo vì sao lại phải vào WTO và vào để làm gì, vào cho ai? Có lẽ ngoại trừ các nhà đàm phán, các chuyên gia, còn đa số hộ gia đình, đặc biệt là người dân ở nông thôn, còn rất lơ mơ về vấn đề quan trọng này.

* Có một thực tế là những vấn đề về WTO quá phức tạp, trong khi đó thì nhiều người muốn biết việc nước ta được vào WTO sẽ mang lại những thay đổi như thế nào đối với cuộc sống của người dân?

- Kinh nghiệm mấy chục năm đàm phán thương mại của tôi là khi nào đơn giản hóa sự việc thì tôi sẽ đàm phán thành công. Người dân ít hiểu biết về WTO là do Chính phủ chưa nỗ lực tìm cách đơn giản hóa nó đi. Nói tới cái được khi vào WTO, tôi thấy người ta hay nói tới việc người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Nghĩa là do thuế nhập khẩu giảm đi, nên người dân muốn mua hàng Thái Lan hay hàng Mỹ, hàng EU đều có thể được đáp ứng ngay.

Nhưng chẳng lẽ vào WTO chỉ là để biến mình thành một thị trường tiêu thụ khồng lồ cho cả thế giới? Người nông dân trồng rau, trồng ngô sẽ bán cho ai nếu người VN cứ đổ xô mua thực phẩm ngoại vì vừa chất lượng tốt lại vừa rẻ? Chủ các cửa hàng tạp hóa bên đường sẽ phục vụ ai nếu các tập đoàn bán lẻ thu hút hết khách, công nhân trong các nhà máy có việc làm không nếu các nhà máy bị lỗ? Tác động tới cuộc sống của mỗi người dân chính là ở điểm này.

* Như vậy với khoảng 70% dân số ở vùng quê, nhà nông VN sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất?

- Trong quá trình đàm phán, Tổ chức Oxfam đã đưa ra một báo cáo nhan đề “Bắt chẹt ở cửa vào”, chỉ rõ những thua thiệt của VN khi gia nhập WTO. VN phải thực hiện các nghĩa vụ cao hơn nhiều, các điều kiện cao hơn nhiều so với những nước gia nhập trước. Đó là chưa kể người nông dân của các nền kinh tế Nhật, EU, Mỹ được chính phủ bảo vệ mạnh mẽ bằng các biện pháp bảo hộ không “tự do thương mại” chút nào.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực dịch vụ VN cũng bị “bắt bí”. Tuy nhiên, đây là tình hình chung. Nước Nga, dù nền kinh tế lớn hơn VN nhiều, cũng chịu tình cảnh tương tự. Việc chấp thuận mở cửa cho hàng ngoại nhập, mở cửa cho ngành ngân hàng, tài chính trong khi nội lực quá yếu sẽ biến thị trường VN thành một thị trường bị “thực dân hóa”. VN phải hết sức cảnh giác.

* Để ngăn ngừa rủi ro như ông vừa nói, tính cạnh tranh sẽ là yếu tố quyết định?

- Đúng. Nhưng trước hết là cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa. Hàng hóa, nông sản phải nâng cao về chất lượng. Tôi tin người VN làm được điều này với những chính sách đúng đắn của chính phủ. Cạnh tranh không có gì là to tát cả. Ai nắm được thông tin nghĩa là có sức cạnh tranh. Nông dân cần được phổ biến thông tin, những người dân tộc thiểu số cần được phổ biến thông tin. Tôi thấy ai viện cớ phổ biến thông tin cho nông dân tốn kém là không đúng. Có đường điện thoại, có điện là có thể nối mạng để phổ biến thông tin. Tôi vẫn ấp ủ ý tưởng “dịch” những tác động của WTO ra thành các bài vè dễ nhớ, hoặc sang tiếng Việt để phổ biến ở các điểm sinh hoạt cộng đồng.

* Thưa ông, ý ông là các vấn đề “hậu WTO” còn nhiều điều đáng lo?

- Thực tế ở VN cho thấy tầng lớp trung lưu đang ngày càng giàu có và giàu nhanh, tôi e rằng lợi ích dành cho nhóm này ngày càng nhiều. Vấn đề của chúng ta khi gia nhập WTO là phải giúp người bán rau ở chợ, giúp người nông dân cày ruộng, người chạy xe ôm trên đường khá giả lên. Một chính sách không bỏ rơi người nghèo sẽ làm cho việc gia nhập WTO đồng nghĩa với đảm bảo sự thịnh vượng của VN trong tương lai.

* Rốt cuộc, với tư cách là một người VN, ông có lạc quan?

- Vào năm 1987, tôi đã từng nói với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng VN nên gia nhập GATT (tiền thân của WTO) ngay. Nhưng lúc đó, đối với VN, WTO quá phức tạp, quá xa xôi. Nay thì đường vào WTO đã rộng mở. Tuy nhiên, để đi đúng hướng thì cả Chính phủ và người dân đều phải thay đổi hành vi. Vào WTO không phải là đến đích mà là bắt đầu một hành trình mới. Cuộc hành trình chinh phục kiến thức và thông tin để làm chủ thị trường, cuộc hành trình nâng cao kỹ năng và công nghệ để nâng cao năng suất. Tôi lạc quan, tuy rằng đó là một con đường dài, rất dài của VN.

CẨM HÀ thực hiện

Sẽ công bố cam kết WTO đến người dân

TT - Hôm qua 29-10, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã về đến Hà Nội sau vòng đàm phán cuối cùng liên quan đến việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với tuyên bố “Việt Nam đã hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO”. Bộ trưởng đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên Tuổi Trẻ

- Khi đàm phán, ngôn ngữ chúng ta dùng là tiếng Anh và những nội dung khác liên quan đều là tiếng Anh. Chính vì vậy, chúng ta hết sức khẩn trương dịch, chuyển toàn bộ những nội dung cam kết vào WTO sang tiếng Việt một cách chính xác và cũng phải mất thêm một thời gian ngắn nữa việc này mới hoàn tất.

Nhưng vấn đề bây giờ là cách thức công bố như thế nào vì toàn bộ văn kiện này rất dày. Chỉ riêng báo cáo gia nhập của ban công tác đã dày mấy trăm trang rồi, còn nội dung cam kết về hàng hóa và dịch vụ cũng dày khoảng 500 trang. Có lẽ trước hết là toàn bộ văn bản phải được công bố trên mạng Internet, nhưng có những vấn đề mấu chốt nhất liên quan đến người dân thì chắc sẽ phải công bố bằng văn bản để người dân hiểu được.

* Liệu có thể công bố được những nội dung này một cách khái quát trước được không, ví dụ như về sản phẩm nông nghiệp, về dịch vụ... thưa bộ trưởng?

- Những nội dung cam kết rất nhiều, tác động đến mọi mặt đời sống và rất phức tạp nên khó có thể nói khái quát ngay được. Đấy là cái mà chúng tôi đang hết sức nỗ lực để làm rõ những thách thức và cơ hội có thể có. Chúng ta phải định ra chính sách, chủ trương để khai thác được những cơ hội của WTO. Cơ hội tự nó không biến thành được lực lượng trên thị trường mà chỉ có thể phát huy được thông qua hoạt động của chủ thể, mà chủ thể ở đây không chỉ là DN mà là cả Nhà nước.

Thách thức lớn của việc gia nhập WTO là khả năng cạnh tranh. Từ trước đến nay chúng ta nói nhiều đến sức ép cạnh tranh giữa các sản phẩm, giữa các DN. Như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì còn phải kể đến cả Nhà nước. Nhà nước có tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt cho các DN không là một vấn đề cũng rất quan trọng. Từ đấy mới có thể nói đến cuộc cạnh tranh mang tính chất tổng thể của nền kinh tế được, cạnh tranh giữa quốc gia với quốc gia.

* Kết thúc vòng đàm phán này, bộ trưởng nghĩ gì về suốt quá trình đàm phán kéo dài 11 năm của VN để trở thành thành viên của WTO?

- Quá trình đàm phán rất dài, rất khó khăn. Từ quá trình đó, tôi thấy rằng một trong những điểm cơ bản là nó thể hiện nỗ lực của VN, không chỉ thể hiện trên bàn đàm phán mà trước hết nó thể hiện ở quá trình cải cách, đổi mới thể chế kinh tế của VN. Rất nhiều văn bản đã được soạn thảo và QH cũng đã phải làm việc rất khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao. Các luật này bảo đảm đưa nền kinh tế của chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường. Tôi nghĩ rằng gia nhập WTO đồng nghĩa với việc chúng ta có một giấy chứng nhận quốc tế về tiến trình cải cách của VN. Có thể nói tôi thấy phấn khởi không chỉ vì chúng ta sắp trở thành thành viên WTO mà còn ở chỗ tiến trình đổi mới của chúng ta đã được thế giới công nhận, thể hiện thông qua việc đồng ý kết thúc đàm phán.

Những vấn đề cuối cùng liên quan đến đàm phán và các cam kết của VN gia nhập WTO đã được hoàn tất và tổ chức này đang xây dựng kịch bản cho lễ kết nạp VN làm thành viên mới, dự kiến vào ngày 7-11 tới. Nếu không có gì thay đổi, trong phiên họp đó của Đại hội đồng WTO, toàn bộ quá trình đàm phán của VN sẽ được trình bày lại trước đại hội đồng và nếu các thành viên không có ý kiến thì Đại hội đồng bỏ phiếu biểu quyết việc kết nạp, sau đó sẽ tiến hành lễ ký kết chính thức.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành là phải chuẩn bị một tờ trình cụ thể, chi tiết để báo cáo Chủ tịch nước. Tôi nghĩ rằng sau đó Chủ tịch nước sẽ báo cáo với QH để xem xét toàn bộ những nội dung liên quan đến các cam kết của VN. Quá trình gia nhập và những cam kết của chúng ta rất phức tạp, nó đề cập hầu hết các lĩnh vực KT-XH. Do đó, báo cáo phải rất đầy đủ và nêu bật được những cơ hội mà chúng ta có được khi là thành viên WTO, đồng thời làm rõ được thách thức mà chúng ta phải nhận biết và vượt qua.



Báo cáo phân tích thị trường