Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra ’sần mình’ vì… lạm phát
22 | 04 | 2008
Ngân hàng đóng băng cho vay, đô la nóng lạnh bất thường, giá cá nguyên liệu giảm. Chỉ một tháng người nuôi thiệt hại hơn 200 tỉ đồng. Mấy ngày gần đây tình hình thị trường cá tra có sáng sủa hơn, giá thu mua cá đã nhích dần lên.
Giá lên vẫn còn lo

Ông Dương Ngọc Minh, giám đốc công ty Hùng Vuơng - đại gia có công suất chế biến 20.000 tấn cá ngày - cho biết đã mở thêm thị trường mới ở Trung Đông với giá xuất 3 USD/ký, với điều kiện đồng đô la ấm lên như hiện nay, giá mua cá nguyên liệu có thể lên tới 16.000 đồng/ký.

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Nhiệp, phó chủ tịch hiệp hội Thuỷ sản Đồng Tháp thì hiện nay Đồng Tháp vẫn còn hơn 500 tấn cá đã quá 1,2 ký/con chưa tiêu thụ được. Với kích cỡ này chi phí đầu tư cao mà khó bán được vì kén chọn thị trường. Với mặt bằng giá thức ăn, lãi suất ngân hàng hiện nay thì tới đầu quý ba giá thành một ký cá sẽ lên đến 16.000 đồng. Các doanh nghiệp khi đàm phán xuất khẩu cần phải tính toán đến mức trượt giá này để bảo đảm người nuôi không bị lỗ. Vấn đề khác cần bảo đảm giá cá ổn định để tránh tình trạng người nuôi bỏ ao dẫn đến những giai đoạn thiếu cá nguyên liệu.

Băn khoăn không chỉ có ở người nuôi hay người quản lý hiệp hội mà ngay cả với các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ. Về góc độ xã hội, giá cả con cá tra liên quan mật thiết đến một tỉ đô la xuất khẩu. Nếu không có giải pháp căn cơ về tiền vốn, lãi suất tỷ giá để bồi sức cho người nuôi thì nguy cơ không đạt chỉ tiêu xuất khẩu đang ở ngay trước mắt.

Cạn vốn phải đua nhau bán non

Đầu năm 2008, giá cá tra nguyên liệu đứng ở mức 15.000 đồng/ký, người nuôi phấn khởi mừng và tăng đầu tư nuôi mới. Nhưng từ sau tết nguyên đán, giá thức ăn cá tăng vọt từ 30 - 50%. Và tỷ giá đồng đô la giảm so với tiền Việt làm hoạt động xuất khẩu bị đình trệ.

Ông Dương Văn Nhiệp, phó chủ tịch hiệp hội Thuỷ sản Đồng Tháp cho biết, ngoại trừ các doanh nghiệp lớn như Nam Việt (An Giang), Hùng Vương (Tiền Giang) có công suất chế biến và hệ thống kho lạnh hàng chục ngàn tấn, các doanh nghiệp chế biến khác phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng chế biến xuất khẩu để giảm lỗ. Thí dụ doanh nghiệp Vĩnh Hoàng của Đồng Tháp, công suất 250 tấn/ngày chỉ sản xuất 100 tấn/ngày. Giá cá nguyên liệu giảm theo.

Chính trong tình thế ngặt nghèo đó, thực hiện các biện pháp chống lạm phát từ 11.1.2008, các ngân hàng thắt chặt cho vay và đến ngày 28.2, thì đồng loạt đóng băng ngay cả với các hợp đồng vay đã ký kết trước đó nhưng chưa giải ngân. Người nuôi cá thật sự lâm vào khủng hoảng, không tiền cho cá ăn tiếp, bán cá thì doanh nghiệp chần chừ không mua, giá cá nguyên liệu sụt thê thảm đến ngày 15.3 chỉ còn 13.000 đồng ký - dưới mức giá thành. Ước tính, sau hơn một tháng khủng hoảng, người nuôi cá tra bị thiệt hại hơn 200 tỉ đồng.

Ông Phạm Văn Danh, chủ tịch hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang cho biết, suốt cả tuần lễ ông bị mất ngủ vì hội viên gọi điện thoại bất kể ngày đêm liên tục kêu cứu được vay tiền mua thức ăn cho cá. Nhiều người phải bán đổ bán tháo đàn cá chưa đủ ký. Khủng hoảng đã gây ra hệ quả dây chuyền.


Ông Huỳnh Văn K., người chuyên ươm cá giống ở Long An có diện tích ao hơn 10ha với sản lượng ươm hơn 2 triệu con cá giống đã phải thu hẹp sản xuất, kìm đàn giống ăn ở mức độ cầm chừng, ngưng nhập giống mới. Anh Ba H. ở huyện Châu Phú, An Giang, bán ao cá hơn 400 tấn bị lỗ hơn 200 triệu đồng không dám nhập cá mới mà đành bỏ ao trống chuyển sang chăm sóc đàn cá điêu hồng bán tiêu thụ nội địa để chờ thời.

Doanh nghiệp cũng lao đao

Không chỉ người nuôi bị thiệt hại mà cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc công ty Cửu Long cho biết khách hàng nước ngoài rất nhạy bén thông tin thị trường nên dù hợp đồng trước đây đã ký giá cao nhưng khi giá nguyên liệu trong nước giảm, giá cá xuất khẩu cũng phải điều chỉnh giảm theo.

Ông Dương Văn Nhiệp và nhiều nhà quản lý khác cùng dự đoán hậu quả tất yếu là đến cuối quý hai, đầu quý ba năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu để xuất khẩu. Và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn mới này.

Năm 2007, giá trị xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1 tỉ USD. Nuôi và chế biến cá tra trở thành ngành kinh tế quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng trên 300.000 tấn cá thành phẩm. Chi phí nuôi cá tra tính theo thời điểm năm 2007: hơn 13 triệu đồng/tấn.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường